Kết quả nghiên cứu mới cho thấy, một phần sáu số loài động vật có vú vùng Địa Trung Hải đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cấp độ vùng, chủ yếu do tác động phá hủy môi trường sống từ quá trình đô thị hóa, sản xuất nông nghiệp và biến đổi khí hậu.
Trong số 320 loài động vật có vú vùng Địa Trung Hải được xếp hạng bởi Hiệp hội Quốc tế về Bảo tồn Tự nhiên (IUCN) có trụ sở đặt tại Geneva, 49 loài đang bị đe dọa, trong đó 20 loài không có ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Trong đó, ba phần trăm bị “đe dọa nghiêm trọng”, bao gồm hải cẩu thầy tu Địa Trung Hải và linh miêu Iberia, năm phần trăm “đang bị đe dọa” và tám phần trăm “dễ bị tổn thương”.
“Mối đe dọa hàng đầu là môi trường sống bị phá hủy, làm ảnh hưởng tới 90% số loài trong diện nguy cơ,” Annabelle Cuttelod, chuyên gia của IUCN, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong một công bố mới tại Tây Ban Nha.
“Chúng ta cần một hành động mang tầm quốc tế để bảo vệ các khu vực chính yếu và bảo tồn các nơi sống tự nhiên để đảm bảo duy trì đa dạng sinh học trong khu vực này,” bà nói thêm.
Hiện tại các nỗ lực bảo vệ loài nguy cơ đang được tập trung cao độ tại vùng núi Thổ Nhĩ Kì, tây bắc châu Phi và miền Cận Đông (vùng đất cổ bao gồm Syria, Jordan, Israel, Lebanon và Palestin ngày nay).
Các loài động vật ăn cỏ to lớn ví dụ như hươu, nai, thỏ và động vật ăn thịt đang bị đặc biệt đe dọa.
Tới nay 8 loài trong số này, bao gồm hà mã và đa-ma đã thực sự tuyệt chủng trong vùng Địa Trung Hải.
“Để đảm bảo sự tồn tại của các động vật ăn cỏ cỡ lớn và các loài thú có vú ở vùng này, chúng ta cần khôi phục lại các môi trường sống và các chuỗi thức ăn,” Helen Temple, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
“Chúng ta cần khuyến khích mọi người chấp nhận các loài động vật ăn thịt cỡ lớn, tăng cường quản lý những khu vực được bảo vệ, và thực thi các điều luật liên quan tới săn bắn,” bà nói thêm.
Nghiên cứu này không bao gồm cá voi và cá heo, và ghi nhận sự tham gia của hơn 250 chuyên gia về động vật có vú.
Kết quả cho biết, hơn một phần tư (27%) số loài động vật có vú vùng Địa Trung Hải đã và đang suy giảm về số lượng, 31% đang giữ ổn định kích thước quần thể và chỉ có 3% tiếp tục phát triển số lượng. Xu hướng tương lai của 39% còn lại đến nay vẫn chưa được xác định.
Đây là lần đầu tiên tất cả các loài động vật Địa Trung Hải được đánh giá để phục vụ việc IUCN lập Sách đỏ các loài đang bị đe dọa.
Theo G2V Star (Physorg)