1 cặp vợ chồng có thể tạo ra cả thế giới sau thảm họa diệt vong không?

1 cặp vợ chồng có thể tạo ra cả thế giới sau thảm họa diệt vong không?

Các bộ phim khoa học viễn tưởng thường đưa ra tình huống một cơn thảm họa ập xuống và Trái Đất chỉ còn lại một (hoặc vài) cặp vợ chồng sống sót. Sau đó họ dần xây dựng lại cuộc sống và làm dân số thế giới sinh sôi nảy nở thêm 1 lần nữa. Liệu điều đó có thật sự khả thi?

Sau thảm họa diệt vong, thế giới được tạo dựng lại nhờ 1 cặp vợ chồng?

Theo giáo sư di truyền học Nolan Kane tại Đại học Colorado Boulder: Điều đó là có thể, nhưng các cặp đôi sống sót sẽ phải rất, rất… bận rộn và phải cực kỳ may mắn.

1 cặp vợ chồng có thể tạo ra cả thế giới sau thảm họa diệt vong không?
Ảnh minh họa

Con người luôn lo sợ các thảm họa tự nhiên như sóng thần, thiên thạch va vào, biến đổi khí hậu,… sẽ đột ngột ập tới khiến cho phần lớn loài người sẽ diệt vong.

Đây có thể không phải là mối đe dọa quá lớn đối với những loài sinh vật khác do chỉ cần một vài cá thể tồn tại, loài đó vẫn được duy trì và có cơ hội tái sinh thành quần thể. Giáo sư Kane đưa ra ví dụ về loài bồ công anh, một điển hình của việc sinh sôi nảy nở từ một vài hạt giống ban đầu. Ông nhận định: “Một hạt giống bồ công anh có thể tạo ra hàng nghìn hạt khác mang bộ mã di truyền giống hệt nhau và lan tỏa với cấp số nhân. Nhưng đáng tiếc con người không phải là bồ công anh, chúng ta cần một người khác giới và hơn 9 tháng để tái sản xuất.”

Trong tình huống dân số loài người suy giảm nghiêm trọng, giáo sư Kane cho rằng điều đó sẽ dẫn tới một vấn đề nghiêm trọng mà ông gọi là “hiệu ứng sáng lập“. Khi một nhóm nhỏ bị cô lập ra khỏi một quần thể lớn, những đặc điểm di truyền lặn và thường có hại sẽ trở nên phổ biến.

Nguyên nhân ở đây là số lượng ít ỏi những “người sáng lập” khiến cho sự đa dạng của tổ hợp di truyền cũng bị giới hạn. Hiện tại, chúng ta đã chứng kiến các quần thể dân cư bị cô lập, điển hình như người Amish tại Pennsylvania có tỷ lệ mắc dị tật thừa ngón rất cao (polydactyly – dị tật có thêm các ngón tay, ngón chân phụ). Tương tự như vậy, tại hòn đảo Pingelap nằm biệt lập trên Thái Bình Dương, có tới 5% dân cư bị mù màu.

Do đó, nếu chỉ có 1 người đàn ông duy nhất sống sót nhưng mắc căn bệnh di truyền Celiac (bệnh tiêu hóa gây tổn thương ruột non và cản trở hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn) thì không chỉ mình anh ấy không thể hấp thu gluten mà chắc chắn, toàn bộ “nhân loại” được tạo thành sao đó cũng bị giống vậy. Và Celiac chỉ là một ví dụ điển hình trong số rất nhiều căn bệnh di truyền (như thiếu máu do có hồng huyết cầu hình liềm) có khả năng tàn phá sự sống của các cư dân mới.

Jeff Wall, phó giáo sư dịch tễ và thống kê sinh học tại Đại học California cho biết: “Có một lý do giải thích tại sao luật pháp lại cấm hôn nhân cận huyết. Mỗi lần chúng ta tạo ra một đứa trẻ thì cơ chế di truyền lại có cơ hội mắc khiếm khuyết và tỷ lệ này sẽ tăng đáng kể nếu các cá thể kém đa dạng di truyền giao phối với nhau. Nếu toàn bộ thế giới chỉ còn sót lại có 2 người, bạn cần nhiều lần có sự may mắn trong trò chơi “xổ số di truyền”. Và như các bạn cũng biết, tỷ lệ trúng số chưa bao giờ cao. Hơn thế nữa, một sự thay đổi đột ngột của môi trường có thể khiến cho 2 người sống sót chết trước khi đứa trẻ được sinh ra. Ngay cả khi họ tránh được các hiểm họa từ môi trường bên ngoài, sự kết hợp giữa các gen bên trong có thể tạo ra một đứa bé mắc bệnh tim bẩm sinh. Trong điều kiện không có sự chăm sóc y tế, đó có thể sẽ là cá thể cuối cùng của loài người.”

Chính vì các cơ chế di truyền của con người nên nhiều nhà khoa học nghi ngờ rằng nếu có thảm họa thật sự ập đến thì có lẽ, loài người sẽ không thể trụ nổi qua vài thế hệ. Tuy nhiên, tất cả trên đây chỉ là giả thuyết và hãy lạc quan lên, con người luôn tìm được cách phòng vệ, ngăn chặn thảm họa diệt vong trước khi nó xảy ra. Và có chăng, nếu ngày tận thế của Trái Đất ập đến thì nó cũng sẽ giống như lúc nó mới bắt đầu.

 

Theo Tinh Tế