Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ thiếu sữa cho con bú, trong đó có các yếu tố liên quan đến việc sử dụng thuốc, căng thẳng, dùng chất kích thích… Nếu bạn đang gặp các vấn đề về sữa, đừng quên tìm hiểu lý do của tình trạng này và cải thiện chúng sớm bằng cách tránh làm 10 điều này:
Uống thuốc tránh thai
Phụ nữ vẫn có khả năng thụ thai trong giai đoạn cho con bú. Tuy nhiên, trước khi bạn muốn sử dụng thuốc tránh thai cho chắc chắn, hãy suy nghĩ lại. Sử dụng thuốc tránh thai trong thời kỳ cho con bú có thể ảnh hưởng đến việc tiết sữa của mẹ, đặc biệt là những loại thuốc tránh thai có thành phần chính là estrogen.
Uống thuốc lợi sữa
Thuốc lợi sữa có thể ảnh hưởng đến lượng sữa của mẹ trong khoảng 4 tuần đầu. Hãy nhớ rằng, không phải bà mẹ nào cũng có đủ sữa cho con bú trong những ngày đầu tiên. Thay vì sử dụng sản phẩm lợi sữa ngay lúc đầu, mẹ nên cho con bú nhiều hơn để tăng tiết sữa tự nhiên. Trẻ bú càng nhiều, các tuyến sữa sẽ hoạt động nhiều hơn để tăng lượng sữa đáp ứng với nhu cầu của trẻ.
Dùng thuốc kê theo đơn
Khi hệ miễn dịch của bạn yếu trong suốt thời kỳ mang thai, hãy nhớ rằng hệ này cũng không khỏe hơn sau khi bạn sinh em bé. Bạn có thể bị ốm và cúm trong giai đoạn nuôi con nhỏ và nghĩ rằng thuốc kê theo đơn sẽ giúp tăng khả năng đề kháng để bạn khỏi bệnh nhanh chóng. Thực tế, thuốc kê theo đơn như kháng sinh không thể chữa các bệnh do virut gây ra và còn làm giảm lượng sữa mẹ. Do đó, trước khi dùng thuốc, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để biết mình có nên dùng thuốc và dùng loại thuốc nào để không ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ tiết ra.
Cho con bú theo giờ nghiêm ngặt
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng cho trẻ bú theo nhu cầu của chúng là một trong những cách tốt nhất để cải thiện việc cho sữa của mẹ. Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ cho trẻ bú theo giờ nghiêm ngặt và nghĩ rằng đó là cách làm khoa học. Thật không may, áp dụng cách làm này khiến lượng sữa của mẹ không có sự điều tiết phù hợp với nhu cầu bú sữa tăng dần của trẻ và dẫn đến tình trạng thiếu sữa trong những tháng tiếp theo. Để chắc chắn rằng con của bạn không bị thiếu sữa, hãy cho con bú ít nhất từ 10 – 12 lần mỗi ngày trong những tuần đầu tiên. Cho trẻ bú thường xuyên, trực tiếp cũng giúp cải thiện lượng sữa đáng kể.
Cho trẻ sơ sinh dùng núm vú giả
Theo khuyến cáo, các bà mẹ nên cho trẻ bú trực tiếp bằng cách ngậm đầu vú mẹ thay vì dùng núm vú giả. Sử dụng núm vú giả thường xuyên có thể khiến trẻ “lười” bú hơn, trẻ bú ít đi và lượng sữa của mẹ cũng bị giảm theo.
Tránh không cho con bú đêm
Đây là sai lầm của không ít bà mẹ. Việc làm này có thể làm giới hạn lượng sữa được dự trữ trong 2 bầu ngực. Cụ thể, lượng sữa của bạn sẽ bị giảm đi do sữa không được trẻ bú trong một thời gian dài và sữa mới không sản sinh thêm.
Quá căng thẳng
Trầm cảm sau sinh thường xảy ra và làm cho nồng độ cortisol tăng cao. Hoóc-môn này được biết đến giống như một yếu tố làm giảm lượng sữa mẹ và ảnh hưởng đến tâm lý của các bà mẹ đang nuôi con nhỏ.
Không theo dõi sức khỏe
Rất nhiều bà mẹ có các vấn đề sức khỏe sau thời kỳ mang thai như tiểu đường, bệnh về tuyến giáp, tăng huyết áp… Nếu bạn đã phát hiện những bệnh này trong giai đoạn mang thai, bạn khó có thể cải thiện chúng sau khi sinh con, trừ khi có tác động của thuốc chữa bệnh. Để chắc chắn rằng lượng sữa của bạn không bị ảnh hưởng do bệnh tật và sức khỏe nói chung, hãy theo dõi sức khỏe thường xuyên và đi khám bác sĩ nếu thấy trong người không khỏe.
Dùng một số thảo mộc làm giảm sữa
Một số loại thảo mộc có thể làm giảm sữa mẹ mà bạn cần phải tránh sử dụng trong thời kỳ cho con bú như lô hội, tía tô đất, cỏ long ba, tinh dầu bạc hà, rễ cây đại hoàng, rễ cây tất bạt…
Dùng các chất kích thích
Cuối cùng, hãy cân nhắc khi sử dụng các chất kích thích làm giảm lượng sữa mẹ và ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ cho con bú. Top các chất kích thích độc hại và phổ biến cần kể đến là caffeine có trong cà phê, trà, nicotin có trong thuốc lá và cồn có trong bia, rượu. Các chất này chủ yếu làm bà mẹ nuôi con bị mất sữa bằng cách cản trở các ống dẫn sữa khiến sữa bị tắc và giảm.
Nguyễn Mai – Nguồn: THS