Xin chúc mừng dân thiết kế, các bạn đang làm nghề khó bị robot cướp việc nhất

Với các yêu cầu về kỹ năng sáng tạo và xã hội, thiết kế có thể là loại công việc duy nhất mà robot không thể lấy của bạn.

Khi những con robot đang ngày càng tiến bộ hơn, những người theo chủ nghĩa khoa học viễn tưởng lại ngày càng hoang mang vì một tương lai u ám khi “những con robot đang tới cướp đi công việc của các bạn”. Theo một nghiên cứu vào năm 2013 của Carl Benedikt và Michael A. Osborne, hai nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, các robot đang thực sự lấy đi công việc của chúng ta – đến 47% việc làm tại Mỹ.

Với tựa đề “Tương lai của việc làm: Những công việc có thể bị điện toán hóa như thế nào?”, khi được Mubashar Igbar và Dimitar Raykov đưa lên một website tương tác, tài liệu này đã đơn giản hóa cách chúng ta nhận được câu trả lời cho câu hỏi: Liệu robot có lấy đi công việc của tôi? Nếu bạn muốn, bạn cũng có thể tự mình tìm câu trả lời khi vào trang web này: willrobotstakemyjob.com.


Robot đang dần thay thế công việc của rất nhiều người.

Điều thú vị là theo trang web này, câu trả lời dành cho hầu hết các nhà thiết kế lại là không. Đối với những nhà thiết kế đồ họa, rủi ro cho việc thất nghiệp do quá trình tự động hóa dường như tương đối thấp so với các ngành nghề khác (8,2%), thậm chí với các kiến trúc sư, rủi ro này còn thấp hơn nữa (1,8%).

Trong khi đó, các công việc thiết kế khác cũng có tỷ lệ rủi ro tương đối thấp như, thiết kế nội thất là 2,2%, những nhà thiết kế hoa 4,7%, thiết kế thời trang 2,1% và kiến trúc sư cảnh quan là 4,5%. Hai công việc thiết kế duy nhất có tỷ lệ rủi ro lên đến hai con số là những nhà quy hoạch đô thị (13%) và các kỹ sư phần mềm (13%), cho dù vậy đây vẫn là công việc thuộc nhóm “không phải lo lắng”.


Các công việc thiết kế cũng có tỷ lệ rủi ro tương đối thấp.

Hai nhà nghiên cứu Frey, một đồng nghiệp tại Chương trình về Công nghệ và Việc làm của Đại học Oxford, và Osborne, một giáo sư về máy học, đã sử dụng cả các số liệu thống kê về những tác động trong lịch sử của việc tự động hóa cũng như quá trình xử lý máy học để đưa ra các dự đoán về tỷ lệ rủi ro trên.

Họ sử dụng cơ sở dữ liệu trên website onetcenter.org làm nguồn cho các tính toán của mình. O*net là một dịch vụ trực tuyến được phát triển cho Bộ Lao động của Mỹ, nó cho biết dữ liệu về hoạt động thay thế công việc từ năm 2010 (báo cáo gần đây nhất) cho đến nay.

Sau đó, các nhà nghiên cứu tự mình lựa chọn 70 trong số 702 công việc, xác định xem công việc đó có dễ bị sự tự động hóa thay thế hay không (xếp loại 1) chỉ nếu tác vụ kế tiếp trong danh sách trên o*net có thể bị tự động hóa. Nếu không, nó sẽ được xếp loại 0. Sau đó các tác giả có thể dùng thuật toán dự đoán để xác định khả năng của công việc có thể bị tự động hóa trong tương lai.


Thiết kế là nghề mà robot không thể cướp việc của bạn.

Từ đây, Iqbar và Raykov chỉ cần lấy kết quả của nghiên cứu và trình diễn chúng trong một trang web để người dùng có thể truy cập dễ dàng hơn, khi họ chỉ cần tìm kiếm một công việc nào đó hay lấy một ví dụ ngẫu nhiên nào đó. Họ cũng tổng hợp thêm thông tin từ Cục thống kê Mỹ để hiển thị số lượng công việc và mức lương trung bình, cùng với mô tả về công việc.

Nhờ vào thiết kế đơn giản của họ, ta có thể dễ dàng thấy rằng, các nhà phát triển phần mềm – những người “nghiên cứu, thiết kế, phát triển và thử nghiệm phần mềm cấp độ hệ điều hành” – chỉ có 13% khả năng bị thay thế bởi robot. Trong khi đó, các nhà lập trình máy tính – những người “tạo ra, chỉnh sửa, và thử nghiệm các đoạn code, các form mẫu, và các đoạn script để ứng dụng máy tính chạy được” – có đến 48% khả năng bị tự động hóa thay thế, (cấp độ rủi ro: “rất đáng lo ngại”.)

Liệu đây có phải là lối thoát lớn trước làn sóng tự động hóa? Các tác giả của tài liệu này kết luận rằng, khi công nghệ tiến về phía trước, những người lao động trình độ thấp sẽ được sắp xếp lại vào các công việc ít có rủi ro bị tin học hóa thay thế – những công việc đòi hỏi sự sáng tạo và trí tuệ xã hội. “Đối với những người lao động muốn thắng cuộc đua này … họ sẽ phải có các kỹ năng sáng tạo và xã hội”.

 

Theo Trí Thức Trẻ