Thai nhi 7 tuần tuổi: Bé mọc tay chân

Thai nhi 7 tuần tuổi .

Những tuần đầu mang thai thật nhiều cảm xúc mẹ nhỉ, cứ hồi hộp, lo lắng mà vui vui, hạnh phúc đến lúc đôi khi mẹ chỉ muốn chui vào một góc nào đó để thỏa sức “mơ mộng” về bé yêu. Và vì bé còn nhỏ lắm, mẹ chưa cảm nhận được con như thế nào nên chắc hẳn mẹ rất muốn đọc những thông tin về sự phát triển của bé đúng không? Vậy thì đây – dành cho mẹ nhé – sự phát triển của thai nhi 7 tuần tuổi diễn ra như thế này…

Thai nhi 7 tuần tuổi, bé yêu vẫn còn đuôi

Thật thú vị phải không mẹ? Phải đến tuần sau thì đuôi của con mới dần biến mất, và tay chân bắt đầu dài ra, hoàn thiện hơn chứ tuần này trông chúng mới chỉ như những chiếc mái chèo tí hon thôi, do còn có màng giữa các ngón. Và mặc dù mẹ chẳng cảm nhận được nhiều về sự phát triển của bé, nhưng hãy yên tâm vì tuần này kích thước của con đã gấp đôi tuần trước rồi. Chẳng mấy nữa bé sẽ đạp mẹ “thùm thụp” cho coi!

Thai nhi 7 tuần: Bé mọc tay chân
Thai nhi 7 tuần tuổi vẫn còn 1 cái đuôi tí hon. (Ảnh minh họa)

Có thể mẹ sẽ ngạc nhiên lắm nếu biết rằng một số cơ quan trong cơ thể bé đã đi vào hoạt động rồi. Chẳng hạn như gan có thể sản xuất hồng cầu (vì tủy xương chưa hình thành nên gan tạm thời nhận “nhiệm vụ” này cho đến khi có “người thay thế”). Thú vị hơn là thai nhi đã có cả… ruột thừa và lá lách, chúng tiết ra hormon insulin có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa. Hai bán cầu não cũng đang có những “bước tiến” vượt trội về sự phát triển.

Về hình dáng, đôi mắt bé đã xuất hiện nếp gấp của mí mắt và đầu mũi dần nhô cao, các tĩnh mạch dưới da bắt đầu xuất hiện. Mẹ hãy chờ để thấy sự “đột phá” của con những tuần tới nhé. Giờ thì xem cơ thể mẹ phải đối mặt với những điều gì…

Thai nhi 7 tuần tuổi, cơ thể mẹ dần thay đổi

Tử cung đang lớn dần lên để tạo “chỗ ở” cho bé. So với khi chưa bầu bí, tuần này dạ con đã to gấp 2 lần rồi. Các hormon thai kì đang tăng lên để chuẩn bị cho bé môi trường sống phù hợp nhất, đổi lại, mẹ sẽ phải đối mặt với vô số “tác dụng phụ” không dễ chịu chút nào: Chứng buồn nôn, mệt mỏi, đi tiểu nhiều, chóng mặt,… mà chúng ta gọi chung là “nghén”. Cố gắng mẹ nhé, dẫu mệt mỏi nhưng điều đó có nghĩa rằng thai nhi sẽ rất khỏe mạnh đấy!

Nhìn chung, cho đến tuần này cơ thể mẹ vẫn chưa thay đổi quá nhiều về hình dáng. Tuy vậy, mẹ nên chuẩn bị dần những chiếc quần có cạp mềm, váy suông với chất liệu thoải mái để cảm thấy dễ chịu hơn. Thời gian này, thai nhi vẫn chưa thực sự ổn định nên mẹ cần cẩn thận trong mọi hoạt động hàng ngày: ăn uống, đi lại, sinh hoạt,… 

Thai nhi 7 tuần vẫn còn khá nhỏ nên hình dáng bụng bầu chưa thay đổi nhiều. (Ảnh minh họa)

Thai nhi 7 tuần tuổi mẹ nên làm gì?

Sắm sửa

Hãy mua ngay một đôi giày bệt với đế mềm và ma sát tốt. Giày cao gót không còn an toàn với mẹ nữa, tính từ thời điểm bắt đầu mang thai trở đi. Ngoài ra, vài chiếc áo lót với size rộng hơn là điều nên nghĩ đến bởi ngực mẹ đang tăng dần kích thước đấy. Những chiếc quần lót với chất liệu thoáng, thấm hút tốt cũng là những món nên mua thêm, vì mang thai đồng nghĩa với phía dưới cơ thể luôn ẩm ướt nên phải thường xuyên thay giặt hơn phòng ngừa viêm nhiễm.

Thăm khám

Những ngày đầu của thai kì thật không mấy dễ dàng, và có cả tỉ thắc mắc mà mẹ không biết hỏi ai cho bớt băn khoăn, lo lắng. Thế thì hãy liệt kê hết những điều đó ra nhé, và mang theo chúng khi mẹ đến khám để được bác sĩ tư vấn.

Ngoài ra, nên hỏi bác sĩ về những loại thuốc mình đã từng sử dụng gần đây, và một số cách xử lý trong trường hợp mẹ bị cúm, sốt,… Mang thai là sẽ gặp chuyện này thường xuyên đấy!

Nếu trong gia đình, họ hàng có người bị dị tật bẩm sinh hay vài vấn đề khác liên quan đến di truyền, hãy tham khảo ý kiến và cân nhắc xem có cần khám sàng lọc hay không.

Hỏi bác sĩ về các chỉ số siêu âm nếu mẹ còn chưa hiểu, nếu không, hãy tham khảo cách đọc chỉ số siêu âm thai nhi cực chuẩn này, vì không phải bác sĩ nào cũng đủ thời gian giải thích mọi chuyện cho mẹ đâu.

Thai nhi 7 tuần: Bé mọc tay chân

Nghỉ ngơi

Vì mẹ đang bầu bí, nên mẹ hãy tự cho mình quyền được nghỉ ngơi khi cảm thấy không đủ sức làm việc tiếp. Tất nhiên, hãy chia sẻ với người thân, đồng nghiệp và cả sếp rằng mẹ đang mệt lắm và cần được nghỉ ngơi. Mọi người sẽ chẳng ngần ngại mà hỗ trợ và thông cảm với tình trạng nghén ngẩm nặng nề của mẹ đâu.

Chụp ảnh

Nếu mong muốn lưu giữ khoảnh khắc của từng chặng đường trong thai kì, mẹ hãy chụp một bức ảnh mỗi tuần, mỗi tháng ở cùng 1 tư thế, địa điểm để so sánh xem mẹ và bé đang dần thay đổi ra sao.

Bố của bé nên làm gì?

Mang bầu không phải việc riêng của bà xã. Vì bố không phải vất vả để mang nặng đẻ đau nên hãy đi cùng mẹ của bé đến phòng khám. Những lần đầu (và cả sau này nữa) họ sẽ bỡ ngỡ, mệt mỏi và cần trợ giúp rất nhiều. Nếu không thể làm điều đó, hãy nhớ động viên vợ thật nhiều để cô ấy giải tỏa tâm lý nhé. Phụ nữ mang thai là hay tủi thân lắm đấy!

Lời khuyên cho mẹ

Điều tốt nhất nên làm lúc này là mẹ giữ tinh thần thoải mái, ăn uống đầy đủ nhất có thể. Nếu cần bổ sung thêm sắt, canxi, axit folic hay thành phần dinh dưỡng quan trọng nào, hãy nhớ làm theo hướng dẫn của bác sĩ để có hiệu quả tốt nhất mẹ nhé!

Mẹ đã thấy thai nhi 7 tuần tuổi phát triển thế nào rồi đấy, giờ thì tiếp tục bước cùng bé sang tuần thứ 8 nào!

Nguyệt Nga

Xem thêm

 

Thai 8 tuần các cơ quan thần kinh phát triển

Thai 9 tuần bộ phận sinh dục bắt đầu hình thành

Thai 10 tuan – Não bắt đầu hoạt động

 

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.