Đối với những người đã từng sống ở Hà Nội thì những con đường như Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, bến Hàn Quốc… đã đi sâu vào tâm khảm họ. Từng con đường có một nét đẹp riêng, song tất cả đều khiến người ta nhớ đến và muốn được quay lại thêm nhiều lần.
-
1
Phố Phan Đình Phùng
“Đường đẹp nhất Hà Nội” là cái tên mà nhiều người ưu ái dành tặng cho con đường cắt ngang Hoàng Diệu – Phan Đình Phùng. Con phố thẳng tắp với hai hàng cây cổ thụ tỏa bóng khiến ai cũng phải nhớ đến mỗi lần đi qua. Phố dài chừng 1,5 km, kéo dài từ phố Mai Xuân Thưởng đến phố Hàng Cót. Ngày xưa, phố có tên là Các-nô, sau Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 đổi thành Phan Đình Phùng.
Con phố này có những vỉa hè rộng thênh thang và những rặng sấu cổ thụ trút lá vàng rực vào cuối mùa xuân. Trên phố có có nhiều biệt thự được xây dựng từ thời Pháp và hai công trình cổ nổi tiếng là cửa Bắc thành Hà Nội và nhà thờ Cửa Bắc. Phan Đình Phùng còn được gọi với cái tên thân thương “phố cây sấu”. Những hàng sấu già trên phố Phan Đình phùng đã có lịch sử hàng trăm năm, thân cây xù xì, cành lá rậm rạp ghé sát vào nhau che phủ khắp con đường.
Nhiều người đã từng lặng đi giây lát khi ngắm những biệt thự cao tầng nằm nép sau nhưng hàng cây cao vút trên phố Phan Đình Phùng. Tuy vết sơn đã ngả màu theo thời gian nhưng vẫn toát nên vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm, tạo cho chúng ta cảm giác hoài cổ và bảng lảng.
-
2
Đường Hoàng Diệu
Dài 1,3km, nối liền 2 phố Phan Đình Phùng và Nguyễn Thái Học là đường Hoàng Diệu không kém phần cổ kính với hàng cây cổ thụ lâu năm sừng sững. Xưa kia, con đường này chạy dọc theo cạnh phía Tây của khu vực Hoàng cung trong thành Thăng Long đời Nguyễn. Tên Hoàng Diệu được đặt cho con đường này từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945. Những dấu tích Hà Nội cổ còn lại trên con đường không thể không nhắc đến Hoàng thành trầm lắng, cổng Đoan môn sừng sững, những ngôi biệt thự được xây theo kiến trúc Pháp…
Đường Hoàng Diệu rộng rãi, luôn mát rượi bởi hai hàng cây cổ thụ. Nơi đây luôn thuộc top những con đường xanh, mát, đẹp nhất thủ đô.
Tuy nhiên, dấu ấn của đường Hoàng Diệu không chỉ nằm ở những giá trị ấy, mà điều níu chân bao người, làm thổn thức bao trái tim lại là căn nhà 30 Hoàng Diệu – nơi ở của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ khi Đại tướng ra đi, cứ đến dịp lễ hay ngày kỷ niệm, nhiều người lại tập trung trước cổng nhà để thắp nến, dâng hương, hoa tưởng niệm “người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
-
3
Đường Thanh niên
Không có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như Hoàng Diệu hay Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên – “con đường lãng mạn nhất thủ đô” khiến bao trái tim nức nở bởi vẻ đẹp mộng mơ, yên bình của nó.
Đường Thanh Niên vốn là con đập đắp vào đầu thế kỷ thứ 17 để giữ cá nuôi trong hồ Trúc Bạch. Lúc đầu mang tên “Cố Ngự” (giữ vững), sau được đọc chệch thành “Cổ Ngư”. Đường dài gần 1 km, bắt đầu từ dốc Yên Phụ tới ngã ba Quán Thánh – Thụy Khuê.
Giữa lòng Hà Nội, hiếm có một con đường nào lại có được vẻ đẹp thơ mộng như đường Thanh Niên. Con đường này chạy xen giữa hồ Tây và hồ trúc Bạch với những hàng phượng vĩ, những rặng trúc xanh tươi, tạo cho nơi đây một nét lãng mạn rất đặc biệt.
-
4
Bến Hàn Quốc
Cái tên nghe có vẻ xa lạ nhưng lại quá đỗi thân quen với nhiều bạn trẻ. Đó chính là con đường nằm ôm trọn, bao quanh hồ Tây. “Con đường tình yêu” này là nơi hẹn hò lý tưởng của nhiều cặp đôi, là nơi các cụ già thảnh thơi câu cá mỗi chiều, là nơi người ta nhìn thấy bọn trẻ được vui chơi thoải mái, vô lo vô nghĩ.
Nằm ven hồ Tây mênh mông nước, với cái tên quá đỗi mộc mạc “đường Ven Hồ”, nơi đây mang nét đẹp rất lãng mạn. Không khí thoáng đãng, yên bình không xô bồ chen lấn, nhiều người chọn nơi đây là điểm dừng chân lý tưởng sau những lần mệt mỏi, stress.
-
5
Phố Kim Mã
Phố Kim Mã dài 2,57km; từ ngã ba với phố Sơn Tây – Nguyễn Thái Học (chỗ bến xe Kim Mã), kéo dài đến phố Cầu Giấy. Đầu phố xưa có một cửa Ô gọi là Thanh Bảo, tên nôm là Ô Cầu Giấy.
Ngày nay, Kim Mã là một trong những con đường được các bạn trẻ thường xuyên lựa chọn thực hiện bộ ảnh “để đời” của mình. Với những hàng cây, lan can, thảm cỏ xanh mướt, con phố này rất thích hợp cho một buổi chiều đi dạo, đặc biệt là đoạn giao với phố Vạn Bảo. Đây chắc chắn là một trong những con phố “xanh, sạch, đẹp” nhất thủ đô.
-
6
Phố Đinh Tiên Hoàng
Chạy dọc bờ hồ Hoàn Kiếm, phố Đinh Tiên Hoàng nằm ở trái tim của thủ đô Hà Nội. Trên phố có đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn, tháp Hòa Phong – di tích còn lại của chùa Báo Ân và bưu điện Hà Nội với chiếc tháp đồng hồ lịch sử. Vào những ngày lễ, Tết, phố là nơi người dân tập trung đông đảo để xem bắn pháo hoa và đón Giao thừa.
Một bên là hồ Gươm, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử, một bên là vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ và các trung tâm đầu não của thủ đô khiến phố Đinh Tiên Hoàng trở thành một trong những tuyến phố du lịch có không gian đẹp nhất Hà Nội.
-
7
Con đường Gốm sứ ven sông Hồng
Con đường gốm sứ ven sông Hồng dài khoảng 3,8km, tổng diện tích đạt 6.950 m2 với 21 trường đoạn tái hiện dòng chảy lịch sử Việt Nam.
Con đường độc đáo này là một công trình nghệ thuật trong chương trình chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long. Trong gần bốn năm triển khai thực hiện, dự án đã thu hút sự tham gia của 20 họa sĩ Việt Nam, 15 họa sĩ quốc tế đến từ 10 nước, 500 em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, hơn 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ nhiều địa danh và làng gốm truyền thống của Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Bình Dương, Vĩnh Long, Bàu Trúc…
-
8
Phố bia Tạ Hiện
Một trong những con phố khiến người ta đến một lần và muốn đến mãi, không thể không kể đến phố bia tạ Hiện. Khu phố này được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ 20, trong đó dãy lẻ là những ngôi nhà liền khối, quy mô 2 tầng, mang ảnh hưởng của kiến trúc Pháp. Còn mặt chẵn cũng gồm những ngôi nhà có kiến trúc tương tự giống nhau, nhưng lại mang nét kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Được biết đến như một “phố Tây” trong lòng phố cổ, từ lâu nay con phố Tạ Hiện với cái “ngã tư quốc tế” đã được đưa vào danh sách những nơi phải đến ở Hà Nội khi đi du lịch của du khách nước ngoài.
Nhắc đến Tạ Hiện, không thể không nhắc đến bia hơi vỉa hè. Vào mỗi buổi chiều, những quán bia với biển hiệu san sát nhau dọc theo những con phố. Hàng bia hơi ở đây luôn đông kín khách Tây lẫn Ta, không khí cực kỳ náo nhiệt và thân thiện.
-
9
Tuyến phố Hàng Ngang – Hàng Đào – Đồng Xuân
Cũng giống như Tạ Hiện, trục phố Hàng Ngang – Hàng Đào – Đồng Xuân thuộc khu phố cổ Hà Nội, là nơi tấp nập nhất của khu vực này, nhất là vào 3 ngày cuối tuần – khi toàn bộ tuyến đường trở thành Chợ đêm đông vui, náo nhiệt.
Chợ đêm phố cổ được tổ chức từ 18h – 23h các tối thứ 6, 7 và chủ nhật hàng tuần tại tuyến đi bộ gần 3km xuyên qua những ngôi nhà còn giữ được nhiều nét cổ xưa, bắt đầu từ phố Hàng Đào tiếp giáp với quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và kết thúc tại cổng chợ Đồng Xuân.
Vào tối thứ 7 hàng tuần, 2 đầu tuyến phố có tổ chức các buổi biểu diễn văn hoá nghệ thuật dân gian truyền thống như chèo, xẩm, quan họ, ca trù… Đây được coi là nét độc đáo của chợ đêm phố cổ thu hút du khách, đặc biệt là những người nước ngoài.
Chợ đêm phố cổ là nơi mua bán sầm uất với sự tham gia của gần 4.000 gian hàng. Các mặt hàng ở đây rất đa dạng, từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng tới các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm… với giá cả bình dân.
-
10
Phố Hàng Buồm
Cắt ngang Hàng Đào, phố Hàng Buồm thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Phố nằm theo hướng Đông – Tây, trải dài gần 0,3km. Đầu phía Đông là ngã tư giao cắt với các phố Đào Duy Từ và Mã Mây. Đầu phía Tây giao cắt với các phố Hàng Ngang, Hàng Đường và Lãn Ông.
Trên phố này hiện có nhiều cửa hàng bán bánh kẹo, hạt dưa hạt bí các loại, phong phú đa dạng, cùng với đó là các loại rượu bia, nước giải khát. Các dịp Tết và Trung thu, không khí ở đây vô cùng tấp nập.
Đặc biệt, trên phố có những điểm biểu diễn văn hoá nghệ thuật để du khách vừa có thể thưởng thức ẩm thực, vừa có thể hoà mình cùng âm nhạc. Được kết nối với chợ đêm Hàng Ngang, Hàng Đào, phố ẩm thực Hàng Buồm nhanh chóng trở thành tâm điểm của các tuyến phố đi bộ.