Tạm biệt mùi hôi từ miệng

Tạm biệt mùi hôi từ miệng

Bạn có tự tin về hơi thở của mình. Bạn có chắc rằng khi nói chuyện, đối phương không hề khó chịu về hơi thở của bạn…? Nếu bạn đang lo lắng về điều này hãy để chúng tôi giúp bạn.

  • 1

    Vì đâu hơi thở có mùi

    Hơi thở có mùi hôi, y học gọi là chứng hôi miệng, có thể coi đó là kết quả từ các thói quen chăm sóc sức khỏe răng miệng kém và có thể là một dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác. Hôi miệng cũng có thể trở nên tồi tệ hơn bởi các loại thực phẩm bạn ăn và thói quen lối sống không lành mạnh.

    Về cơ bản, tất cả các thực phẩm bạn ăn đều được nhai nhỏ trong miệng của bạn. Nếu bạn không đánh răng và xỉa răng hàng ngày, các hạt thức ăn có thể vẫn còn trong miệng của bạn sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn giữa các kẽ răng, xung quanh nướu răng và lưỡi. Điều này gây ra hôi miệng.

    Tạm biệt mùi hôi từ miệng

    Ngoài ra, mùi hôi còn được tạo ra do vi khuẩn phát triển trong các hạt thức ăn két lại ở răng giả do không được làm sạch đúng cách. Hút thuốc hoặc nhai các sản phẩm thuốc lá cũng có thể gây hơi thở hôi, ngả màu răng, làm giảm khả năng đánh giá của bạn với hương vị thực phẩm và kích thích nướu răng.

    Bên cạnh đó, một số bệnh về xoang, về răng miệng, về đường tiêu hóa cũng có thể khiến hơi thở của bạn có mùi.

  • 2

    Chặn đứng hôi miệng cần lưu ý những gì?

    Mùi hôi của hơi thở có thể được giảm hoặc phòng tránh được nếu bạn: Thực hành vệ sinh răng miệng tốt. Đánh răng ít nhất hai lần một ngày với kem đánh răng để loại bỏ mảnh vụn thức ăn và mảng bám. Đánh răng sau khi ăn, kể cả bữa ăn “giữa buổi”, không ăn vặt nhất là các loại bánh, kẹo, kể cả nước ngọt các loại, bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng kẹo cao su không đường.

    Tạm biệt mùi hôi từ miệng

    Bạn cũng đừng quên việc chải lưỡi, thay thế bàn chải đánh răng 2 – 3 tháng một lần. Sử dụng chỉ tơ nha khoa làm sạch kẽ răng để loại bỏ thức ăn và mảng bám giữa các răng của bạn một lần một ngày.

    Mỗi ngày uống từ 1,5 – 2,5 lít nước và uống nước thành nhiều lần trong ngày, điều này không chỉ giúp cho cơ thể đủ nước mà còn có tác dụng “rửa trôi” các thức ăn tồn đọng trong miệng.

    Đi khám nha sĩ của bạn thường xuyên – ít nhất hai lần một năm. Bác sĩ sẽ kiểm tra và làm sạch răng miệng theo cách chuyên nghiệp nhất và sẽ điều trị cho bạn nếu phát hiện bệnh nha chu, khô miệng hoặc các vấn đề khác có thể là nguyên nhân gây ra mùi hôi miệng.

    Khi cần phải làm răng giả hay bọc (bịt) răng bằng vàng hay bạc cần đến các thầy thuốc nha khoa có kinh nghiệm, có tay nghề tốt để đảm bảo rằng giữa hàm giả và lợi, giữa lớp bọc răng và lợi thật kín, nếu không thì hôi miệng là điều khó tránh.

    Nếu bạn nghĩ rằng các loại thực phẩm bạn ăn có thể gây ra tình trạng hôi miệng của bạn. Hãy ghi lại và nhờ bác sỹ tư vấn. Bạn cũng nên làm như vậy đối với các loại thuốc mà bạn sử dụng.

    Hằng ngày, nhất là với người cao tuổi, nên thở sâu (hít vào bằng mũi, thở bằng miệng) nhiều lần (ít nhất là vào buổi sáng, buổi trưa, buổi tối) để không khí trong phổi được lưu thông và thải hết không khí đọng trong phổi.

    Đối với răng giả nên được tháo ra vào ban đêm và làm sạch triệt để trước khi sử dụng vào sáng hôm sau.