10 bí ẩn thú vị nhất của các nền văn minh đã mất (Phần 1)

10 bí ẩn thú vị nhất của các nền văn minh đã mất (Phần 1)

Hầu hết các nhà Ai-cập học tin rằng tượng nhân sư Sphinx trên cao nguyên Giza khoảng 4.500 tuổi. Nhưng con số này chỉ là giả thuyết chứ không có bằng chứng xác thực.

  • Những nền văn minh cổ bí ẩn ít người biết đến
  • Nền văn minh bí ẩn ở Trung Mỹ
  • Những nền văn minh cổ đại bị lãng quên

Những bí ẩn thú vị chưa được khám phá của các nền văn minh đã mất

1. Tuổi của kim tự tháp và tượng nhân sư Sphinx

10 bí ẩn thú vị nhất của các nền văn minh đã mất (Phần 1)

Theo Robert Bauval, tác giả cuốn “Tuổi của Sphinx” thì “không hề có bất cứ ghi chép nào, thậm chí chữ khắc trên vách đá, bia mộ hoặc chữ viết trên giấy cói” gắn kết Sphinx với khoảng thời gian trên.

Vậy nó được xây dựng từ khi nào? Học giả John Anthony West đã phủ nhận con số 4.500 tuổi, ông đưa ra bằng chứng là chân tượng bị phong hóa theo chiều thẳng đứng mà nguyên nhân thì chỉ có thể là do ngâm lâu dưới nước (từ những trận mưa lớn).

Mưa lớn tại sa mạc là điều không tưởng trong khoảng thời gian đó và nó chỉ xảy ra cách đây 10.500 năm. Điều này có nghĩa là tuổi của Sphinx gấp hơn 2 lần so với con số 4.500 mà người ta vẫn nghĩ. Bauval và Graham Hancock ước tính Đại kim tự tháp Giza được xây dựng cách đây khoảng 10.500 năm trước Công nguyên – trước khi có nền văn minh Ai Cập. Câu hỏi đặt ra là: Ai đã xây dựng chúng và tại sao?

2. Những đường kẻ Nazca 

10 bí ẩn thú vị nhất của các nền văn minh đã mất (Phần 1)

Những đường kẻ Nazca nổi tiếng được khắc trên một sa mạc cách thủ đô Lima của Peru 200 dặm về phía tây. Cao nguyên dài 58km, rộng 1,6km, với những đường kẻ và các khối hình khác nhau đã khiến thế giới khoa học đau đầu kể từ khi nó được phát hiện vào những năm 30 của thế kỷ trước.

Những đường kẻ này rất thẳng, một số đường chạy song song với nhau, nhiều đường giao nhau khiến chúng trông như đường băng của một sân bay khi nhìn từ trên cao. Nhà văn Erich von Daniken đã từng viết trong cuốn sách Chariots of the Gods rằng chúng là những đường băng dành cho tàu vũ của người ngoài hành tinh.

Thú vị hơn là những khối hình khổng lồ của 70 con vật được khắc trên mặt đất trong đó có một con khỉ, nhện và một con chim ruồi nằm giữa những con khác. Điều khó hiểu là những đường kẻ và khối hình này lớn đến nỗi người ta chỉ có thể nhận ra hình thù của chúng từ trên cao. Vậy tầm quan trọng của chúng là gì? Nhiều người tin rằng chúng được dùng cho mục đích thiên văn học trong khi một số khác lại cho rằng người xưa dùng chúng trong các nghi lễ tôn giáo. Một giả thuyết gần đây là các đường kẻ dẫn tới những nguồn nước quý giá. Cho đến nay vẫn chưa ai có lời giải đáp.

3. Vị trí của lục địa Atlantis

10 bí ẩn thú vị nhất của các nền văn minh đã mất (Phần 1)

Ngày nay có rất nhiều giả thuyết về lục địa Atlantis. Lục địa Atlantis từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới. Dựa trên những tài liệu đáng tin cậy, người ta đã xây dựng rất nhiều những giả thuyết khác nhau về lục địa này.

Mặc dù Atlantis được xem là đạt tới đỉnh cao vinh quang hơn 11 nghìn năm trước, nhưng nó chỉ xuất hiện trong thư tịch khoảng 2.350 năm trước, từ 359 đến 347 năm trước Công nguyên. Atlantis được nhà triết học Hy Lạp cổ đại lừng danh Plato miêu tả là một hòn đảo tuyệt đẹp và phát triển về khoa học công nghệ nhưng vị trí của Atlantis thì rất mơ hồ.

Thế nên nhiều người kết luận Atlantis không thực sự tồn tại. Những người cho rằng nó tồn tại thì đi kiếm tìm bằng chứng và manh mối trên mọi ngóc ngách của trái đất. Nhà tiên tri Edgar Cayce tiên đoán tàn tích của Atlantis nằm đâu đó gần quần đảo Bermuda. Năm 1969, những khối đá nhiều hình thù được tìm thấy gần đảo Bimini khiến người ta tin rằng lời tiên đoán của Cayce là đúng.

Người ta còn cho rằng lục địa Atlantis có thể được tìm thấy ở châu Nam Cực, Mexico, ngoài khơi nước Anh và thậm chí cả ngoài khơi Cuba.

4. Lịch của người Maya

10 bí ẩn thú vị nhất của các nền văn minh đã mất (Phần 1)

Các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu để tìm ra lời giải về cuốn lịch Long Count của người Maya.

Qua nghiên cứu đồng vị carbon trên một nhóm vật chất thu được tại ngôi đền ở Guatemala, các nhà khảo cổ học khẳng định, lịch Long Count (loại lịch có hình tròn dùng để tính khoảng chu kì thời gian rất dài) của người Maya đã kết thúc vào tháng 12/2012. Bên cạnh đó, cuốn lịch của người Maya không đưa ra bất cứ lời tiên tri nào về Ngày Tận thế.

Kỷ nguyên của người Maya bắt đầu vào ngày 11/8/3114 TCN. Nếu khớp lịch theo lịch Gregory (lịch châu Âu) như chúng ta sử dụng hiện nay thì chu kỳ sẽ kết thúc vào ngày 21/12/2012 (một số nghiên cứu nói ngày 23/12 mới khớp lịch).

Long Count là một hệ thống phức tạp, sử dụng tới 5 đơn vị thời gian: Bak’tun (144.000 ngày); K’atun (7.200 ngày), Tun (360 ngày), Winal (20 ngày) và K’in (một ngày).

Lịch Long Count được người Maya sử dụng tổng hợp, theo dõi các sự kiện diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, trên thực tế, vào thế kỷ XVI, người Tây Ban Nha đã hủy hoại đại đa số văn tự ghi chép của người Maya để lại, chỉ còn lại ba cuốn sách nên khiến người đời sau khó mà phiên dịch để hiểu rõ về văn hóa của họ. Điều này cũng gây khó khăn trong việc nghiên cứu sự tương quan giữa lịch Maya và lịch của châu Âu.

Nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Douglas J. Kennett – giáo sư khảo cổ học tại ĐH bang Pennsylvania, Mỹ cho biết: “Có khá nhiều giải pháp cho vấn đề này, một vài trong số chúng là sử dụng các dữ liệu lịch sử và thiên văn học”.

Các nhà khoa học đã thử đặt lịch Long Count vào lịch Gregory với những sự kiện lịch sử để hiểu hơn về sự tương quan giữa 2 loại lịch này.

Sau khi phân tích đồng vị carbon trên những mảnh chạm khắc bằng gỗ của ngôi đền cổ bằng đá ở Tikal – trung tâm thành thị của nền văn minh Maya cổ xưa, các nhà khoa học đã có cái nhìn mới hơn về mối quan hệ giữa những khoảng thời gian ở cùng một sự kiện của 2 cuốn lịch này.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra, sự biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và sụp đổ của người Maya cổ đại. Theo Long Count, cuốn lịch đá bao gồm 13 “Bak’tun” (đơn vị tính thời gian lớn nhất mà người Maya sử dụng) tương đương 400 năm dương lịch đã chỉ ra thời điểm kết thúc ở người Maya vào năm 2012 và không đưa ra bất cứ thông tin nào về Ngày Tận thế. (Tất nhiên, nếu có Ngày Tận thế thật thì chúng ta đã không thể đọc được những dòng này).

Tuy nhiên, giáo sư Kennett cho biết, “Ngày chính xác mà bộ lịch Long Count của người Maya kết thúc vẫn là câu hỏi mở với các nhà khoa học. Chỉ biết rằng, nó là một ngày trong tháng 12″.

5. Xác ướp tại “Hang Ma”

10 bí ẩn thú vị nhất của các nền văn minh đã mất (Phần 1)

Năm 1940, hai vợ chồng nhà khảo cổ học Sydney và Georgia Wheeler tìm thấy một xác ướp tại “Hang Ma”, một hang động cách thành phố Fallon, bang Nevada (Mỹ) 15 dặm về phía đông.

Khi bước vào hang, họ phát hiện bộ hài cốt của 2 người được quấn bằng vải tuyn. Một bộ hài cốt được chôn sâu hơn bộ kia, phần đầu và vai phải vẫn còn nguyên vẹn.

Với sự trợ giúp của người dân địa phương, Sydney và Georgia Wheeler đã đào được 67 cổ vật trong hang. Những cổ vật này được giám định tại bảo tàng bang Nevada, người ta ước tính chúng 1.500-2.000 tuổi. 54 năm sau, vào năm 1994, nhà nhân chủng học thuộc trường đại học California R. Erv Taylor đã giám định lại 17 cổ vật trong ‘Hang Ma’ bằng phương pháp ghi phổ khối lượng.

Kết quả thật bất ngờ xác ướp có tuổi thọ vào khoảng 9.400 tuổi. Nghiên cứu thêm cho thấy xác ướp cổ nhất tại Bắc Mỹ này có những đặc điểm của người Aino, một chủng người da trắng sống ở vùng biển Bắc – Nhật Bản. Cho đến nay người ta vẫn chưa giải thích được mối liên hệ này.

 

Theo Dân Trí