10 điều tối quan trọng mẹ cần nhớ sau khi bé chào đời

10 điều tối quan trọng mẹ cần nhớ sau khi bé chào đời

Các ông bố bà mẹ mới lên chức chắc vẫn còn nhớ những tháng ngày bận tối tăm mặt mũi sau khi con chào đời. Bất cứ vấn đề nào liên quan đến bé đều phức tạp, từ việc cho bé bú sao cho đúng tư thế, làm sao biết được bé đã bú no đến việc vệ sinh, thay bỉm tã cho bé. Chưa kể những lúc bé sổ mũi, húng hắng ho là cả nhà đều rối tung tìm cách giải quyết.

Chăm sóc trẻ sơ sinh thật ra không quá khó khăn như các bố mẹ vẫn nghĩ. Nếu nắm được những nguyên tắc cơ bản sau đây, việc chăm con nhỏ sẽ không chỉ dễ dàng mà còn mang đến niềm vui cho cả gia đình.

1. Luôn nhờ sự giúp đỡ khi cần

Vừa mới sinh cơ thể mẹ còn rất yếu, tâm lý cũng chưa được ổn định, nếu thấy quá căng thẳng và quá sức, cứ nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Mẹ cũng nên xin sự tư vấn của ông bà nội ngoại về cách chăm con, cho con bú, kiêng cữ sau sinh. Tất nhiên cách chăm con thời xưa khác xa chăm con thời hiện đại. Nhưng mẹ có thể chọn lọc những cách chăm con hợp lý và khoa học.

2. Vệ sinh là yếu tố quan tâm hàng đầu

Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn chưa hoàn thiện, chưa thể khỏe mạnh như người trưởng thành. Vì thế luôn nhớ rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào bé, cho bé bú, thay bỉm tã hoặc tắm cho bé. Mẹ cũng không cần kiêng tắm gội quá lâu vì như vậy không đảm bảo vệ sinh.

10 điều tối quan trọng mẹ cần nhớ sau khi bé chào đời

3. Luôn nhớ bé yêu rất mỏng manh

Luôn nhớ rằng trẻ sơ sinh rất mỏng manh. Khi bế, cần đỡ đầu và cổ bé. Tránh rung lắc mạnh. Nếu cho bé nằm vào xe đẩy cần có đai bảo vệ.

4. Tăng tình cảm gắn kết giữa bố mẹ và con

Sự ôm ấp vuốt ve rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Không những giúp xoa dịu, mang lại cảm giác an tâm cho bé, mà còn tăng tình cảm gắn kết với bé. Bố mẹ luôn nhớ đáp ứng ngay mọi nhu cầu của bé, đừng nghĩ làm như vậy sẽ khiến bé hư.

5. Lựa chọn dùng bỉm hay dùng tã

Trẻ sơ sinh đại tiện và tiểu tiện nhiều lần trong ngày. Mẹ nên cân nhắc việc dùng bỉm hay dùng tã vải cho bé. Dùng bỉm có ưu điểm là khá tiện lợi, nhưng lại tốn tiền và bé có thể bị hăm tã hay dị ứng. Trong khi đó, dùng tã vải an toàn, tiết kiệm hơn nhưng lại mất công giặt giũ.

6. Cho bé bú và cho bé ợ hơi

Luôn luôn nhớ nguyên tắc cho bé bú theo nhu cầu của bé và sau mỗi cữ bú cho bé được ợ hơi. Ngoài ra mẹ nên biết về những dấu hiệu chứng tỏ bé đang đói như khóc, đưa tay vào miệng, miệng mút mút hoặc quay đầu tìm ti mẹ.

7. Chăm sóc rốn bé

Từ 1-4 tuần sau sinh, cần đặc biệt chú ý chăm sóc rốn bé, vì lúc này rốn vẫn chưa rụng. Khi tắm cho bé, có thể nhúng cả phần bụng xuống nước, lưu ý không đụng vào phần rốn. Tắm xong, lau khô người cho bé, thay băng rốn. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chống nhiễm trùng, nước muối sinh lý hay bất cứ loại thuốc nào khác bôi vào rốn bé mà chưa có chỉ định của bác sỹ.

8. Đối với bé, ngủ là hoạt động quan trọng nhất

Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều, hầu như cả ngày (khoảng 12-16 giờ). Bé chỉ thức dậy khi đói, bú xong bé sẽ ngủ lại tiếp. Để bé ngủ càng nhiều càng tốt vì khi này các cơ quan, đặc biệt não bộ cần nhiều năng lượng để phát triển.

9. Học cách dỗ bé nín khóc

Bé khóc hoặc cáu kỉnh do nhiều nguyên nhân như đói, buồn ngủ, bỉm bẩn, nóng, lạnh, khó chịu hoặc bị kích động. Khi bé khóc mẹ nên ôm bé vào lòng và thỏa mãn nhu cầu của bé.

10. Luôn bình tĩnh

Bình tĩnh sẽ là chìa khóa giúp mẹ vượt qua mọi khó khăn trong những ngày đầu chăm con nhỏ. Đừng tự mình gây nên những căng thẳng. Bình tĩnh và biến cuộc sống chăm con bận rộn thành niềm vui mỗi ngày.

Việt HàNguồn: MJ

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.