10 dấu ấn môi trường năm 2009

Có thể nói trong năm 2009, môi trường là một trong những đề tài “nóng” nhất trên toàn thế giới. Nhằm bảo vệ môi trường, có rất nhiều tranh cãi xung quanh đề tài này. Sau đây là 10 dấu ấn tích cực nhất của môi trường thế giới trong năm 2009 theo bình chọn của tạp chí National Geographic.

Phát hiện rất nhiều loài mới 

Loài chuột len khổng lồ phát hiện tại Papua Tân Guinea (ảnh) chỉ là một trong hàng trăm loài mới được phát hiện trong năm 2009. Trong số những loài mới phát hiện có những loài rất thú vị như ốc sên lưỡng cư tại Úc hay cá mập ma có cơ quan sinh dục đực nằm trên đầu.

Brendan Cummings, chuyên viên cao cấp của Trung tâm đa dạng sinh vật tại California, cho biết những phát hiện này “khẳng định lại ma thuật của địa cầu”.

“Cấp” đất cho gấu Bắc cực 

Vào tháng 10, chính phủ Mỹ đã hứa sẽ dành ra một diện tích 500.000 km2 bao gồm đất, biển và băng dọc bờ bắc Alaska để làm nhà cho loài gấu bắc cực – loài vật đang được xếp vào nhóm cần bảo tồn vì bị đe dọa tuyệt chủng.

Thành lập khu bảo tồn biển khổng lồ 

Trong những ngày cuối khi còn tại vị, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã cho phép thành lập một khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới, với diện tích 246.608 km2 ở Thái Bình Dương. Đây sẽ là nơi cư ngụ của hàng ngàn loài sống dưới đáy biển, từ san hô cho tới cá mập.

Wal-Mart thân thiện với môi trường? 

Vào tháng 7, Wal-Mart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới của Mỹ, tuyên bố đã yêu cầu hàng trăm ngàn nhà cung cấp của mình tính phí môi trường trong tất cả các sản phẩm. Chương trình nhãn hiệu mới của Wal-Mart được mang tên “đánh giá lại bao bì của hàng hóa bán trên toàn thế giới”

Tốc độ phá rừng tại Brazil giảm 

Hồi tháng 11 vừa qua, chính phủ Brazil cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 8-2008 đến 7-2009, chỉ có 7.000 mét vuông rừng của rừng Amazon bị đốn sạch. Đây là một tín hiệu khá lạc quan vì nó đã giảm đi 2-3 lần so với những năm trước đó.

Tế bào năng lượng mặt trời được in như tiền 

Vào tháng 2, triển vọng sản xuất tế bào năng lượng mặt trời với số lượng lớn đã có một bước đột phá lớn khi Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học thịnh vượng chung Úc đã khởi động một chiếc máy có thể dán các tế bào năng lượng mặt trời lên miếng phim bằng nhựa.

Gerry Wilson, người đứng đầu dự án, cho biết phát kiến này sẽ giúp sản xuất được những tấm năng lượng mặt trời có kích thước rất lớn thích hợp để lát lên kính hoặc nóc nhà. Một chuyên gia cho biết dự án này trong tương lai sẽ giúp làm giảm đáng kể giá năng lượng.

Miller đo lượng nước sử dụng 

Tại một hội nghị nước hồi tháng 8, công ty sản xuất bia khổng lồ SAB Miller đã đề xuất một kế hoạch nhằm đo lượng nước tổng sử dụng để làm ra bia. Miller cho biết sẽ dùng kết quả này để đánh giá tình hình khan hiếm nước ảnh hưởng đến việc sản xuất bia như thế nào và đưa ra những phương pháp mới nhằm sử dụng nước hiệu quả hơn.

Google Earth có thêm đại dương 

Vào tháng 2, những người sử dụng Google Earth sau khi đã chán thấy ngôi nhà mình từ không gian có thể tải về hình ảnh đại dương, cho phép mọi người có thể thấy được thế giới dưới nước trong trình bản đồ 3D này.

Sáng kiến bảo vệ san hô 

Sáu quốc gia châu Á Indonesia, Malaysia, Philippines, Papua Tân Guinea, quần đảo Solomon và Đông Timor đã cùng nhau thực hiện một chương trình chống đánh cá quá mức, phát triển bờ biển không bền vững và biến đổi khí hậu. Tất cả nhằm bảo vệ rặng san hô mà sáu nước này đang có chung.

Eichbaum, phó chủ tịch Quỹ thiên nhiên hoang dã (WWF), cho biết: “Rất nhiều người trong khu vực phụ thuộc vào “sức khỏe” của rặng san hô, nơi cung cấp thức ăn cho họ”. Theo WWF, các nguồn lợi thủy sản đang nuôi sống 120 triệu người.

Cá hồi trở lại Paris


Một người dân Paris câu được cá hồi tại sông Seine

Vào mùa hè năm nay, vài ngàn con cá hồi đã di cư bằng sông Seine xuyên qua thành phố ánh sáng Paris. Như vậy có thể thấy những dự án cải tạo môi trường đã bước đầu thành công. Bernard Breton, tổng thư ký Liên đoàn quốc gia nghề cá của Pháp, nói với National Geography “ngoài sức tưởng tượng”.

Được biết vào những năm 1990, rất nhiều loài đã biến mất khỏi sông Seine, nguyên do là do ô nhiễm nguồn nước. Đến năm 1995, chỉ còn lại những loài “chì” nhất như lươn hay cá chép mới có thể gọi sông Seine là nhà.

 

Theo Tuổi Trẻ (National Geographic)