Vợ dọa bỏ con nếu tôi ly hôn

Vợ dọa bỏ con nếu tôi ly hôn
Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo mà người ta vẫn thường gọi là “Chó ăn đá, gà ăn sỏi” của miền Trung nắng cháy da, lũ quét bạt mái nhà. Bố mẹ tôi có 4 người con, tôi là con trai cả, sau tôi có 2 đứa em gái và 1 đứa em trai nhỏ. Ngày tôi còn nhỏ, gia đình rất nghèo, quanh năm bố mẹ chạy đôn chạy đáo, làm đủ các công việc để kiếm sống nhưng cái nghèo cái đói vẫn bám lấy gia đình tôi như một định mệnh nghiệt ngã mà ông trời đã bắt gia đình tôi phải chịu. Bữa cơm gia đình chẳng mấy khi đủ ăn. Anh em chúng tôi lớn lên nhờ những bữa cơm phần lớn độn sắn, độn ngô, nhiều khi chỉ là một nồi rau má hay bắp chuối luộc chấm muối. Cuộc sống cơ cực là thế nhưng anh em tôi rất hòa thuận, biết đùm bọc và làm lụng để phụ giúp bố mẹ. Đặc biệt là chúng tôi lại rất hiếu học, ý thức được bản thân chỉ có con đường duy nhất là học tập chăm chỉ mới giúp bố mẹ thoát nghèo. Bố mẹ tuy nghèo khó nhưng luôn cố gắng để chúng tôi được học hành nên người. Đáp lại công ơn của bố mẹ, 3 anh em đều học giỏi, liên tục đạt danh hiệu học sinh xuất sắc của trường.
Tuy nhiên, năm tôi học lớp 10, trên đường đi làm về, bố tôi bị 1 chiếc xe ô tô tải chạy ngược chiều đâm bất tỉnh rồi bỏ chạy. Bố tôi được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê, máu tụ trong não. Gia đình quá nghèo không có tiền chữa chạy cho bố, lẽ ra bố phải được mổ thì chúng tôi đành tuyệt vọng đưa bố về nhà. Bố tôi qua đời trong đau đớn khôn cùng, cả đời tôi không sao quên được cái giây phút tuyệt vọng chỉ biết đứng bất động nhìn bố ra đi đấy. Tôi thấu hiểu được sức mạnh của đồng tiền từ đó và thề với bản thân rằng – sau này tôi nhất định phải kiếm được thật nhiều tiền.
Bố tôi qua đời, gánh nặng gia đình đổ cả lên vai mẹ tôi. Một nách bốn đứa con còn thơ dại đang trong tuổi ăn học, mẹ tôi gồng mình làm lụng từ sáng đến khuya. Gia đình bên nội, các cô chú chẳng ai giúp đỡ, thậm chí còn sang nhà tôi tranh chấp mảnh vườn mà bố tôi được ông bà nội để lại cho lúc còn sống. Quá uất ức, mẹ tôi đã ngã vật ra ốm cả tháng trời, bà lao lực từ thể xác đến tâm trí. Cũng may, thời gian ấy, bên nhà ngoại tôi có một người họ hàng xa đi xuất khẩu lao động về, chú hay tin tình cảnh gia đình nhà tôi nên đã sang nhà hỏi thăm, cho chúng tôi tiền chữa bệnh cho mẹ rồi một khoản vốn để mẹ tôi kinh doanh. Vì chú đi nước ngoài đã nhiều năm, không lập gia đình nên không có con cái gì, chú thưa chuyện với mẹ – ngỏ ý muốn nhận nuôi em trai út của tôi. Mẹ tôi ban đầu không đồng tình nhưng rồi gia đình bên ngoại tôi khuyên nhủ, rằng nên để chú nuôi em, như thế là tốt cho em vì em sẽ được học tập, sinh sống trong một môi trường tốt hơn, sau này trưởng thành, em sẽ về Việt Nam thăm lại gia đình. Cuối cùng mẹ cũng đồng ý nhưng trong lòng thì buồn lắm vì mẹ nghĩ rằng, mẹ đã bán em đi.
Năm đó, khi tôi học lớp 10, em trai mới được 3 tuổi thì xuất ngoại. Mẹ tôi từ sau chuyện em đi, bà trở nên ít nói, chỉ vùi đầu vào việc kiếm tiền. Có lẽ cả đời bà, việc để con mình đi xa là cái tội mà bà không bao giờ tha thứ cho bản thân. Nhờ số tiền mà chú để lại cho gia đình, mẹ tôi mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để kinh doanh và mua được 1 cặp bò để làm giống. Cuộc sống gia đình dần được cải thiện, mẹ tôi không còn vất vả làm lụng chạy chợ kiếm tiền từ sáng đến tối như trước nữa. Cả 3 anh em chúng tôi đều được ăn học đầy đủ rồi lần lượt thi đỗ và nhập học tại các trường đại học lớn ở Hà Nội. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày giấy báo đỗ của tôi được gửi về, tôi là người duy nhất trong ngôi làng hẻo lánh ít học thi đỗ đại học lớn ở Hà Nội, mẹ thắp hương cho bố rồi ngồi trước bàn thờ bố vừa khóc vừa cười. Cuộc đời của bà đã quá nhiều đau khổ, người chồng ra đi sớm, đứa con thơ dại chưa biết gì đã phải gửi đi xa, bà chẳng có mấy niềm vui, có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, bà cười mãn nguyện…
Trong quãng thời gian học đại học, tôi vừa học vừa làm, năng nổ tham gia công tác đoàn đội, trau dồi ngoại ngữ, năm nào tôi cũng đứng trong top 3 sinh viên xuất sắc nhất toàn trường, được học bổng cùng nhiều bằng khen. Đến năm thứ 3, tôi được kết nạp Đảng rồi cuối năm đó, tôi được một doanh nghiệp lớn của nước ngoài nhận đón đầu với đãi ngộ cao. Tốt nghiệp đại học, tôi chính thức đi làm với chức vụ là trưởng phòng marketing.
Tôi nuôi hai em ăn học đại học rồi thuê nhà muốn đón mẹ lên thành phố ở để tiện chăm sóc. Bà không chịu vì không muốn xa ngôi nhà đã gắn bó nhiều kỷ niệm gia đình, bà muốn ở lại để còn chăm sóc bàn thờ của bố. Biết tính bà cứng rắn, đã quyết định điều gì là không thay đổi nên tôi đành lòng để bà ở lại quê, nhưng vẫn không an tâm vì hai em gái đều đã ở thành phố học tập và sinh sống cả rồi. Tôi sửa lại nhà cửa, vườn tược, thuê 1 người giúp việc để mẹ bầu bạn, ban đầu mẹ không đồng ý vì cho rằng nhà chẳng có công việc gì nhiều mà cần người giúp việc, nhưng thấy tôi tha thiết nên bà cũng đồng ý. Thật ra tôi chỉ mong có người ở cạnh để bầu bạn với mẹ, chăm sóc mẹ lúc ốm đau khi tôi xa nhà chứ không muốn tỏ vẻ giàu sang gì cả.
Từ ngày tôi kiếm được tiền, xây nhà cửa cho mẹ lại thuê thêm người giúp việc, nhà nội tôi rất hay sang gây chuyện, đặt điều với hàng xóm về gia đình tôi. Quá đáng hơn, họ nói mẹ tôi là có chút tiền bắt đầu học đòi này kia, rồi con cái đi vắng ở nhà cặp bồ cặp bịch. Mẹ tôi nghe những lời bàn tán của làng nước thì ngày càng thu mình, khép kín trong nhà.
Vợ dọa bỏ con nếu tôi ly hôn
Tôi vốn không phải người vô trách nhiệm, cũng không bao giờ làm chuyện thất đức với ai. Nhưng vợ chồng tôi bây giờ đã hết tình, nếu quay lại chỉ vì đứa con thì…
Các em tôi lần lượt tốt nghiệp đại học loại giỏi, tôi thu xếp công ăn việc làm ổn định cho các em chu đáo rồi mua nhà chung cư trả góp, lần này tôi quyết tâm đón mẹ lên ở. Trước sự thuyết phục của tôi, mẹ cuối cùng cũng đồng ý. Ngôi nhà ở quê, tôi giao lại cho cô giúp việc chăm lo. Từ lúc có mẹ lên ở cùng, anh em chúng tôi rất hạnh phúc, cảm giác như được quây quần trong mái ấm gia đình như những ngày còn nhỏ. Nhưng rồi chính điều đó lại càng làm mẹ tôi nhớ đến em trai út hơn. Bà hay lặng lẽ khóc thầm rồi dần dần sinh bệnh, lúc nhớ lúc quên, người như nửa mơ nửa tỉnh.
Một ngày, mẹ gọi tôi về lúc tôi đang ở công ty, tôi trở về, mẹ nắm tay tôi nói – ước nguyện lớn nhất bây giờ của mẹ là được gặp lại em trai út và nhìn thấy tôi lấy vợ mới nhắm mắt yên lòng. Tôi đã tính đến việc mua vé máy bay để mẹ sang Đức gặp em, còn chuyện lấy vợ thì tôi vẫn chưa có người yêu nên chẳng biết phải đáp lại mẹ thế nào. Trong lúc tôi đang thu xếp để đưa mẹ sang Đức gặp em một lần thì không biết tình cờ thế nào mà người chú họ của tôi lại về nước, lần này đưa cả em trai tôi về cùng. Ngày em về nước, nhìn em đã lớn khôn, thông minh, ngoan ngoãn, em cũng được chú họ kể rõ về hoàn cảnh, gốc gác gia đình mình nên ngày gia đình đoàn tụ, mẹ và em ôm nhau khóc mừng mãi.
Vậy là ước nguyện đầu tiên của mẹ đã hoàn thành, mẹ tôi nắm tay tôi nói: “Giờ mẹ chỉ còn đợi con lấy vợ nữa thôi là mẹ nhắm mắt xuôi tay được rồi”. Tôi phải gạt đi, nói mẹ còn khỏe mạnh, còn nhiều thời gian để không chỉ nhìn con lấy vợ, còn nhìn 2 em lấy chồng sinh con nữa. Nhưng mẹ thì chỉ cười buồn buồn rồi mỗi ngày đều lặp lại như thế. Tôi không muốn mẹ suy nghĩ nhiều nên bắt đầu tìm hiểu các mối quan hệ. Trong công ty tôi cũng có vài người để ý đến tôi, trong đó có trợ lý của tôi là người đã theo đuổi tôi ra mặt. Em là người Hà Nội, xinh xắn, có năng lực, tính tình khéo léo, chu đáo. Sau vài buổi hẹn hò, tôi cân nhắc đến việc sẽ tiến tới mối quan hệ nghiêm túc với em. Tôi đưa em về ra mắt mẹ và gia đình, mẹ tôi rất mừng, bà còn nắm tay em nói: “Từ bây giờ con sẽ là con dâu của mẹ…”. Cuối năm đó, sau 5 tháng đi tới mối quan hệ, tôi lập gia đình với em khi tròn 31 tuổi.
Trong suốt thời gian yêu nhau, tôi là người nghiêm túc, không mấy khi để tâm chuyện quá khứ nên tôi không hỏi han gì em mà chỉ tin những điều em nói. Đêm tân hôn, tôi biết em không còn trong sáng nhưng cũng chẳng quan tâm đến điều đó. Trong chuyện ấy, em là người mạnh mẽ, không giống với vẻ hiền dịu như ngày thường. Trong đêm đó, em muốn tôi yêu em 2 lần và làm những động tác mà tôi rất sốc. Tuy vậy, tôi nghĩ có lẽ em là người mạnh mẽ trong “chuyện ấy” nên cũng giữ sự tôn trọng, không tỏ thái độ gì.
Cuộc sống gia đình sau khi cưới rất thoải mái, em không phải lo chuyện nhà cửa, vì tôi có thuê người giúp việc theo giờ, mẹ tôi lại thích nấu nướng nên bà thường lo cơm nước, chợ búa. Tính bà là người làm nông nghiệp, sinh ra từ nghèo khó nên cũng chân chất, thật thà, luôn nghĩ cho con cái. Thời gian đầu, tôi thấy vợ còn ý thức thỉnh thoảng xuống bếp phụ giúp mẹ, sau đó thời gian vợ về nhà ngày càng muộn hơn, đến gần giờ ăn, tôi mới thấy vợ về nhà. Vợ chi tiêu thoải mái, tôi chẳng mấy khi can thiệp. Vợ không phải lo chuyện tiền bạc trong gia đình, chi tiêu đã có tôi lo hết. Mẹ tôi thì thấy con dâu ngày nào cũng mua sắm mỹ phẩm, quần áo, nhiều khi không động tới, đồ bỏ đi rất nhiều nên xót của, bà chỉ góp ý với tôi là khuyên vợ biết tiết kiệm hơn. Tôi sau đó có góp ý nhẹ nhàng với vợ thì vợ bắt đầu tỏ thái độ khó chịu, nói tôi và mẹ tôi can thiệp vào cuộc sống tự do của cô ấy, cô ấy tiêu tiền của cô ấy chứ có tiêu tiền của tôi hay mẹ tôi đâu. Tôi từ đó cũng chẳng nói gì nữa.
Sau đó, một ngày tôi về nhà, thấy vợ đang to tiếng với mẹ, tôi đi vào hỏi lý do thì thấy vợ nói rất khó nghe: “… nhà có thiếu tiền đến mức đói khổ đâu mà mẹ cứ tiết kiệm mấy cái vớ vẩn. Con không ăn được thứ cơm quê mùa này. Tiền vợ chồng con đưa mẹ đâu có ít mà mẹ nấu ba cái đồ ăn như cho lợn ăn…”. Tôi nghe xong thì mắng vợ là im đi. Đó là lần đầu tiên, tôi quát vợ. Cô ấy bù lu bù loa lên khóc rồi bỏ về nhà mẹ đẻ cả tuần không về nhà. Mẹ tôi thương con, nhẫn nhịn chẳng nói gì, bà còn nói: “Là lỗi của mẹ, con sang đón vợ con về đi… Nói với nó cho mẹ xin lỗi”. Tôi sang nhà vợ xin lỗi rồi đón cô ấy về. Lúc hai vợ chồng nằm ngủ, cô ấy nói: “Mẹ già rồi, tính tình khó chịu lắm. Ở nhà nhiều sinh chán, hay là đưa mẹ về quê, để mẹ ở lại đấy cho thoải mái”. Tôi gạt ngay đi, bảo cô ấy đừng bao giờ nhắc lại điều đó với tôi nữa. Được một thời gian, mọi chuyện đang yên lành thì một ngày tôi ở công ty, nghe tin mẹ tôi bị gãy tay phải đưa đi cấp cứu. Tôi gọi điện nhờ vợ vào thăm mẹ ngay vì tôi đang bận họp không thể về được lúc này. Thế mà đến tối vào viện, thấy mẹ nằm một mình trên giường bệnh lạnh lẽo, cả ngày chẳng ăn uống được gì, thấy tôi mẹ cười mà lòng tôi đau buốt. Hai đứa em gái đều đang đi công tác Hàn Quốc xa nhà, có vợ chồng tôi ở nhà mà để mẹ ra nông nỗi này. Tôi vừa ân hận vừa xót xa… Cả đêm đấy tôi ở trong viện chăm sóc mẹ thế mà vợ thì chẳng thấy mặt mũi đâu, cũng không gọi điện hỏi han được câu nào. Đến tận trưa hôm sau, cô ấy mới xuất hiện.
Tôi cũng chẳng còn tâm trí đâu mà tranh luận với cô ấy nên mặc kệ sự có mặt của cô ấy. Thế mà cô ấy đùng đùng bỏ về rồi nhắn tin nói tôi là vì mẹ mà coi thường vợ. Mấy ngày sau tôi đón mẹ về nhà. Tôi có nhắn tin nói cô ấy là con dâu thì phải có nghĩa vụ kính trọng, yêu thương, chăm sóc mẹ chồng. Nhưng cô ấy bảo, cô ấy còn phải đi làm, thời gian lo cho bản thân còn không có. Tôi lặng lẽ thuê người giúp việc ở hẳn trong nhà để chăm sóc cho mẹ lúc tôi đi làm.
Sau đó là quãng thời gian mệt mỏi khi tôi về nhà thì thấy vợ tôi liên tục quát tháo người giúp việc của gia đình, rồi khó chịu hạnh họe vì mẹ tôi đang ốm, không cử động được tay nên việc ăn uống, sinh hoạt khó khăn. Tôi nói nhẹ nhàng với vợ vì không muốn mẹ đang mệt lại phải suy nghĩ chuyện con cái nhưng vợ tôi không biết điều. Đỉnh điểm là ngày hôm sau khi mẹ tôi đi vệ sinh, bà không cử động được tay, lúc đó cô giúp việc đang nấu cơm, vợ tôi về nhà đi vào nhà vệ sinh thấy phòng vệ sinh bẩn thì bắt đầu nói cạnh khóe, đay nghiến mẹ. Tôi về thấy mẹ tôi ngồi co ro một góc khóc, cô giúp việc đang đứng cạnh mẹ can ngăn xin vợ tôi bớt nói, vợ tôi thì ra sức chửi đuổi cô ấy. Tôi không thể chịu được nên đã xông đến tát vợ một cái rồi nói: “Chính cô mới là người nên ra khỏi ngôi nhà này”…
Cô ấy bù lu lên gọi cho bố mẹ vợ tôi là gia đình tôi đang đánh đập ngược đãi cô ấy. Thế là bố mẹ vợ tôi lao đến nhà làm loạn lên, bố vợ tát tôi mấy cái, họ chửi tôi và xúc phạm mẹ tôi thế này thế kia. Đến giờ phút ấy, tôi vẫn bình tĩnh, lạnh lùng đưa mẹ vào phòng nghỉ rồi đóng cửa lại để mẹ không phải nghe những lời họ nói. Sau đó, tôi yêu cầu họ ra ngoài phòng khách để nói chuyện. Tôi nói tất cả mọi chuyện cho họ nghe, những điều đúng sai mà vợ tôi đã làm… Họ im lặng rồi sau đó nói là con gái họ khổ vì mẹ chồng hay giả vờ hiền lành trước mặt con trai, sau lưng thì bắt nạt, bạc đãi con dâu. Tôi chỉ im lặng cười khổ. Cuối cùng tôi thưa chuyện muốn cuộc hôn nhân của chúng tôi kết thúc ở đây, tôi không còn tình cảm với vợ nữa. Mặc cho họ chửi bới tôi là kẻ chẳng ra gì, tôi kết thúc mọi việc bằng thái độ im lặng.
Sau một tháng vợ trở về nhà bố mẹ đẻ, chúng tôi không liên lạc, ở công ty tôi cũng tránh tiếp xúc với vợ, vợ đã chuyển sang phòng ban khác làm, thì đùng một cái, tôi nhận được tin nhắn của vợ nói rằng vợ đang mang thai đứa con của chúng tôi đã được 10 tuần, nếu chúng tôi không quay lại với nhau, vợ tôi sẽ bỏ đứa con đó. Tôi suy nghĩ rất nhiều… Tôi vốn không phải người vô trách nhiệm, cũng không bao giờ làm chuyện thất đức với ai. Con cái vô tội, nhưng tôi phải làm gì khi tôi không thể để mẹ tôi chịu khổ vì con cái thêm nữa, cũng không thể sống với một người vợ không biết điều như thế… Nếu quay về thì hoặc là tôi phải đưa mẹ về quê, hoặc là phải để mẹ sống với người vợ ích kỷ, tàn nhẫn. Nếu không chấp nhận thì đứa con vô tội của tôi sẽ phải gánh hậu quả của cha mẹ…
Diệp Tử Mộc

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.