Thả hành lá sau khi đã tắt bếp có an toàn không?

Hành lá vẫn nên nấu chín hơn là thả vào sau khi tắt bếp. Ảnh minh họa

TS.Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, với nguồn rau rửa nước kênh đen kịt, lo ngại nhất chính là việc nhiễm hàng loạt vi khuẩn nguy hiểm gây bệnh đường ruột, từ E. Coli, Coliform, trứng giun sán…

“Việc người dân sau khi thu hoạch rau, liền rửa ngay dưới dòng nước thải đen ngòm, chứa phân, vỏ của nhiều chai thuốc trừ sâu rồi đem bán là rất nguy hại. Bởi khi rau được rửa ở nguồn nước này sẽ nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh đường ruột nguy hiểm có trong nguồn nước ô nhiễm” – ông Phong nói.

Hành lá vẫn nên nấu chín hơn là thả vào sau khi tắt bếp. Ảnh minh họa
Hành lá vẫn nên nấu chín hơn là thả vào sau khi tắt bếp. Ảnh minh họa

Cũng theo ông Phong, một thói quen mà người nội trợ hay làm là rửa rau dưới vòi nước sạch, nhưng cũng khó làm sạch hoàn toàn các vi khuẩn gây bệnh đường ruột này. “Nếu ăn phải rau sống, rồi hành – thường được nấu chưa chín vì cho vào sau khi đã tắt bếp – nguy cơ cho đường tiêu hóa là rất lớn” – ông Phong chia sẻ.

Lý giải cụ thể hơn, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, có thể không phải đi viện ngay, nhưng sự tích tụ của vi khuẩn gây bệnh trong đường tiêu hóa dần sẽ gây hại cho sức khỏe.

Cùng quan điểm này, TS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, không thể nhận biết được đâu là rau được rửa ở nguồn nước ô nhiễm, vì thế, người tiêu dùng khi ăn rau phải rửa thật sạch dưới vòi nước chảy, ăn rau nấu chín để giảm thiểu nguy cơ cho sức khỏe.

TS Hải cho hay, không ít người dân Việt Nam có thói quen dùng nguồn nước ô nhiễm, nước thải sinh hoạt để tưới rau, đây là lý do không chỉ rau rửa ở nguồn nước ô nhiễm, các loại rau thủy sinh dễ nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh đường ruột, mà ngay cả rau trồng trên cạn, không rửa cũng có nguy cơ nhiễm nếu người nông dân dùng nguồn nước ô nhiễm tưới rau.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, khi mua rau người tiêu dùng nên mua ở các cửa hàng có nguồn gốc xuất xứ. Dù là rau thủy sinh hay rau trên cạn đều cần rửa rau dưới vòi nước chảy để loại bỏ trứng giun sán, ký sinh trùng trên rau.

Trước khi rửa dưới vòi nước, có thể ngâm 5 – 10 phút trong chậu để làm tan đất, bụi bẩn, ki sinh trùng bám trên rau, rửa sạch rồi rửa dưới vòi nước.

Tuy nhiên việc rửa rau cũng không thể loại bỏ hoàn toàn các kí sinh trùng, vi sinh vật nguy hiểm bám trên rau, vì thế việc nấu chín là vô cùng quan trọng để tiêu diệt các tác nhân vi sinh vật gây bệnh đường ruột nguy hiểm này.

Nguồn: Theo Gia đình & Xã hội

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.