Vợ của một nạn nhân vụ khủng bố 11/9: “Anh ấy vẫn ở đây”

Vợ của một nạn nhân vụ khủng bố 11/9: “Anh ấy vẫn ở đây”

13 năm đã trôi qua nhưng dư âm của vụ khủng bố 11/9 tại thành phố New York, Mỹ vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người. Chỉ trong 18 phút sau khi bị đánh bom, Tòa tháp đôi – biểu tượng kinh tế Mỹ đã sụp đổ hoàn toàn, lấy đi sinh mạng hơn 2.900 người vô tội. Vì có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vụ khủng bố này đã trở thành một những sự kiện quan trọng, đáng chú ý nhất thế kỷ 21.

Hôm nay, Bonnie McEneaney – vợ của một nạn nhân trong vụ khủng bố thảm khốc đã chia sẻ câu chuyện đặc biệt giữa cô và người chồng quá cố. Năm 2011, Bonnie đã xuất bản cuốn sách Những lời nhắn: Dấu hiệu, cuộc viếng thăm và điềm báo từ những người đã ra đi ngày 11/9 (Messages: Signs, Visits, and Premonitions from Loved Ones Lost on 9/11). Cô khẳng định rằng, dù đã thiệt mạng trong Tòa tháp đôi 13 năm trước, người chồng vẫn tiếp tục sát cánh bên cô theo một cách khác.

Vợ của một nạn nhân vụ khủng bố 11/9: “Anh ấy vẫn ở đây”

Bonnie McEneaney.

Vào ngày 11/9/2001, Eamon McEneaney – chồng Bonnie đã cố gắng gọi cho cô từ Trung tâm Thương mại Thế giới. “Nhưng tôi đã bỏ lỡ cuộc gọi ấy. Eamon phải nói chuyện với trợ lý của tôi để gửi lại lời nhắn rằng anh yêu tôi và các con. Anh đang cố thoát ra khỏi tòa tháp”, cô nói.

Trước đó không lâu, vào ngày 2/9/2001, Eamon đã tiết lộ với Bonnie rằng anh có linh cảm thành phố New York sắp bị khủng bố. Ngày hôm ấy gia đình McEneaney đang đi dã ngoại nhân dịp lễ Lao động. Bonnie không thể hiểu tại sao trong đầu chồng lại có thể xuất hiện một ý nghĩ tối tăm như thế. Thậm chí cô còn lo chồng mình bị trầm cảm. Đến đêm 9/9/2001, trong lúc hai vợ chồng đang cùng xem ti vi với nhau, Eamon đã quay sang nói với Bonnie rằng: “Anh muốn em biết rằng anh đang rất sẵn lòng đối mặt với cái chết”. Buổi sáng định mệnh 11/9, Eamon đã cảm thấy chóng mặt và mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng đi làm ở Trung tâm Thương Mại New York.  

Vợ của một nạn nhân vụ khủng bố 11/9: “Anh ấy vẫn ở đây”

Hình ảnh Tòa tháp đôi đang bị khủng bố tấn công.

Ngay khi nghe tin Tòa tháp đôi bị khủng bố, Bonnie cùng bốn đứa con và cả gia đình Eamon đã gọi tới tất cả các trung tâm y tế và bệnh viện trong thành phố để tìm xem Eamon đang ở đâu. Bonnie hồi tưởng: “Tôi đã rất lo lắng và thất vọng. Dù đã gọi tới tất cả bệnh viện trong danh bạ điện thoại, tôi vẫn không thể tìm ra Eamon. Quá mệt mỏi, tôi bước ra cửa trước và hét lên: ‘Eamon, làm ơn hãy cho em biết anh đang ở đâu!’. Hôm ấy là một ngày lặng gió nhưng ngay khi tôi dứt lời, hàng cây bên kia đường bỗng xao động, phát ra tiếng xào xạc”. Bonnie sững sờ trong giây phút, sau đó cô quyết định quay vào để nói với cả nhà điều cô vừa phát hiện ra: ngọn gió bất ngờ đó giống như lời khẳng định rằng Eamon đã ra đi mãi mãi.

Đó là dấu hiệu đầu tiên trong số nhiều dấu hiệu đã thúc đẩy Bonie viết cuốn sách Những lời nhắn: Dấu hiệu, cuộc viếng thăm và điềm báo từ những người đã ra đi ngày 11/9. Ngay sau đó, Bonnie bắt đầu điều tra xem liệu những người thân khác của nạn nhân vụ 11/9 có nhận được những dấu hiệu giống mình không. “Khi tôi hỏi những người mẹ, người vợ khác rằng họ có thấy dấu hiệu gì lạ trong ngày định mệnh ấy không, tôi đã bị sốc vì số lượng người nói có”, Bonnie chia sẻ. Nhiều người nhà của các nạn nhân khẳng định rằng họ đã thấy dấu hiệu của người quá cố thông qua những âm thanh hoặc hình ảnh. Những dấu hiệu đó giúp họ nhận ra người thân của mình vẫn còn tồn tại – chỉ có điều đã chuyển từ tồn tại vật lý sang dạng thức tồn tại khác.

Lúc đầu, Bonnie nghĩ rằng mình bị nỗi nhớ thương chồng làm cho hoang tưởng và không muốn chấp nhận sự thật. Thế nhưng nhiều dấu hiệu liên tiếp xuất hiện cuối cùng cũng thay đổi cách nghĩ của cô. Bonnie nói: “Tôi nhận ra Eamon đang tìm cách để giữ kết nối với mình. Tôi nghĩ bạn nên học cách chấp nhận những dấu hiệu vì lờ chúng đi cũng không giúp ích gì. Trên thực tế, bất kỳ ai mất người thân cũng sẽ được an ủi bằng những trải nghiệm này. Có một niềm tin để bấu víu là điều quý giá khi bạn đang đi đến góc tối nhất của cuộc đời”.

Năm 2006, khi Bonnie tin rằng linh hồn của chồng đã được yên nghỉ hoàn toàn thì Eamon lại xuất hiện một lần nữa. Cô kể: “Đó là ngày tôi quyết định sẽ ngừng hẳn công việc đang làm để hoàn thiện cuốn sách. Thời điểm ấy, tôi không quen biết bất cứ nhà xuất bản nào. Tất cả tài sản của tôi là câu chuyện từ những gia đình có người thân đã thiệt mạng trong vụ 11/9. Từ sau vụ khủng bố, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ và chia sẻ cho nhau nghe về những dấu hiệu bí ẩn. Trong số đó, câu chuyện về những đồng xu là nổi bật nhất. Có người đã vô tình tìm thấy đồng xu gợi nhắc về người quá cố dưới gầm tủ lạnh, có người lại thấy sau khung ảnh và dưới chiếc điện thoại bàn. Hôm ấy, chúng tôi cùng hẹn ăn tối ở một nhà hàng. Khi đến lượt mình chọn món, tôi đã vô cùng kinh ngạc khi thấy một đồng xu trong cuốn thực đơn mình vừa mở ra. Đó là một đồng xu được sản xuất từ năm 1944. Ngay lập tức, tôi nhớ về lần cuối cùng xem ti vi với chồng mình. Chương trình cuối cùng chúng tôi cùng xem nói về D-Day (cụm từ được sử dụng để chỉ ngày quân Đồng minh bắt đầu chiến dịch đổ bộ lên bãi biển Normandy trong thế chiến II) 6/6/1944. Bạn phải biết rằng một đồng xu từ năm 1944 không còn là thứ dễ thấy trong cuộc sống hàng ngày ở Mỹ, chứ đừng nói là lại bị kẹp vào cuốn thực đơn trong quán ăn”.

Vợ của một nạn nhân vụ khủng bố 11/9: “Anh ấy vẫn ở đây”

Bìa cuốn sách Những lời nhắn: Dấu hiệu, cuộc viếng thăm và điềm báo từ những người đã ra đi ngày 11/9.

Thật vậy, Eamon vẫn tìm cách để giữ kết nối với vợ mình và Bonnie hoàn toàn ý thức được điều này. Hơn thế, sự tồn tại của Eamon tuy không còn dưới dạng vật chất nhưng lại trở nên rõ ràng với Bonnie hơn bao giờ hết. Giống như hầu hết các cặp vợ chồng khác, sau 19 năm chung sống và có bốn đứa con, Bonnie và Eamon đã trở nên quen thuộc với nhau đến mức họ không còn đánh giá đúng mức giá trị sự có mặt của người bạn đời. Bonnie cho rằng một thập kỷ sau khi Eamon đã biến mất trên cõi đời lại là thời gian cô gắn kết với chồng nhất. Cô nói: “Khi một người thân đã vĩnh viễn ra đi, đột nhiên bạn sẽ nhận ra rằng có rất nhiều điều về người ấy mà trước đây bạn không hề biết”. Bonnie đã nghe bạn bè và đồng nghiệp của chồng kể rằng trong vụ Trung tâm thương mại bị đánh bom lần đầu (năm 1993), Eamon đã cho mọi nhân viên ra khỏi văn phòng trước mình dù biết có thể gặp nguy hiểm. Anh cũng thường xuyên mua cơm cho những người vô gia cư hay ngồi bên ngoài Trung tâm Thương mại.

Cái chết mặc dù đã khiến Eamon vĩnh viễn không thể chạm vào Bonnie được nữa, nhưng bằng cách nào đó lại khiến Bonnie yêu chồng mình nhiều hơn. Họ không còn gần gũi nhau về mặt vật lý nhưng lại gắn kết hơn về tinh thần. Bonnie nói rằng điều quan trọng nhất cô học được sau vụ khủng bố là phải sống mạnh mẽ và định nghĩa mới về tình yêu: tình yêu đẹp không phải là có thể nhìn thấy người ấy mỗi ngày, mà là luôn cảm thấy người ấy ở sát bên mình dù hai người đã thuộc về hai thế giới.

Vợ của một nạn nhân vụ khủng bố 11/9: “Anh ấy vẫn ở đây”

Từ câu chuyện của mình, Bonnie đưa ra một lời khuyên với những phụ nữ đã kết hôn: “Bạn không nên coi những hành động chia cắt như ly hôn hoặc ly thân là lựa chọn tối ưu mỗi khi vợ chồng gặp trục trặc. Hôn nhân là điều thiêng liêng và xứng đáng để bạn cân nhắc kĩ trước khi quyết định phá vỡ. Nếu bạn có mâu thuẫn với chồng, hãy cố giải quyết vấn đề bằng những cách khác. Ly hôn nên là biện pháp cuối cùng và bất đắc dĩ nhất. Chừng nào hai người vẫn còn đứng trên cùng một mặt đất, hãy cố giữ lấy nhau để sau này không phải hối hận”.

Bonnie và Eamon quen nhau ở trường đại học vào năm 1982 và kết hôn sau đó 4 năm. Nhớ về thời gian mới yêu, Bonnie cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các phụ nữ còn độc thân: “Quan trọng nhất là bạn phải tự tin vào bản thân và kiên nhẫn. Khi bạn mới gặp ai đó, cho dù có bị anh ta lôi cuốn đến mấy cũng đừng tỏ ra quá vồn vã. Hãy cho anh ta thời gian để thấy thoải mái nói chuyện với bạn hơn”.

Hiện nay, bốn đứa con của Bonnie và Eamon đều đã trưởng thành. Bonnie nói rằng con cái chính là động lực lớn nhất để cô tiếp tục sống mạnh mẽ trong 10 năm qua. Khi được hỏi đã làm cách nào để nuôi dạy con khi không còn chồng chia sẻ gánh nặng gia đình, Bonnie trả lời: “Một khi đã làm mẹ, cảm xúc của bạn là thứ phải được đặt sau hạnh phúc của con cái. Không còn Eamon, tôi chính là chỗ dựa lớn nhất của các con, vì thế tôi bắt buộc phải sống mạnh mẽ. Bạn có thể khóc vì thương nhớ cha bọn trẻ trước mặt chúng, nhưng hãy nhớ rằng: mọi điều bạn làm lúc này sẽ là tấm gương duy nhất cho các con học theo”.

Bonnie cũng chia sẻ lòng biết ơn của mình đến đại gia đình nhà chồng: “Các con tôi rất may mắn vì cha chúng xuất thân từ một gia đình lớn ở Ailen. Dù Eamon không thể đến xem trận bóng hay vở kịch đầu tiên của các con, luôn có một thành viên khác trong đại gia đình sẽ đến chung vui với tôi và bọn trẻ. Tôi nghĩ sự có mặt và tình cảm của người thân trong nhà sẽ là nguồn an ủi rất lớn khi bạn phải đối mặt với một chuyện đau thương”.

Nhắc lại về sự kiện 11/9, Bonnie cho rằng: “Lập đài tưởng niệm những nạn nhân vụ 11/9 là một quyết định rất đúng đắn. Tất cả chúng ta đều phải nhớ về ngày này, về chuyện khủng khiếp đã xảy ra, về những nạn nhân vô tội để thấy khủng bố là tội ác chống lại cả loài người và cần phải xóa sổ”.

Vợ của một nạn nhân vụ khủng bố 11/9: “Anh ấy vẫn ở đây”

Đài tưởng niệm nạn nhân 11/9.

Và điều cuối cùng Bonnie muốn nói sau tất cả những chia sẻ của mình là: “Tình yêu là điều vĩ đại nhất trong toàn vũ trụ này. Một người chết đi không có nghĩa là họ biến mất mãi mãi. Họ có thể ngưng tồn tại theo nghĩa vật lý, nhưng sẽ luôn còn theo nghĩa tinh thần – Miễn là bạn còn tin, còn nhớ về sự tồn tại của họ. Tình yêu đủ mạnh để vượt qua bất kỳ ranh giới nào, thậm chí là ranh giới giữa sống và chết”.

Nguồn: Theo Youtango.com

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.