“Vật thể” hình ống phát sáng khiến thợ lặn bối rối

Vật thể màu hồng phát sáng dài khoảng ba mét thực chất là bọc trứng của mực kim cương vô cùng hiếm gặp.

Jay Winks, người điều hành công ty du lịch Abc Scuba Diving Port Douglas chia sẻ ảnh chụp vật thể hình ống dạng sệt như thạch anh gặp ở vùng biển ngoài khơi Australia trên Facebook hồi đầu tháng, theo Mother Nature Network. “Có ai biết tên vật màu hồng này không? Nó dài khoảng ba mét và có đường kính 100mm”, Winks viết.


Bọc trứng mực kim cương ở ngoài khơi Australia. (Ảnh: Jay Winks).

Bức ảnh chụp vật thể khác thường nhanh chóng gây sốt trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng hình ống đó chắc chắn là loài sinh vật biển giống sâu tên pyrosome. Các cá thể hợp thành đàn đôi khi dài tới hơn 18 mét gọi là zooid, hay còn có biệt danh “kỳ lân biển”bởi độ hiếm gặp của chúng.

Tuy nhiên, vật thể Winks bắt gặp thậm chí còn hiếm thấy hơn. Khi kiểm tra kỹ lưỡng, các chuyên gia nhận định vật thể màu hồng phát sáng không phải sinh vật mà là một bọc trứng khổng lồ.

Theo Rebecca Helm, nhà sinh vật học về loài sứa ở Viện hải dương học Woods Hole tại Massachusetts, Mỹ, những chấm hồng phát sáng xếp quanh hình ống thực chất là trứng của mực kim cương.

“Những quả trứng này vô cùng hiếm gặp. Nếu tôi ở đó, tôi sẽ hét lên vì vui sướng. Tôi hy vọng các thợ lặn hiểu họ may mắn thế nào khi trông thấy nó”, Helm nói.

Các nhà khoa học biển ước tính những bọc trứng này có thể chứa từ 20.000 đến 40.000 mực con. Dù tuổi thọ chỉ kéo dài một năm, mực con có thể nhanh chóng đạt tới chiều dài hơn một mét.

Bọc trứng mực tương tự được các thợ lặn tìm thấy ngoài khơi đảo Ticao, Philippines. (Video: YouTube).

 

Theo VnExpress