Rubella, tay chân miệng và mối nguy hiểm cho trẻ nhỏ

Mùa hè mang đến những kì nghỉ lý thú, nhưng đồng thời cũng mang đến những thứ không được chào đón – và là nỗi lo sợ của các mẹ – đó là những vi khuẩn, virut gây bệnh cho trẻ như rubella, tay chân miệng…

1. Bệnh Tay – chân – miệng

Tay chân miệng là bệnh do virut gây nên. Bệnh lây từ người sang người và lây qua đường tiêu hoá.

Triệu chứng: Bệnh chủ yếu biểu hiện trên da và niêm mạc.

Thời kì ủ bệnh: Từ 3 – 7 ngày, thời gian này thường sẽ không phát hiện được.

Thời kì khởi phát: Trẻ xuất hiện các triệu chứng chán ăn, sốt nhẹ, mệt mỏi.

Thời kì toàn phát: gồm các triệu chứng rất điển hình của bệnh:

+ Loét miệng: trong miệng trẻ xuất hiện nhiều vết loét khoảng 2-3mm, nhìn giống vết nhiệt miệng. Vết loét đỏ và có rải rác ở lưỡi, lợi, họng.

+ Phát ban: ban của bệnh có dạng mụn nước kích thước 2-3mm, nằm rải rác lòng bàn tay, bàn chân, mông, khi mất đi để lại vết thâm.

Thường bệnh kéo dài 7-10 ngày rồi tự mất đi, kèm theo đó trẻ có nôn hoặc sốt nhẹ. Các mẹ chú ý cặp nhiệt độ khi trẻ sốt, nếu sốt cao thì có nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng thường xuất hiện khá sớm, khoảng 3-5 ngày.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh: viêm não, viêm cơ tim, liệt dây thần kinh sọ não….

Tay chân miệng hiện chưa có thuốc chữa, chỉ là điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng. Các mẹ chú ý chế độ chăm sóc trẻ thời gian này, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, không kiêng khem. Vệ sinh thân thể hàng ngày cho trẻ bằng nước ấm, sạch. Mọi loại thuốc phải được sự hướng dẫn của bác sĩ mới được dùng.

Phòng bệnh: Tay chân miệng hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. Mẹ cần chú ý giữ gìn về sinh cá nhân cho trẻ, các vật dụng như đồ chơi, quần áo, tã lót cần được giặt sạch sẽ phơi dưới ánh nắng mặt trời. Các mẹ chủ động cách ly con ở nhà hoặc ở cơ sở y tế tuỳ theo mức độ bệnh.

Cơ thể trẻ em rất nhạy cảm và là đối tượng tấn công của các loại virut, vi khuẩn. Trẻ mắc bệnh thường cũng nặng hơn người lớn vì vậy các mẹ cần quan tâm đến việc phòng bệnh cho trẻ. Những việc đơn giản như luôn giữ vệ sinh cho trẻ, đồ chơi và các vật dụng thường xuyên được giặt sạch, một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng… là các mẹ đã góp phần tạo lá chắn bảo vệ sức khoẻ cho con.

2. Bệnh rubella

Đây là một bệnh truyền nhiễm do virut gây nên. Vì vậy vẫn chưa có thuốc chữa mà chỉ là điều trị triệu chứng. Bệnh lây qua đường hô hấp và nếu người mẹ đang mang thai mắc rubella virut này có thể qua nhau thai gây nên bệnh rubella bẩm sinh. Trẻ em mắc rubella biểu hiện thường không nặng nề bằng rubella bẩm sinh.

Triệu chứng của trẻ mắc rubella

Bệnh rubella rất dễ nhầm với một số bệnh phát ban khác như sởi, tay chân miệng. Sau khi virut xâm nhập khoảng 2-3 tuần trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt, phát ban, nổi hạch,…

+ Sốt : thường trẻ mệt mỏi, bỏ ăn, quấy khóc, sốt nhẹ tầm 38 độ.

+ Nổi hạch: một số hạch ở nách, góc hàm, bẹn sưng đau.

+ Phát ban: ban của rubella mọc không theo thứ tự, sau 2-3 ngày là bay hết. Ban nhỏ 1-2mm, các mẹ cần phân biệt với ban sởi, ban sởi mọc từ mặt, cổ xuống thân, nhìn ban sởi thấy mọc dày và sờ thấy mịn.

Là bệnh chưa có thuốc chữa mà chỉ điều trị triệu chứng nên các mẹ không được tự ý dùng thuốc. Nhiều mẹ lạm dụng kháng sinh không theo hướng dẫn chỉ khiến bệnh của con càng nặng thêm. Cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho uống đủ nước, có thể uống nước cam, uống nước ép bưởi đều là thực phẩm giàu vitamin C. Không nên kiêng khem mà cần ăn đủ chất, bữa ăn các mẹ có thể chia nhỏ để trẻ không ngán. Nhiều mẹ hay kiêng tắm hoặc dùng nhiều loại lá đun cho trẻ tắm nhưng việc này là sai lầm. Hiện nay các loại lá không được đảm bảo như ngày xưa, hay bị phun hoá chất có thể gây độc cho trẻ, tốt nhất các mẹ dùng nước sạch, ấm tắm nhanh cho trẻ là được.

Biến chứng của rubella

Rubella là bệnh cấp tính nhưng ít có biến chứng, bệnh thường tự khỏi. Ở trẻ lớn và người lớn có thể gặp biến chứng viêm khớp, nữ gặp nhiều hơn nam. Nhưng điều đáng lo nhất chính là trẻ bị rubella có thể lây truyền cho người lớn, đặc biệt phụ nữ có thai. Hậu quả về sau rất nặng nề nếu trẻ sinh ra mắc rubella bẩm sinh.

Phòng bệnh

Hiện nay đã có vắc-xin rubella, đây là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Bên cạnh đó khi phát hiện có người mắc bệnh hoặc vùng dịch, các mẹ nên chủ động cách ly trẻ. Hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh, chế độ ăn cần tăng cường vitamin C nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Mèo Hoa

 Mời mẹ xem thêm:

  • Hướng dẫn mẹ vệ sinh tai cho bé an toàn và đúng cách (phần 1)
  • 12 loại siêu thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé yêu
  • Học mẹ thông thái bắt bệnh cực chuẩn cho bé yêu (Phần 3)

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.