TP.HCM đối mặt với nguy cơ sụp đất, thiếu nước ngọt

Theo số liệu mới nhất, mực nước ngầm ở TP.HCM đã tụt xuống độ sâu -46m. Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ, trưởng khoa kỹ thuật địa chất và dầu khí, đại học Bách khoa TP.HCM phân tích, số liệu trên cho thấy trữ lượng nước dưới đất nhạt của thành phố cũng suy giảm nhanh chóng.

Theo ông Kỳ, các số liệu về sự suy giảm ngày càng gia tăng của mực nước tất cả các tầng chứa nước tại TP.HCM cho thấy nhiều nguy cơ. Lượng nước hiện đang khai thác lớn hơn khả năng tự hồi phục của các tầng chứa nước. Nói cụ thể hơn, lượng nước tự nhiên mà tầng chứa nước tiếp nhận hàng năm nhỏ hơn nhiều so với lượng nước chúng ta đang khai thác. Đồng thời, mực nước suy giảm nhanh sẽ đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển các ranh giới mặn (đường đẳng trị độ khoáng hoá 1g/l) vào khu vực trước đây tồn tại nước nhạt, diện tích phân bố nước nhạt của các tầng do đó giảm nhanh khiến nhiều giếng nước nhạt, chất lượng tốt phải huỷ bỏ do bị nhiễm mặn.

Mực nước suy giảm nhanh tới các độ sâu lớn (trong tầng Pliocen tới -37,5m) làm tăng nguy cơ sụt lún bề mặt đất của thành phố – một hiện tượng khá phổ biến xảy ra nhiều nơi trên thế giới. TP.HCM, nơi được coi là một trong mười địa điểm chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu (bị mất đất nhiều nhất do nước biển dâng), sự sụt lún bề mặt đất do khai thác nước càng làm tăng ảnh hưởng của hiện tượng này.

Mực nước của các tầng chứa nước suy giảm làm thay đổi mối quan hệ thuỷ lực giữa các tầng chứa nước với nhau và với hệ thống nước mặt (chênh lệch áp lực gia tăng). Điều này cũng làm tăng khả năng thâm nhập của các chất ô nhiễm vào các tầng chứa nước, từ đó tăng nguy cơ nhiễm bẩn các tầng chứa nước, làm chất lượng nước trở nên kém đi.


Nước mưa là một nguồn có thể bổ sung tốt cho nước ngầm nhưng chưa được tận dụng.
Ảnh minh họa.

Liệu có cách nào cải thiện mực mước và chất lượng nước không, thưa ông?

Một trong những biện pháp cấp bách đã được thành phố triển khai là phân vùng cấm, hạn chế và được phép khai thác nước dưới đất cùng với quy định không cho phép khai thác với độ hạ thấp mực nước tới -40m… Những giải pháp này hạn chế sự suy giảm và phục hồi dần dần mực nước, qua đó cũng phần nào cải thiện chất lượng nước (đẩy lùi ranh giới mặn ra xa).

Một biện pháp khác là “bổ sung nhân tạo”, nghĩa là tìm nguồn nước mặt chất lượng tốt đưa xuống các tầng chứa nước, nhất là tại các khu vực mực nước bị hạ thấp mạnh như Tân Bình, Hóc Môn… Tại TP.HCM, nước mặt (sông, rạch, hồ, ao…) có chất lượng tốt hầu như không còn. Giải pháp duy nhất là thu gom nước mưa đưa vào bổ sung trữ lượng cho các tầng chứa nước, vừa giúp giảm lượng nước mưa chảy tràn trên mặt đất, góp phần giảm ngập do mưa ở thành phố. Giải pháp thu gom nước mưa từ mái nhà đưa vào các tầng chứa nước đã được nhóm nghiên cứu thuộc đại học Bách khoa TP.HCM thực hiện và đạt được kết quả bước đầu rất tốt.

Nếu tình trạng tụt mực nước ngầm tiếp tục diễn ra, viễn cảnh sẽ là gì?

Nếu tình hình trên vẫn tiếp diễn, chắc chắn nguồn nước cung cấp cho mọi hoạt động của thành phố sẽ gặp trở ngại rất lớn, nhất là khi chất lượng các nguồn nước từ sông Sài Gòn, Đồng Nai ngày càng bị đe doạ bởi sự ô nhiễm từ các khu công nghiệp, khu dân cư dọc theo hai con sông này. Nước dưới đất cạn kiệt, ranh giới mặn vào sâu trong nội thành, mặt đất bị sụp lún, nước bị nhiễm bẩn nặng, nguy cơ mất diện tích do nước biển dâng tăng cao… là viễn cảnh của thành phố nếu chúng ta còn thờ ơ với tình trạng này.

Mực và chất lượng nước ngầm đã đến mức báo động

Theo kết quả quan trắc mới nhất từ chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, so với năm 2009, mực nước tất cả các trạm quan trắc đều giảm từ 0,36 – 2,1m. Điều này cho thấy tình hình khai thác nước ngầm tại TP.HCM ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là ở các tầng nước sâu.

Về chất lượng nước ngầm, hàm lượng các kim loại nặng Cu, Pb, Zn, Cd, As, Cr tại các trạm quan trắc nước dưới đất năm 2010 ở các tầng chứa nước đều tăng so với 2009, từ 1,1 – 12 lần, nhưng còn đạt chuẩn cho phép.

 

Theo PLTPHCM