Vợ chồng gần 60 năm ‘giường ai nấy ngủ’ nhưng vẫn sống hạnh phúc

Nhìn ngực đoán khả năng chăn gối của nàng

Bán áo len để “lấy chồng”

Ông Nguyễn Hữu Hòa (77 tuổi nguyên quán Hưng Yên) và bà Nguyễn Thị Tẹo (76 tuổi, nguyên quán thị xã Ninh Bình) đã sống ở trại phong Văn Môn- Thái Bình gần nửa thế kỷ.

Dù biết rõ quê quán, nhớ rõ địa chỉ nhà, nhưng vì mặc cảm bệnh tật và định kiến xã hội, gần 60 năm ông Hòa chưa một lần dám đặt chân về nơi chôn rau cắt rốn kể từ khi bước chân vào trại phong. Còn với bà Tẹo, 2/3 đời người đã trôi qua vẫn mong mỏi chờ đợi mẹ với lời hứa “Vài ngày nữa mẹ lại đón về”.

Những ngày đầu, dù gặp nhau ở trại phong, trong một khuôn viên chưa đầy 5000 mét vuông đất, ấy vậy mà mãi đến 3 năm sau họ mới gặp và quen nhau. Khi ấy, ông là một chàng trai 20 tuổi còn bà vừa bước sang 19.

Vào buổi trưa một ngày cuối năm 1960, sau bữa cơm, bụng ông bỗng đau dữ dội. Cơn đau khiến ông phải bò lết từ trong căn phòng ra cửa để cầu cứu. May sao, lúc ấy thấy bà đang hái đám rau dại trước khoảnh sân nên ông đưa tay vẫy. Thấy thế, bà liền dìu ông lên phòng y tế. Lần ấy ông bị ngộ độc thức ăn, các y tá bảo nếu không có bà chắc ông đã không qua khỏi.

Hai ông bà gặp nhau từ lần đó. Nhưng phải đến gần tháng sau, bà mới gặp lại ông và khi biết người thanh niên dạo trước nằm liệt trên giường, bà vô cùng xót lòng. Và bà đã bán chiếc áo len mới nhất của mình để lấy tiền mua thịt về nấu cháo chăm ông.

   

Caption

 

Kể lại câu chuyện năm xưa này, bà Tẹo rơm rớm nước mắt: “Đó là cái áo len mẹ bán đàn chó để mua. Chỉ đến lúc đến trại phong, khi ra về mẹ đưa cho tôi và dặn “Con ở lại đây, vài ngày nữa mẹ sẽ đón về”.

Tôi luôn giữ chiếc áo bên mình, để chờ đến ngày mẹ vào đón về tôi sẽ mặc. Vậy mà chẳng hiểu sao, thấy ông ấy như thế, tôi lại xót lòng, nên bán nó đi để lấy tiền chăm sóc ông, dù chẳng được bao nhiêu.” Nhưng đã hơn 50 năm, dù ngóng trông mỏi mòn nhưng người mẹ ấy vẫn chưa quay lại đón bà.

Nhờ công bà chăm sóc, sau mấy tuần, ông khỏe mạnh trở lại. Cũng từ, đó hai người “bén duyên” nhau. Thế nhưng, quy định của trại phong cấm yêu đương, cấm lập gia đình hay sinh đẻ. Thời đó, ông lại là cán bộ đoàn hội, điều hành nhiều hoạt động Đoàn trong trại phong nên lại càng phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Nhưng tình cảm thôi thúc trong lòng khiến họ ngầm vượt qua những quy định khắt khe đó để đến với nhau dù chỉ là lén lút. Nhiều đêm, ông phải trốn ra khỏi phòng để nói chuyện với bà qua khe cửa.

Có lần đang trò chuyện với bà, ông thậm chí còn phải chui trong tủ quần áo trốn hoặc cuộn trong chăn khi thấy cán bộ trại đi kiểm tra.

Giường ai người ấy ngủ

Thế rồi, theo “quy chế” mới, Ban lãnh đạo trại cho phép mọi người qua lại và về chung sống với nhau để giúp đỡ lẫn nhau. Và thế là ông Hòa và bà Tẹo dọn về sống chung trong căn phòng rộng chừng 20 mét.

Dù trên pháp luật, hai ông bà không phải vợ chồng nhưng với những nghĩa tình họ dành cho nhau, họ xứng đáng là một cặp vợ chồng và được những người sống gần rất nể trọng.

Dù sống chung phòng nhưng căn phòng của ông bà luôn có hai chiếc giường xếp thẳng hàng với nhau. Hỏi ra mới biết, dù về chung sống với nhau từ những năm 1962 đến nay, nhưng hai người vẫn giường ai người ấy ngủ.

“À, là quy định của trại phong thế, nên chúng tôi phải tuân thủ thôi. Với lại thời còn trẻ thì bệnh tật hành hạ suốt ngày, chỉ có sức chống chọi với bệnh tật thôi. Thực sự có nghĩ đến chuyện giường chiếu cũng không còn sức mà làm gì”, ông Hòa tâm sự.

“Nhiều đêm mưa lạnh, tôi bảo bà hay thôi để tôi qua nằm chung với bà cho ấm, nhưng bà gàn đi”, ông Hòa cho biết thêm.

Còn bà Tẹo lại phân trần: “Ối trời, hai thân già ốm đau bệnh tật, làm gì được chứ? Tôi là phụ nữ, thời trẻ cũng từng khát khao có đứa con nuôi nấng chăm lo. Nhưng bệnh tật thế này, có bầu mà cả hai bị đuổi ra khỏi trại phong thì biết sống làm sao. Rồi nếu có sinh nó ra, lấy gì mà nuôi”.

   

Dù sống chung phòng nhưng căn phòng của ông bà luôn có hai chiếc giường xếp thẳng hàng với nhau.

 

Nhiều đêm, hai ông bà nằm im nghe tiếng thở dài của nhau. Họ cũng ước ao một lần được hiến dâng, được cho nhau tất cả những gì thiêng liêng nhất nhưng suốt gần 60 năm qua, chưa một đêm họ để bản năng vượt qua ý thức về bệnh tật.

Cuộc sống không con cái, không hôn thú, không dư dả tiền bạc, nhưng có một thứ duy nhất đủ sức để gá họ lại thành một cặp vợ chồng luôn yêu thương nhau đến già đó là tình yêu.

Theo năm tháng, dù chân tay của đôi bạn già phải cắt bỏ dần đi từng khúc vì phong, nhưng nghĩa tình họ dành cho nhau thì vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu.

Cuộc sống chung của ông bà không tránh khỏi những lúc giận hờn nhưng với  tình yêu thương và sự sẻ chia, mọi bất đồng đều được hóa giải.

 

Nguồn: Theo nguoiduatin

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.