Từ bi kịch “cô dâu 8 tuổi” tự tử, chuyên gia tâm lý nói gì?

Từ bi kịch 'cô dâu 8 tuổi' tự tử, chuyên gia tâm lý nói gì?
Thông tin nữ diễn viên Pratyusha Banerjee, người đóng vai Anandi trong bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” tự tử đã khiến cả làng giải trí Bollywood và những người hâm mộ xôn xao. Ai cũng tiếc thương cho một bóng hồng tài giỏi với cả tương lai rộng mở phía trước.
Đã có khá nhiều thông tin đưa ra lý giải nguyên nhân khiến cô phải quyên sinh, trong đó có thông tin cho rằng Pratyusha đã phải chiến đấu với chứng trầm cảm trong nhiều năm vì những rắc rối trong mối quan hệ tình cảm và vấn đề tài chính. Điều này càng khiến nhiều người Ấn Độ lo ngại bởi chứng trầm cảm đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Từ bi kịch 'cô dâu 8 tuổi' tự tử, chuyên gia tâm lý nói gì?
Pratyusha Banerjee tự tử vì bị trầm cảm nặng do những rắc rối trong mối quan hệ tình cảm và vấn đề tài chính
Các bác sĩ tâm lý cho biết, trầm cảm là nguyên nhân số 1 gây ra các vụ tự tử ở Ấn Độ. Tiến sĩ Yusuf Matcheswalla, trưởng khoa tâm thần, Bệnh viện Masina, Mumbai cho biết: “Trầm cảm xảy ra phổ biến hơn cả ở phụ nữ. Đặc biệt những người trong ngành giải trí có cuộc sống và công việc vô cùng căng thẳng. Họ luôn bị công chúng để ý, soi mói và những biến động trong cuộc sống cá nhân, các vấn đề tài chính đã khiến họ dễ bị trầm cảm hơn.”
Tiến sĩ Matcheswalla cho biết trong nhiều trường hợp, trầm cảm bị bỏ qua bởi nhiều người thậm chí không phát hiện ra mình hoặc người khác đang mắc chứng bệnh này. Khi nói đến việc chữa trị bệnh trầm cảm, sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè rất quan trọng. 
Ông cũng cho biết hiện nay ngày càng nhiều thanh thiếu niên rơi vào trạng thái trầm cảm do lối sống và “thế giới ảo” mà chúng ta tạo ra. Họ không còn có những kết nối với những con người thực sự mà luôn tồn tại một cuộc sống khác thiếu thực tế trên các phương tiện truyền thông xã hội. Điều này càng khiến bệnh trầm cảm trở nên phổ biến và nặng nề hơn.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ về tâm thần Harish Shetty, không giống như những căn bệnh khác có những biểu hiện rõ ràng, rất khó để phát hiện ra bệnh trầm cảm và nhìn thấy biểu hiện bằng mắt thường. Do đó, việc tăng cường nhận thức cho cộng đồng về bệnh trầm cảm là điều rất quan trọng. Nhiều bệnh nhân bị trầm cảm nặng tới nỗi đã nghĩ đến chuyện tự tử và điều này không nên bị đem ra đánh giá rằng họ dũng cảm hay hèn nhát. Đó là một trạng thái tâm lý của các bệnh nhân và cần phải được điều trị, một vết rạn trong tâm hồn cần được hàn gắn. 
Thụy Du – Dịch theo THS

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.