Quần đảo Cát Bà – mô hình thí điểm về sự phát triển bền vững

Việt Nam là một trong các quốc gia “tốp đầu” được Liên Hợp Quốc và UNESCO chọn làm thí điểm đưa mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển, di sản và công viên địa chất thành những mô hình học tập vì sự phát triển bền vững. Vinh dự này được trao cho khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên nước ta-quần đảo Cát Bà…

Nuôi dưỡng khu dự trữ sinh quyển

Voọc là một trong những loài động vật quý hiếm tại Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà. (Ảnh: LD)

Ngay khi quần đảo Cát Bà được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, thành phố Hải Phòng đã cử ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm Trưởng Ban quản lý và ban hành ngay Quy chế quản lý để “bảo tồn và phát triển” tài sản thiên nhiên quí giá này. Quy hoạch bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển được lồng ghép vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Cát Hải đến năm 2010 tầm nhìn 2020.

Ban quản lý đã giữ mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế thực hiện các chương trình, dự án bảo tồn, hỗ trợ cộng đồng tại khu vực. Mô hình làng sinh thái tại xã Xuân Đám như một điển hình cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Việc nuôi trồng thủy sản gắn liền với bảo vệ môi trường biển thông qua quy hoạch sắp xếp các bè, lồng cá trên biển, chuyển giao công nghệ sinh sản Tu Hài và ươm nuôi Tu Hài thương phẩm, nuôi ghép cá và nhuyễn thể để lọc nước cải tạo môi trường, nuôi cấy rong cước có giá trị kinh tế cao, thu gom rác…

Rừng được tiến hành khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên và trồng mới rừng tại vùng đệm. Khôi phục việc trồng cam tại xã Gia Luận, sản xuất rau an toàn và trồng tre măng, cây dược liệu, khai thác nhựa thông tại vùng đệm đang trở thành mô hình kinh tế phù hợp với đời sống người dân địa phương.

Riêng hai xã Xuân Đán và Việt Hải đang là mô hình thử nghiệm làng Kinh tế-Sinh thái…

Bộc lộ tiềm năng trở thành mô hình mẫu

Ý tưởng coi các khu dự trữ sinh quyển trở thành phòng thí điểm về học tập vì sự phát triển bền vững chỉ mới xuất hiện tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 19 (tháng 10.2006) của Hội đồng Điều phối quốc tế các khu dự trữ sinh quyển của Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB).

Trong xu thế này, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà xác định 6 mục tiêu và nội dung lớn.

Trước hết, nâng cao năng lực bảo tồn và quản lý bảo vệ rừng và đa dạng sinh học cho Vườn Quốc gia Cát Bà và Hạt Kiểm lâm huyện Cát Hải.

– Thứ hai, xây dựng các cơ sở dữ liệu sinh quyển, lập các chương trình, kế hoạch bảo tồn các loại động vật đặc hữu và quý hiếm như Voọc Đầu Vàng/Voọc Cát Bà, Sơn Dương, nhím, cao cát, beo lửa.

– Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng phù hợp với sinh thái.

– Thứ tư, bảo tồn và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, tiếp cận các tiêu chí di sản thiên nhiên thế giới.

– Thứ năm, xây dựng mô hình phát triển kinh tế chất lượng để chuyển đổi sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, nâng cao thu nhận cho người dân.

– Thứ sáu, nâng cao nhận thức bảo tồn và bảo vệ thiên nhiên trong cộng đồng.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà đang “bộc lộ các tiềm năng trở thành Mô hình mẫu cho cả khu vực và thế giới” như lời nhận xét của Tiến sĩ Natajaran Ishwaran, Tổng thư ký UNESCO/MAB Paris.

 

Theo MonreNet, Lao động