Tăng tuổi thọ nhờ nấm linh chi

Ảnh: internet

Từ xa xưa, con người đã biết dùng nấm linh chi làm thuốc. “Thần nông bản thảo” xếp linh chi vào loại siêu thượng phẩm hơn cả nhân sâm, dùng lâu ngày giúp cơ thể nhẹ nhõm, tăng tuổi thọ (khinh thân bất lão diên niên ích thọ) nên dân gian rất ưa chuộng. “Bản thảo cương mục” coi linh chi là loại thuốc quý, có tác dụng bảo can (bảo vệ gan), giải độc, cường tim, kiện não (bổ óc), tiêu đờm, lợi niệu, ích vị (bổ dạ dày). Gần đây, các nhà khoa học phát hiện nấm linh chi cũng có tác dụng phòng và chống ung thư, chống lão hóa, làm tăng tuổi thọ.

Linh chi còn có tên chi thảo, nấm lim, nấm thần tiên, nấm trường thọ… Dựa vào màu sắc, có 6 loại: thanh chi (màu xanh); hồng chi hay xích chi, đơn chi (màu hồng); hoàng chi hay kim chi (màu vàng); bạch chi hay ngọc chi (màu trắng); hắc chi hay huyền chi (màu đen); tử chi (màu tím). Nấm linh chi chứa sterol, enzym, protid, đường, acid béo, triterpen, polysaccharid và các nguyên tố vô cơ. Theo Đông y, thanh chi tính bình, không độc, có tác dụng bổ can khí, cường khí, an thần, sáng mắt, tăng trí nhớ, chữa viêm gan cấp và mạn tính; xích chi vị đắng, tính bình, không độc, tăng trí nhớ, chữa các bệnh về huyết và thần kinh, tim; kim chi vị ngọt, tính bình, không độc, làm mạnh hệ miễn dịch; huyền chi vị mặn, tính bình, không độc, chữa các bệnh ở cơ quan bài tiết, trị bí tiểu tiện, sỏi thận; ngọc chi vị cay, tính bình, không độc, tác dụng bổ ích phế khí, chữa hen; tử chi vị ngọt, tính ôn, không độc, chữa đau nhức xương khớp. Công năng chủ trị: Bổ khí dưỡng âm, bổ tâm an thần, cố thể kiện thân (bảo vệ, tăng cường sức khỏe); Dùng cho các trường hợp suy nhược thần kinh, đau đầu chóng mặt, hồi hộp, tim đập nhanh, mất ngủ quên lẫn, ù tai điếc tai, đau lưng mỏi gối, hen suyễn, viêm khí phế quản, viêm gan, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tăng mỡ và cholesterol trong máu, giảm bạch cầu, bệnh tiểu đường, người cao tuổi, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, tiêu hoá kém… Liều dùng, cách dùng: 8 – 15g; nấu hãm, ngâm rượu.

Món ăn – bài thuốc bổ dưỡng và chữa bệnh có linh chi:

– Gà linh chi: Linh chi 15g, gà trống tơ 1 con. Linh chi rửa sạch, thái lát, gà làm sạch, bỏ ruột, cho gừng và hành tươi thái lát cùng các gia vị thích hợp. Đem gà và một nửa số linh chi, gừng, hành thêm muối, nước, gia vị nấu chín. Vớt gà ra; cho vào chảo có dầu vừng và đun. Phần linh chi còn lại sắc lấy nước, thêm đường phèn, bột ngọt và cô lại; lấy nước này rưới đều lên gà trong chảo có dầu đến khi da bì gà đỏ tươi là được. Chia ăn 1 – 2 bữa trong ngày.

Hoặc: Gà làm sạch bỏ ruột, linh chi thái nghiền vụn gói vải xô cho trong bụng gà, đem hầm cách thủy, khi gà chín, bỏ bã thuốc, thêm gia vị ăn, chia ăn nhiều lần trong ngày; Dùng cho các trường hợp suy nhược sau đẻ, sau bệnh nặng dài ngày, bà mẹ nuôi con ít sữa, người cao tuổi.

– Trà linh chi: linh chi 9g, nấu hãm uống như nước trà. Dùng cho các trường hợp suy nhược thần kinh, đau đầu chóng mặt, hồi hộp mất ngủ, sút giảm trí nhớ ở người cao tuổi, người bị yếu mệt do bệnh lâu ngày.

– Nước sắc linh chi, trần bì, bách hợp: linh chi 10g, bách hợp 10g, trần bì 8g. Sắc nước hoặc pha hãm, chia nhiều lần uống trong ngày. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản, hen suyễn, ho gà.

– Linh chi tán: linh chi rang sấy khô, tán bột, mỗi lần uống 3g, chiêu với nước trà hoa cúc. Dùng cho các trường hợp viêm gan cấp, viêm gan mạn, đau quặn vùng gan mật, tăng các men hoạt tính SGOT, SGPT.

– Rượu linh chi: linh chi 100g, rượu trắng 500ml. Linh chi rửa sạch, thái lát, ngâm với rượu, sau 7 ngày là dùng được. Mỗi ngày uống 2 lần (sáng, tối), mỗi lần 15ml. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, ăn kém, ít ngủ, quên lẫn…

Lưu ý: Khi bị cảm cúm, sốt nóng mới phát, không dùng linh chi.

Nguồn: Theo Sức Khỏe & Đời Sống

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.