Trung Quốc phóng vệ tinh thăm dò Mặt trăng

Hôm qua 24.10, kỷ nguyên mới khám phá Mặt trăng với sự có mặt của Trung Quốc đã trở thành hiện thực khi nước này phóng thành công vệ tinh thăm dò đầu tiên của mình lên quỹ đạo Mặt trăng. Vệ tinh có tên Chang’e One được phóng từ sân bay vũ trụ Xichang, tây nam tỉnh Sichuan trong tiếng reo hò của hàng ngàn người chứng kiến.

Vệ tinh thăm dò Chang’e One (tiếng Trung Quốc là Hằng Nga) nặng 2.300 kg được phóng theo tên lửa Long March 3A.

Đây là bước đi đầu tiên của Trung Quốc trong chương trình đầy tham vọng khám phá Mặt trăng. Bước tiếp theo, đến năm 2012 Trung Quốc sẽ đưa xe tự hành lên bề mặt Mặt trăng, sau đó đưa nó về Trái đất, và cuối cùng là đưa người đặt chân lên Mặt trăng trong vòng 15 năm tới.

Theo dự kiến vệ tinh thăm dò Chang’e One sẽ vào quỹ đạo Mặt trăng ngày 5.11 và bay quanh chị Hằng trong hơn 1 năm để ghi lại những thay đổi của bề mặt Mặt trăng bằng những camera tiên tiến có khả năng ghi hình ảnh 3D và máy đo quang phổ.


Hàng ngàn người dân Trung Quốc chiêm ngưỡng thành công của đất nước mình – Ảnh: Reuters

Năm 2003, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sau Nga, Mỹ có thể tự đưa người lên không gian. Năm 2005, họ đã đưa 2 người lên quỹ đạo và dự kiến trong năm 2008, các phi hành gia Trung Quốc sẽ thực hiện đi bộ ngoài không gian.

Với thành công trong việc phóng vệ tinh thăm dò lần này, Trung Quốc một lần nữa khẳng định vị thế của mình trong nền khoa học vũ trụ thế giới, đồng thời đưa cuộc chạy đua đến Mặt trăng trở nên nóng hơn lúc nào hết.

Tháng trước, Nhật Bản cũng đã phóng thành công vệ tinh thăm dò Selene (còn gọi là Kaguya) vào quỹ đạo Mặt trăng. Trong khi đó Ấn Độ có kế hoạch đưa vệ tinh Chandrayaan-1 lên Mặt trăng vào tháng 4 năm sau. Không lâu nữa, tàu Lunar Reconnassance Orbiter và các vệ tinh LCROSS của Mỹ và vệ tinh LUNA-GLOB của Nga cũng sẽ rời Trái đất lên cung Trăng.

 

Theo Reuters, Thanh Niên