Sông Rio Tinto, đảo Devon, núi lửa Kilauea, là ba trong số những nơi trên Trái Đất có đặc điểm giống như các hành tinh và mặt trăng trong hệ Mặt Trời.
Sông Rio Tinto, Tây Ban Nha, có màu đỏ do hàm lượng sắt hòa tan trong nước lớn và nước sông mang tính axit rất cao, theo Mother Nature Network. Tuy đây là môi trường sống khắc nghiệt, vẫn có một số vi sinh vật yếm khí tồn tại. Chúng ăn khoáng chất sắt và lưu huỳnh dồi dào trên sông. Các nhà khoa học cho rằng, sông Rio Tinto có điều kiện tương tự như nước lỏng trên sao Hỏa hay mặt trăng Europa của sao Mộc. Do đó, con sông này là nơi lý tưởng để nghiên cứu sinh vật học vũ trụ. (Ảnh: Fungur).
Đảo Devon, Canada, là hòn đảo không có người ở lớn nhất trên Trái Đất. Mặc dù khung cảnh hoang vắng trên đảo khiến nó không thể trở thành địa điểm du lịch lý tưởng vào mùa hè, đây là nơi hoàn hảo để Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thử nghiệm công nghệ robot thám hiểm cho các chuyến đi tới sao Hỏa. (Ảnh: NASA).
Núi lửa Kilauea cao gần 1.300m ở Hawaii, Mỹ, phun trào liên tục suốt 33 năm qua. Cảnh quan khu vực này trông giống các núi lửa trên mặt trăng Io của sao Mộc. (Ảnh: Wikipedia).
Hawaii được biết đến nhiều nhất với các thác nước và bãi biển, nhưng đây cũng là nơi có cảnh quan khắc nghiệt, kỳ lạ trên thế giới. NASA sử dụng núi Mauna Kea và Haleakala, Hawaii, để làm địa điểm thử nghiệm robot thám hiểm. Trên thực tế, thành phần đất trên sao Hỏa gần giống với đất ở Hawaii. (Ảnh: Emily Kinney).
Hồ muối Etosha, Namibia, có thể trông giống như Ontario Lacus, hồ hydrocarbon lớn nhất trên mặt trăng Titan của sao Thổ. (Ảnh: Yathin S Krishnappa).
Mặt trăng Europa của sao Thổ và mặt trăng Enceladus của sao Mộc có các đại dương lỏng bên dưới bề mặt lớp vỏ băng giá. Những mặt trăng này có hoạt động địa chấn và núi lửa, nên đáy biển của chúng nhiều khả năng giống như miệng phun thủy nhiệt ở đáy đại dương trên Trái Đất. (Ảnh: World Ocean Review).
Vườn quốc gia Teide thuộc quần đảo Canaria, Tây Ban Nha, có phong cảnh giống hệt địa hình trên sao Hỏa. Năm 2010, một nhóm nghiên cứu đã đến đây để kiểm tra các dụng cụ đo trong dự án ExoMars của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan vũ trụ Roscosmos, Nga, nhằm tìm kiếm dấu vết sinh học trên hành tinh đỏ. (Ảnh: Flickr).
Sa mạc Atacama, Chile, có khung cảnh khá hoang vắng bao gồm một số hồ muối, cồn cát và dòng chảy dung nham núi lửa. Những đặc điểm này khá giống với địa hình trên sao Hỏa. (Ảnh: National Geographic).
Thung lũng khô (Dry Valleys) ở Nam Cực là một trong những nơi khắc nghiệt nhất thế giới, với điều kiện thời tiết khô hạn, không khí lạnh thấu xương. Gió thổi qua thung lũng đạt vận tốc hơn 320 km/h. Đặc điểm này giống vùng đồng bằng lạnh và khô trên sao Hỏa. (Ảnh: Cool Antarctica).
Hồ Vostok là hồ ngầm lớn nhất bên dưới mặt băng ở Nam Cực. Bề mặt nước lỏng của nó bị mắc kẹt dưới lớp băng ít nhất 15-25 triệu năm qua. Các nhà khoa học tin rằng, vi khuẩn cổ đại sống sót trong điều kiện khắc nghiệt của hồ Vostok sẽ cung cấp thêm thông tin để nghiên cứu các dạng sống có thể xuất hiện trên mặt trăng Europa của sao Mộc và mặt trăng Enceladus của sao Thổ. (Ảnh: Reuters).