Trẻ sơ sinh có nhiều xương hơn bất kỳ người trưởng thành nào. Bé chỉ có thể nhìn trong phạm vi 30-40cm. Đó là 2 trong số rất nhiều điều bất ngờ về sự phát triển của trẻ sơ sinh mà bạn sẽ biết khi đọc bài viết này
1/ Không giống với người lớn, trẻ mới sinh ra không có xương bánh chè mà chỉ có một phần sụn nhỏ, và sẽ bắt đầu phát triển thành xương khi bé được 6 tháng tuổi. Cũng nhờ vậy, bé sẽ ít cảm thấy đau hơn nếu lỡ va đập đầu gối xuống sàn, do lực va đập đã được phần sụn mềm giảm bớt đi rất nhiều.
2/ Trẻ sơ sinh không hề có nước mắt trong 3-6 tuần đầu tiên sau khi chào đời. Thậm chí, cho đến 4-5 tháng tuổi, nhiều bé vẫn không có nước mắt, và điều này không có gì bất thường.
3/ Tuy lớn hơn nhiều so với trẻ sơ sinh, nhưng người lớn lại có ít xương hơn hẳn. Khi chào đời, trẻ sơ sinh có khoảng 300 cái xương, trong khi người lớn chỉ có khoảng 206 cái. Nguyên nhân là do trong quá trình phát triển, xương ở một số chỗ có xu hướng nối lại với nhau.
4/ Bạn có biết, cân nặng của trẻ em có liên quan nhiều đến thời điểm bé chào đời? Theo thống kê, những đứa trẻ sinh tháng 5 thường có cân nặng trung bình lớn hơn những đứa trẻ sinh vào thời điểm khác khoảng 200 gram.
5/ Nếu con bạn sinh ra với một chiếc bớt nhỏ trên cơ thể, đừng vội nghĩ đây là một điều bất thường. 80% trẻ em sinh ra đều có một vết bớt hoặc một đặc điểm nhận dạng nào đó. Phổ biến nhất là vết cò mổ hoặc vết rượu lan.
6/ Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh có khả năng thị giác tương đương với người lớn. Tuy nhiên, bộ não của bé lại chưa có khả năng xử lý thông tin tốt như chúng ta. Đó là nguyên nhân, tầm nhìn của bé chỉ giới hạn trong khoảng 30-40 cm.
7/ Trẻ sơ sinh dễ bị giật mình bởi âm thanh xung quanh. Không hẳn bởi vì cường độ âm thanh, mà phần lớn bởi vì… lạ.
8/ Mất vài tuần để bé có thể phân biệt rõ giọng nói của bố và những người khác. Tuy nhiên, ngay từ khi sinh ra, bé cưng đã có thể nhận biết được giọng nói và mùi của mẹ. Các ông bố có cảm thấy ghen tỵ khi biết điều này không nhỉ?
9/ Vào 6 tháng tuổi, bé cưng có thể đạt trọng lượng gấp đôi trọng lượng lúc mới sinh. Một điều gần như không thể ở bất kỳ độ tuổi nào khác.
10/ Khi 1 tuổi, chân bé có kích thước bằng 1/2 kích thước sau khi trưởng thành, và cân nặng gấp 3 lần so với lúc mới sinh.
(Theo MB)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.