Truyện ngắn: Nắng hanh vàng

Truyện ngắn: Nắng hanh vàng

1/ Hàng xóm, thân tộc họ hàng gần xa đều khen nức nở rằng nó hiền lành và biết lo cho cha mẹ lắm! Mới đi làm được hơn một năm mà nó đã thay căn nhà ngói âm dương lụp xụp, cột kèo mối mọt ăn gần hết không biết sập lúc nào của anh chị Tư bằng ngôi nhà tường ba căn rộng, mái ngói đỏ tươi. Đồ trang trí nội thất toàn bằng gỗ Cẩm lai, Gỏ đỏ, các phương tiện sinh hoạt, giải trí… thứ nào cũng đắt tiền sang trọng. Đã vậy chiều thứ bảy nào nó cũng chạy xe về quê thăm anh chị. Dư luận đây đó đồn ầm lên rằng đó là do anh chị khéo dạy con, có người còn thêm mắm dậm muối rằng anh chị chịu khó uốn nó hồi còn nhỏ lận. Hồi đó mỗi khi đi học về chị Tư bắt nó khoanh tay tròn vo, cuối đầu sát đất nói: “ Dạ thưa ba, thưa mẹ con đi học mới về”, làm không vừa ý chị bắt phải làm lại. Bây giờ lớn rồi nó vẫn quen cái nề nếp như hồi còn lên năm lên bảy.

Truyện ngắn: Nắng hanh vàng

Những người có tuổi lại đem luật nhân quả nhà phật ra lý giải: anh chị dạy con tốt như vậy là nhờ vào tấm gương tốt của chính mình đối với ông bà nội nó. Hồi ông bà nội nó còn sống, anh là phó chủ tịch huyện, cho dù có chút danh phận nhưng cứ rảnh giờ nào là anh ra vườn cuốc đất trồng rau cải để tăng thu nhập cho gia đình, phụ vợ nuôi cha mẹ và hai con. Chị là là giáo viên mẫu giáo, ngoài giờ trên lớp ngày nào chị phải đi bộ hàng bốn năm cây số để may gia công một tổ hợp may ở chợ. Có khi chị về tới nhà bảy tám giờ tối. Nhà chỉ có hai chiếc xe đạp, một để anh đi làm và một để nó đi học; còn chị vừa đi dạy vừa đi may ngày bốn lượt đi về hơn hai mươi cây số. Tính đi tính lại anh chị quyết định mua trả góp qua ngân hàng chiếc xe đạp hiệu Martin 107 trên tám trăm ngàn cho chị. Nhưng chỉ mới được một năm ông bà nội nó lâm bệnh. Anh chị lại phải tính tới nước thứ hai là một trong hai người phải nghỉ để về chăm sóc ông bà.

Thật là một quyết định không dễ chút nào cho anh chị nhưng rồi cuối cùng chính anh chứ không phải chị phải nghỉ ở nhà chăm sóc cho ông bà nội nó cho tới ngày mãn phần. Từ ngày “từ quan” về nuôi cha mẹ, anh làm đủ mọi công việc để kiếm tiền, ai mướn việc gì anh cũng không từ chối. Cũng có khi vì không thạo cách tính toán công việc đồng áng mà khi nhớ lại anh  phải cười ra nước mắt. Thông thường trong việc vần công đổi công, cứ nhổ một công mạ đất “biền” thì được trả lại công hai ngày cấy ở đất “đồng”, ấy vậy mà anh  chỉ được trả lại một ngày công  thôi. Trong thời gian dài cũng chẳng có ai phát hiện ra những chuyện không hay như vậy mà nói với anh. Mấy lúc sau này nghe bà con chòm xóm bàn ra tán vào chuyện nhân quả của gia đình mình anh Tư lấy chuyện đổi công “ thiệt thòi” đó làm vui.

Tiếng tốt đồn gần đồn xa lâu rồi cũng qua đi, có ai ăn cơm nhà mà bàn chuyện hàng xóm mãi, rốt cuộc rồi chỉ còn lại anh chị với niềm hạnh phúc mỗi chiều thứ bảy nào cũng ra ngồi trước sân nhà bên mấy chậu sứ kiểng đợi nó về. Nó cũng ngất ngây trong niềm hạnh phúc đó. Nhưng chỉ được có vài năm thôi, mấy lúc sau này từ ngày lấy vợ, vợ chồng nó ít về thăm anh chị lắm! Rồi vì lo nhiều việc cho gia đình riêng, chuyện cơ quan nó hầu như quên đi những chiều thứ bảy, bẵng đi cái khoản tiền cho anh chị mỗi tháng như trước nữa. Nó cũng chẳng buồn để ý đến chuyện anh chị có còn ra ngồi bên mấy chậu sứ kiểng mỗi chiều thứ bảy đợi nó về hay không? Thật ra cái tâm của nó không đến đỗi vô ơn bạc nghĩa với anh chị như vậy. Cũng nhiều lần nó đề nghị với vợ về thăm anh chị nhưng lần nào vợ nó cũng tìm mọi cách hẹn lần hẹn lữa: nào là thứ bảy chủ nhật là ngày nghỉ ngơi, nào là ngày mai phải đi siêu thị… Chìu vợ một lần, hai lần rồi nó quen từ mấy năm nay.    

2/  Đứa con trai đầu lòng nó ra đời. Chị Tư phải bỏ nhà cửa bỏ luôn cả ba nó ở quê để lên thành phố chăm sóc cho cháu nội. Nhưng rồi chị cũng không kham nổi bởi một phần tuổi đã cao cả đời lao động vất vả không còn đủ sức để  vừa làm công việc một vú nuôi vừa phải đảm đương thêm việc nội trợ trong gia đình. Thêm vào đó trong bốn tháng đầu đời thì chẳng sao nhưng từ khi vợ nó đi làm trở lại thì thằng cu Bin lại trái tính trái nết, lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm và cho dù đêm hay ngày cả nhà cũng phải chuyền tay nhau dỗ dành Cu Bin mỗi khi cậu quí tử của vợ chồng nó quấy khóc . Có những đêm cả nhà phải đến ba giờ sáng mới chợp mắt được. Vợ chồng nó thì còn cố gắng được nhưng tội cho chị  cả đời khổ cực nuôi con đến lúc già lại khổ vì cháu! Thế là anh Tư lại phải bỏ vườn ruộng bỏ cả mồ mả ông bà lên phụ chị chăm lo cho đứa cháu nội đích tôn này.

Truyện ngắn: Nắng hanh vàng

Thật lòng mà nói không phải vợ chồng nó keo kiệt đến độ không mướn nổi một vú nuôi kiêm luôn giúp việc nhà; nhưng trên các phương tiện truyền thông đại chúng mấy lúc gần đây, qua hành vi không tốt của các bảo mẫu, rồi ôsin bắt cóc con chủ đòi tiền chuộc cả gia đình thống nhất không ai tốt hơn là bà nội nuôi cháu. Những tưởng chuyện đời đơn giản là như thế nhưng  nó không ngờ có những phát sinh lại phức tạp vô cùng. Một buổi tối không hiểu lý do gì mà vợ nó lên tận tầng một đứng bên giường ngủ cật vấn chị:

– Bữa qua má nói gì với ba mẹ con đó?

Chị Tư giật mình với thái độ vừa vô lễ vừa ngang bướng trịch thượng của con dâu, nhưng cũng nhỏ nhẹ:

– Ừ…mà má có nói gì đâu?

– Má không nhớ hay má làm bộ không nhớ chứ con nghe không sót một tiếng; để con nói lại cho má nghe

Tới lúc này chị Tư cảm thấy bị con dâu xúc phạm nên run giọng:

– Con…con …ăn nói cái gì vậy?

Vợ nó vẫn bình thản kể “tội” chị:

– Má nói nào là: “ má không cho con ẳm thằng cu Bin về ngoại….rồi cháu ngọai thương dại thương dột nữa”

Khi nghe con dâu hạch sách xong, chị đã cảm thấy vị trí mẹ chồng và nàng dâu đã bị hoán đổi. Có một dòng máu nóng nào đó chạy rần rần lên trên đầu và cổ làm cổ họng chị nghẹn lại. Chị mím môi dự định lấy lại vị trí mình bằng vài câu mắng con dâu một trận nên thân. Nhưng rồi bỗng nhiên dòng máu ấy từ từ hạ xuống, nó chầm chậm  chạy xuống tới gót chân làm chị bình tỉnh trở lại, giải thích cho nó nghe ý tốt của mình.

Nghe xong vợ nó buông một câu gọn lỏn: “ con xin lỗi má” rồi quày quả đi xuống cầu thang. Chị nhìn theo lắc đầu. Những giọt nước mắt lăn dài theo từng vết nhăn trên khuôn mặt dạn dày sương nắng gần trọn một đời cho nó. Cả đời chị chưa bao giờ dám nghĩ một nàng dâu có những hai bằng cấp Đại học lại có thái độ hành vi nông nổi như vậy, nhất là đối với chị, một bà mẹ chồng đã bỏ tất cả ở quê để lên thành phố nuôi cháu nội, nuôi con cho nó. Cũng may, hồi chiều này anh Tư đã về quê để lo gieo mạ cấy vụ đông xuân sắp tới, nếu không chắc là lớn chuyện rồi. Vậy mà sáng ra nó chỉ nói được một câu: “Hồi tối con cản nó mà nó không nghe!”

3/Chiều thứ bảy này nó đưa mẹ con Cu Bin về ngoại nhân tiện thuận đường  đánh xe về quê để sáng chủ nhật cùng dự đám giỗ Ngoại ở nhà cậu Tám. Nó có ý đưa vợ con về quê ăn giỗ, nhưng thêm một lần nữa nó lại chìu vợ: “Thôi anh à! giỗ Ngoại mà có gì quan trọng đâu, một mình anh là đủ rồi. Chiều về anh ghé nhà ba mẹ rước em luôn”.

Truyện ngắn: Nắng hanh vàng

Vừa về tới cổng nhà nó đã thấy chị Tư ở ngoài vườn làm cỏ từ lúc nào.

Cả đời quần quật với mảnh ruộng miếng vườn để có cái ăn cái mặc và nuôi con, đến lúc già cái tính hay làm của chị cũng không bỏ được. Nhìn mấy chậu sứ kiểng trước nhà héo khô vì không người tưới nước chăm sóc, nhạt nhòa trong cái không gian chợt tối chợt sáng với những tia nắng vàng le lói còn sót lại ở phía trời xa, bất chợt nó nghe nhớ Cu Bin quá! rồi lòng nó bỗng nghe thắt lại đau nhói khi nghĩ đến hình ảnh  anh chị Tư từng chiều ngồi đợi nó bên mấy chậu sứ kiểng trước nhà đến tối mịt mà nó vẫn không về! Nó chạy vội ra vườn với hai dòng nước mắt chảy dài trên má gọi chị Tư trong cái giọng khàn đục: “Má…!!!” 

Hơn ba mươi năm qua chị Tư dạy nó không thiếu thứ gì nhưng có một điều mà  chị chưa dạy: có nuôi con mới biết được công ơn trời biển của cha mẹ. Chiều nay, trong nắng chiều sắp tắt  nó “ ngộ” ra bài học vô cùng quí giá này./.

Tác giả: Châu An Thuận  

Nguồn: Theo phununews

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.