Vượt qua khủng hoảng sau hôn nhân

Vượt qua khủng hoảng sau hôn nhân

Muôn kiểu xung đột

Rất nhiều cặp vợ chồng cho biết giai đoạn mới góp gạo thổi cơm chung đa phần đều “vỡ mộng”, bởi khi đó toàn bộ bản tính tốt xấu được bộc lộ rất rõ. Xung đột thường xảy ra vì những tật xấu lúc yêu nhau cố giấu giiếm thì nay rõ như ban ngày. Các chàng trai ga-lăng, ngọt ngào, lãng mạn nhường chỗ cho những ông chồng thích xem bóng đá, nhậu nhẹt, lười tắm và phì phèo thuốc lá, còn nàng cũng thôi không nhõng nhẽo và mĩ miều để hóa thành một con sư tử gốc Hà Đông đúng nghĩa – lắm lời, đòi hỏi, lôi thôi. Cả hai bên đều quá bất ngờ thậm chí stress nặng vì bao hình ảnh tốt đẹp biến mất mà thói xấu được show đầy rẫy.

Vượt qua khủng hoảng sau hôn nhân
Cuộc sống những năm đầu hôn nhân, nhiều cặp đôi vỡ mộng và stress về nhau

Anh Đức Toàn (quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: Sau tuần trăng mật là vợ chồng mình gặp sự cố. Cô ấy thường “soi” mọi thứ ngay cả tư thế ngủ hay cách ăn uống. Cô ấy hầu như không vừa lòng bất cứ thứ gì. Nhất là lúc vợ có bầu rồi chăm con là khoảng thời gian căng như dây đàn. Chỉ đến khi nhóc tì đi học thì mọi thứ mới bắt đầu đi vào quỹ đạo”.

Có nhiều lý do để các cặp đôi rơi vào bế tắc, trong đó có việc không chịu tìm hiểu kỹ đối phương. Vì cưới vội nên khi về sống chung, thường không chỉ không hài lòng về sinh hoạt hàng ngày mà còn bất đồng vì rất nhiều chuyện như cách chăm con, nuôi dạy con… Có những cặp rạn nứt tình cảm chỉ vì  không “khéo” trong việc đối ngoại. Mối quan hệ con dâu và nhà chồng, con rể và nhà vợ căng thẳng kéo theo cuộc sống vợ chồng luôn trong tình trạng lục đục, mệt mỏi.

Mâu thuẫn từ những thói quen ích kỷ

Chị Thu Thảo ( nhân viên bán hàng) cưới hơn ba năm nhưng cho đến nay vẫn chưa dung hòa được cuộc sống hôn nhân. Tuy chị không gặp bất cứ rắc rối nào về hai bên gia đình nội ngoại nhưng thay vào đó chị luôn “khắc” với đức lang quân chỉ vì anh này mải vui chơi bạn bè, trọng bạn hơn vợ. “Tuy mình đã phân tích hết nước hết cái với ông xã nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Có vợ con rồi nhưng hễ hội nhóm nào gọi đều đi ngay. Cao điểm là khi mình có bầu bé đầu, cần có chồng bên cạnh vỗ về nhất thì anh lại dành hết thời gian rảnh để đi với hội nhiếp ảnh, với hội chơi mô-tô… không hề quan tâm vợ ốm nghén hay sức khỏe biến đổi như thế nào lúc bầu bì, sinh nở. Có gia đình rồi mà anh ấy không thay đổi cách sống. Nhiều lúc bạn bè mình còn bóng gió: Xã nhà mày như thanh niên mới lớn ấy”.

Vượt qua khủng hoảng sau hôn nhân
Những thói quen ích kỷ của bản thân là nguyên nhân khiến vợ chồng cãi vã

Khi được hỏi vì sao vẫn giữ thói quen đi đánh tennis 3 lần một tuần chồng mình vô tư trả lời rằng ngày xưa khi quen nhau vợ cũng đi đánh với chồng sao giờ lại không đi nữa? Anh ấy không hề nghĩ có con cái thì cả hai đều cần thiết phải từ bỏ đam mê sở thích để chăm sóc gia đình…”.

Thuở mới yêu, tính khí bất thường của đối phương có thể trở thành điểm đáng yêu, dễ thương. Nét cá tính ngày hẹn hò biến dạng thành thói ích kỷ, độc đoán lúc nào không hay khi ăn chung mâm, ngủ chung giường. Vì vậy, bên cạnh việc chia sẻ công việc và áp lực kinh tế thì điều quan trọng các cặp đôi cần thay đổi quan niệm sống và phong cách sống để phù hợp với đời sống hôn nhân đầy phức tạp. Từ những cá thể tự do thời gian, tự do tiền bạc, tự do ăn, chơi, giao du… chuyển qua chế độ bị bó buộc bởi người vợ/ người chồng khiến không ít cặp sốc và không vượt qua. 

Cần trao đổi thẳng thắn để sửa đổi

Kết hôn là cột mốc quan trọng đánh dấu trong cuộc đời mỗi người. Vừa phải học cách sống chung với người bạn đời vừa phải dung hoà các mối quan hệ giữa hai bên nội ngoại. Vừa phải biết thống nhất trong tiền bạc, chi tiêu trong gia đình… Nó là bước ngoặt thay đổi tính cách cũng như quan niệm của một con người. Vì thế rất nhiều vợ chồng mang nhau ra tòa sau một thời gian ngắn kết hôn thay vì cùng ngồi lại phân tích đúng sai để sửa đổi.

Vượt qua khủng hoảng sau hôn nhân
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An

Theo Thạc sỹ tâm lý Đào Lê Hòa An (UVBCH Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam), khủng hoảng tiền hôn nhân hầu hết các cặp vợ chồng đều gặp phải. Cả hai cần dành thời gian ngồi lại với nhau để trao đổi và tự trả lời câu hỏi “Hạnh phúc đối với anh/ em là gì?”. Từ đó tiếp nhận và bắt đầu cùng điều chỉnh quan điểm mỗi bên để có hướng đi chung. Bên cạnh đó cần tăng cường thói quen ghi nhận, động viên khích lệ những hành vi tích cực của đối phương. Ngợi khen, chia sẻ là chất xúc tác để hôn nhân lâu bền hơn. Mỗi cặp vợ chồng cần cùng chung tay vạch ra và phấn đấu thực hiện mục tiêu chung. Ví dụ như có con, xây nhà, đi du lịch hoặc đơn giản chỉ là lên lịch đi thăm họ hàng… Một cuộc hôn nhân lâu bền cần có sự hợp tác, cố gắng của cả vợ và chồng”. 

Nguồn: Theo phununews

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.