‘Quấy rối tình dục’ có từ bao giờ?

Quấy rối tình dục vẫn còn xa lạ với nhiều nước – Ảnh: Độc Lập

Hôm 25.5 vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam.

Ở các nước phương Tây, quấy rối tình dục là cụm từ thường xuyên được đề cập nhưng còn khá xa lạ với đa phần người Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, câu chuyện về quấy rối tình dục khá dài và quấy rối tình dục chỉ được chính thức đưa vào luật một số nước trong vòng vài thập niên gần đây.

Ai định nghĩa “quấy rối tình dục”?

Trong lịch sử, Mỹ là một trong những nước đầu tiên xuất hiện cụm từ “quấy rối tình dục” và tiếp nhận đơn khiếu nại của các nạn nhân.

Theo trang web của Đại học Brandeis (Mỹ), xuất phát điểm của việc xử phạt quấy rối tình dục nằm ở khoản VII của Đạo luật Nhân quyền được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1964. Tuy nhiên đạo luật này chỉ nhắc đến các biểu hiện tương tự quấy rối tình dục trong mục “phân biệt giới tính”.

Năm 1979, cụm từ “quấy rối tình dục” lần đầu xuất hiện trong cuốn sách “Chuyện quấy rối tình dục của những nữ công nhân” của học giả về pháp lý và nữ quyền Catherine MacKinnon. Tuy nhiên, bà MacKinnon mới chỉ dùng cụm “quấy rối tình dục” để chỉ việc phụ nữ bị lạm dụng, ép đổi tình dục lấy tiền lượng hoặc công việc, không cho rằng những nam công nhân có thể bị quấy rối.

Định nghĩa về quấy rối tình dục chính thức được đưa ra từ Ủy ban về Cơ hội việc làm bình đẳng tại Mỹ (EEOC) năm 1980. EEOC cho rằng tội quấy rối tình dục là những hành vi thể hiện tình dục không nhận sự đồng tình của người bị lạm dụng, “tạo ra một môi trường làm việc thù địch, đáng sợ hoặc xúc phạm”, theo tạp chí The Week (Mỹ).

Năm 1986, Tòa án tối cao Mỹ đưa “quấy rối tình dục” vào tội danh phân biệt giới tính. Khi ấy cá nhân có thể bị buộc tội quấy rối tình dục ngay cả khi người bị xâm hại “đồng ý” với tâm thế “phục tùng”, “không chào đón”… Nghĩa là người bị quấy rối không thể phản kháng do những lý do khác nhau dù bản thân họ không mong muốn bị quấy rối.

Mãi đến năm 1997, Thẩm phán Scalia soạn thảo thông qua một quyết định nhất trí rằng việc “quấy rối tình dục” cũng được xét tới trong mối quan hệ của những nam nhân với nhau, một tiền đề cho tội “quấy rối tình dục” của những người đồng giới sau này.

Chưa tạo ra nhận thức rộng rãi

Dù chú trọng bảo vệ nhân quyền và quyền lợi người lao động nói chung, song luật hoặc quy định chống quấy rối tình dục vẫn chưa thể phổ biến rộng rãi một phần vì giáo dục và tâm lý người bị hại.

Bản thân quấy rối tình dục là một vấn đề nhạy cảm, người bị xâm hại hiếm khi dám công khai sự thật vì nhiều lý do – Ảnh: Độc Lập

 

Rắc rối này đến từ ngay giai đoạn phôi thai của những định nghĩa về “quấy rối”, mà ngay cả Anh và Mỹ, những nước tiên phong về vấn đề này vẫn trăn trở.

Hôm thứ Tư, 27.5, báo Anh The Telegraph có bài viết về luật sư Ann Olivarius, một trong những người được xem đã làm nên lịch sử ngành pháp lý về bảo vệ phụ nữ khỏi quấy rối tình dục.

Năm 1980, bà Ann Olivarius đã kiện trường đại học Yale (Mỹ) về các vụ tấn công tình dục trong khuôn viên trường. Dù vụ kiện không thành công, bà Olivarius đã mang lại định nghĩa mới cho các vụ xâm hại, khi ấy gọi là “date rape”.

Cụm từ trên diễn tả việc lạm dụng tình dục trong tình huống các bên biết về nhau, có thể cùng hẹn hò, đi chơi nhưng một người có hành động tấn công tình dục một người khác hoặc sờ mó, có hành động không nhận sự đồng tình. Trong trường hợp cụ thể, các giảng viên có thể hẹn hò sinh viên ăn tối nhưng lại có hành vi không đúng mực hoặc gạ gẫm “đổi tình lấy điểm” cũng sẽ gọi là “date rape”.

Trường Yale sau đó trở thành một trong những trường đại học đầu tiên tại Mỹ thiết lập bộ quy tắc nội bộ để xử lý các trường hợp lạm dụng tình dục, theo The Telegraph.

Bà Olivarius cho rằng luật về quấy rối tình dục tại Mỹ vẫn chưa thể giúp tình hình thuyên giảm, vì chưa làm rõ sự lẫn lộn giữa đồng tình và không đồng tình. Ngoài ra, tâm lý của một người phụ nữ thường cho rằng họ có lỗi sau khi bị lạm dụng, hiếm khi dám công khai sự thật. Và trên thực tế, các luật lệ hay quy tắc vẫn phụ thuộc vào khả năng nhận thức.

“Hiện tại, phụ nữ không được khuyến khích báo cáo về việc bị lạm dụng, bạn không thấy mọi người ở trường đại học nói, ‘Này, đây là cơ chế mà bạn có thể sử dụng, đến đây và chúng tôi sẽ giúp bạn’, không có nhiều chương trình giáo dục phổ cập điều này”, bà Olivarius nói.

Nguồn: Theo thanhnien

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.