Tinh thần hay thể xác?

Vậy là cả đám các bà từ già đến trẻ tranh nhau đưa ra ý kiến. Một em tre trẻ chưa chồng trong hội phát biểu: “Từ khi còn rất nhỏ, mỗi lần em làm sai chuyện gì, em sợ đau lắm nên không muốn ba đánh đòn. Nhưng cũng không muốn mẹ chiến tranh lạnh. Ba mẹ cứ việc la thỏa mái, la xong thì thôi chứ chiến tranh không lời thì nhứt đầu lắm”, còn một bạn trẻ khác thì trả lời lại: “Mình thấy chiến tranh lạnh thì dễ chịu hơn, thậm chí im lặng càng tốt, đỡ phải điếc cái lỗ tai, không thì ba mẹ cứ đánh đòn cho vài cái, hết đau rồi thôi, chứ ca đi ca lại bài ca không quên là mình không chịu nổi”.

Một chị mới lập gia đình thì phát biểu: “Từ khi tôi lấy chồng thì tôi thấy cuộc sống của tôi không có lấy được một ngày bình yên. Nói thật lòng thì mẹ chồng tôi là người rất tốt, chỉ mỗi tội theo như cách nói của người đời là “tâm phật khẩu xà”. Mẹ nói ra rả suốt ngày, the thé như xé vải. Nói từ lúc sáng sớm khi vợ chồng tôi còn đang ngủ nướng. Nói đến khuya nếu như hai vợ chồng vẫn còn thức xem phim truyền hình. Mỗi lần giận ai chuyện gì là y như rằng mẹ ca cẩm, càm ràm, chuyện gì cũng nói, mà khi đã nói thì không chịu dừng, nói hoài không dứt. Nhưng cũng có một cái lợi là mỗi lần chồng tôi nhậu xỉn về khuya thì đã có tiếng mẹ chồng choe chóe chửi rủa thằng con hư đốn từ ngoài ngõ cho đến khi thằng con trai mở cửa vào tận trong phòng riêng. Tiếng mẹ nói như bắn súng liên thanh xối xả vào chồng tôi…”

Một chị khác lại xen vào: “Không bù cho mẹ chồng tôi, thì hiếm khi nào nói mà chỉ nhìn thôi, một đôi mắt biết nói thay cho cái miệng. Mỗi lần mẹ không vừa ý điều gì chỉ cần nhìn thôi là tôi cảm thấy như máu trong người ngừng chảy, khắp người bức bối, ngột ngạt, khó thở, vậy mà ngày xưa tôi đã đồng ý làm vợ của chồng, tại vì chồng tôi giống mẹ cũng có đôi mắt “quyến rũ” như biết nói ấy. Mỗi lần tôi làm sai chuyện gì mẹ không nói không rằng nhưng đôi mắt vằn lên tia lửa dữ tợn. Cái nhìn ấy như thiêu cháy lòng tự trọng, tính tự ái trong tôi. Một ánh mắt thể hiện sự khó chịu, coi thường, thất vọng làm trái tim  tôi rỉ máu.

Mẹ cứ im như thóc, cứ lầm lầm lì lì như cái xe lu, lù lù tiến, lù lù lui, chẳng kèn, chẳng trống, chẳng phát tín hiệu gì cả. Vậy nhưng lỡ hôn phải một cái thì chỉ có một con đường tiêu đời là cái chắc. Thời gian đầu mới về làm dâu thì tôi thoạt mừng “Càng tốt, đỡ phải điếc cái lỗ tai mặc dù tôi thừa biết mình sai” nhưng thời gian sau đó thì tôi lại bứt rứt không yên. Chỉ được thời gian ngắn thôi thì tôi đã đầu hàng rồi cầu khẩn: “Mẹ hãy la mắng con đi, nói chồng con đánh con đau cũng được, dù điếc tai, nhức đầu, đau khắp thân thể nhưng vẫn còn hơn cái không khí băng giá kinh khủng của cuộc chiến không lời này”.

Cứ như thế cả hội bà tám trong công ty  tranh luận cho đến tận giờ làm việc buổi chiều và rút ra một kết luận. Đã gọi là bạo hành thì tinh thần hay thể xác đều như nhau. Cái cảnh bạo hành mà cứ tái đi tái lại nhiều lần sẽ khiến con người ta mệt mỏi. Rồi dần dần sẽ trở nên tắt liệm cảm xúc. Dẫn đến giết chết niềm vui sống trong mỗi con người và vô cảm với nhiều thứ khác. Khiến người trong cuộc không thiết tha chăm sóc bản thân mình và gia đình, không còn đam mê công việc, mất hứng thú trong các mối quan hệ bạn bè, họ hàng, gia đình, đồng nghiệp. Ngoài ra, không phải cứ đấm đá thụi đạp hay chửi bới mới là bạo hành, sự bỏ đói, sự thờ ơ lãnh đạm, sự so sánh coi thường hay đơn giản chỉ là những lời tán gẫu, tám chuyện đời sống riêng tư của người khác ở chỗ công cộng, cứ tưởng như vô thưởng vô phạt lại chính là sự ngược đãi làm tổn thương nặng tinh thần. Có khi người ta thường không dễ chết với những vết thương ngoài da thịt mà lại chết vì những vết thương tinh thần không đáng có…

Nguồn: Theo Thu Hiền

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.