Bố mẹ nào có con gái cũng hiểu nuôi con gái vất vả và “đau đầu” đến nhường nào. Khi con còn nhỏ, chúng ta phải đối phó với tính nhõng nhẽo, “điệu chảy nước” của nó. Khi chúng lớn hơn, bố mẹ lại “đầu hàng” trước những lần “lý sự” như… bà già mà thật khó để giải thích. Rồi con bước vào tuổi dậy thì, bắt đầu tuổi mơ mộng, chúng ta lại lo lắng, hốt hoảng vì thấy sao nó khác ngày xưa quá. Có con gái đồng nghĩa với việc bố mẹ phải tinh tế, khéo léo trong từng câu nói. Vì con gái vốn mong manh dễ tổn thương, nên bố mẹ đừng nói những điều sau với con nhé.
“Con vẫn là trẻ con”
Khác với những cậu con trai hồn nhiên, vô tư thì con gái lại luôn có suy nghĩ già trước tuổi. Nếu hỏi con trai rằng ước mơ mai sau của con là gì, cậu bé sẽ nhanh nhẹn trả lời muốn trở thành phi hành gia hoặc nhà ảo thuật,… Tuy nhiên, ước mơ của con gái lại rất cụ thể, thực tế và định hướng quyết tâm rõ ràng. Con gái sẽ hay trả lời là con muốn trở thành cô giáo, bác sỹ hay luật sư, khác hẳn với ước mơ có phần viển vông và phi thực tế của các cậu con trai. Hãy ủng hộ, thay vì làm tổn thương con gái bằng những câu như “con còn bé quá”, “con vẫn là trẻ con”… nhé!
“Con đừng quá tham vọng”
Nếu một ngày con gái bé bỏng của bạn muốn học vẽ để trở thành họa sỹ chuyên nghiệp hay muốn học cưỡi ngựa, bơi, thậm chí đá bóng, hãy là chỗ dựa tinh thần và là người bạn đồng hành cùng con. Trong trường hợp này, nếu bố mẹ không hiểu con mà lỡ nói “con đừng quá tham vọng” hoặc “con chỉ là đứa trẻ, chưa làm được điều đó đâu” thì con sẽ nhụt chí và tổn thương lắm đấy. Hãy là người định hướng, hỗ trợ con, giúp con khám phá khả năng tiềm ẩn của mình.
“Việc đó chỉ dành cho đàn ông con trai”
Câu nói này như một gáo nước lạnh khi con đang muốn thử sức làm một số việc nặng – những việc được coi là dành cho đàn ông, con trai. Đừng bao bọc con quá kỹ, hãy để con thử sức với nhiều trách nhiệm, vị trí khác nhau. Sau này con lớn lên sẽ trở thành một cô gái mạnh mẽ, tự lập và làm chủ mọi việc.
“Con làm mất thời gian quá”
Một trong những lỗi bố mẹ hay mắc phải là không cho trẻ có cơ hội được lãng phí thời gian. Trẻ có quyền được thử làm những công việc khác nhau, dù là những việc vô ích. Trẻ sẽ học được cảm giác thất bại từ những kinh nghiệm này. Bố mẹ lúc nào cũng kêu ca phàn nàn rằng “con làm như vậy chỉ mất thời gian” sẽ làm cho trẻ thành những đứa trẻ thụ động, không có chính kiến và chỉ biết làm theo sự chỉ đạo của người khác.
“Để bố mẹ làm hộ cho”
Đây cũng là một câu cấm kỵ được nói với con gái, nếu bố mẹ muốn con trưởng thành và tự lập. Việc gì cũng làm hộ con sẽ hình thành tâm lý lười nhác, dựa dẫm vào người khác. Hãy cho bé được làm việc, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.
“Con mặc như vậy chẳng nữ tính gì cả”
Khi có con gái, bố mẹ bắt đầu sắm sửa váy áo màu hồng, những chiếc nơ điệu đà, những chiếc vương miện như công chúa cho con. Bố mẹ thích thú với việc trang hoàng phòng ngủ của con lộng lẫy với gam màu hồng nữ tính. Nhưng nếu bé muốn phá cách với những chiếc quần hộp, quần baggy kèm chiếc áo phông rộng thùng thình, thì bố mẹ cũng nên ủng hộ bé. Đừng gò ép bé vào khái niệm nữ tính, miễn là bé chỉ ăn mặc như con trai vì sở thích chứ không phải bé gặp vấn đề về giới tính.
“Con đừng lo lắng quá”
Con gái rất phức tạp, mong manh và dễ tổn thương vì bất kể vấn đề gì. Đến tuổi dậy thì, tâm lý của bé gái càng khó đoán. Khi bé khóc hay buồn bã vì chuyện gì, bố mẹ đừng nên nói câu “con đừng lo lắng quá” mà hãy kiên nhẫn lắng nghe con giãi bày. Câu nói trên không có tác dụng an ủi bé mà chỉ càng làm khoảng cách giữa bố mẹ con cái rộng ra thôi.
“Con noi gương bạn hàng xóm đi”
Khi còn bé, con gái thường có xu hướng bắt chước chị gái, mẹ, bà. Nhưng khi lớn lên, bé gái sẽ hình thành tính cách rõ rệt. Đặc biệt khi ở tuổi dậy thì ẩm ương, bé rất ghét bị so sánh với người khác. Tâm lý bé lúc này là muốn mình khác biệt, không giống bất cứ ai. Vì vậy đừng bắt bé phải noi gương hay hành xử theo một bạn hàng xóm nào, bố mẹ nhé!
“Đừng ăn nhiều thế”
Ăn vặt là niềm vui bất tận của những cô gái. Những lời cấm đoán con ăn nhiều sẽ mang tác dụng ngược. Bé sẽ phản kháng và thậm chí ăn nhiều hơn. Thay vào đó, bố mẹ hãy nói chuyện nghiêm túc với con về chế độ dinh dưỡng, kiêng khem nếu thấy con đang tăng cân. Để cho con nhận ra vấn đề và tự quyết định sẽ tốt hơn là đưa ra mệnh lệnh bắt con thực hiện theo.
“Ai bảo con tốt với cậu ta quá”
Nếu con có những rung động đầu đời, nhưng rồi mọi chuyện lại không được như ý, đừng nói những câu như “ai bảo con tốt với cậu ta quá” hoặc “chúng con đâu có đẹp đôi”. Hãy khuyến khích con dốc bầu tâm sự bằng cách tỏ ra quan tâm, hào hứng đến cậu ấy. Với mẹo này con sẽ “lôi hết ruột gan” ra nói với bạn đấy.
Việt Hà – Nguồn: LH
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.