1. Siêu đô thị lớn hơn nhiều quốc gia gộp lại (Trung Quốc)
Jing-Jin-Ji là dự án nối ba thành phố Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc thành một siêu đô thị khổng lồ, đủ cung cấp chỗ ở cho khoảng 130 triệu người và lớn hơn gần một nửa các quốc gia trên thế giới. Với diện tích ước tính 212.000 km2, Jing-Jin-Ji tương đương bang Kansas, Mỹ. Nó cũng bao phủ bề mặt lớn hơn và chứa nhiều người hơn hai nước Áo và Hy Lạp cộng lại. Mỗi thành phố trong dự án Jing-Jin-Ji giữ một vai trò đặc biệt. Bắc Kinh là trung tâm văn hóa và công nghệ. Thiên Tân sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Hà Bắc phát triển những nghành công nghiệp nhỏ hơn. Mạng lưới tàu cao tốc sẽ nối liền mỗi thành phố của siêu đô thị với thời gian đi lại chỉ trong một giờ và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2020.
2. Tàu siêu tốc nối liền San Francisco – Los Angeles (Mỹ)
Tỷ phú Elon Musk từng gây xôn xao với đề án xây dựng tàu siêu tốc mang tên Hyperloop, bao gồm một hệ thống đường ống chân không. Với tốc độ gần bằng vận tốc âm thanh, Hyperloop sẽ giúp bạn đi từ Los Angeles đến San Francisco chỉ trong 35 phút so với thời gian một tiếng nếu đi bằng máy bay. Vào tháng 5/2015, một công ty xây dựng ở California đã được cấp phép xây dựng đường tàu thử nghiệm. Họ vừa thỏa thuận xong với các chủ đất dọc đường cao tốc liên bang 5 để khởi công xây dựng. Việc xây dựng đường tàu thử nghiệm sẽ bắt đầu vào năm 2016 và nếu thành công, Hyperloop có thể sẵn sàng đi vào hoạt động đầu năm 2025.
3. Kênh đào cắt ngang châu lục (Nicaragua)
Dài 77 km, kênh đào Panama hiện đang là một trong những công trình lớn nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, các kiến trúc sư đã khởi công xây dựng một công trình dài hơn gấp ba lần và sâu hơn gấp hai lần kênh đào Panama. Với chi phí 50 tỷ đô la Mỹ do tỷ phú Trung Quốc Wang Jing đầu tư, dự án kênh đào này sẽ mở ra một con đường thủy cắt ngang Nicaragua. Việc xây dựng kênh đào Nicaragua đòi hỏi di chuyển hơn 4,5 tỷ mét khối đất, đủ để chôn vùi đảo Mahattan ở New York, Mỹ. Nó cũng sẽ đảo ngược hoàn toàn hệ sinh thái của quốc gia ở Trung Mỹ khi san phẳng 4 công viên tự nhiên cũng như chạy qua hồ Nicaragua, hồ nước ngọt lớn nhất khu vực. Theo dự kiến, những con tàu có thể chạy qua kênh đào này vào năm 2019. Đường màu xanh trên bản đồ thể hiện kênh đào Nicaragua trong đường màu đỏ là biên giới giữa Nicaragua (trên) và Costa Rica (dưới).
4. Trang trại năng lượng mặt trời khổng lồ (Tunisia)
Hướng đến khai thác 0,3% tổng năng lượng Mặt Trời đổ xuống sa mạc Sahara, công ty Nur Power vừa đưa ra một đề xuất vào cuối năm 2014. Theo đó, lượng điện thu được thông qua trang trại năng lượng mặt trời rộng 100 km2 ở Tunisia đủ để châu Âu dùng cả năm. Dự kiến xây dựng vào năm 2018, công trình bao gồm lắp đặt rải rác hàng ngàn tấm pin mặt trời điều khiển bằng máy tính trên diện tích lớn gấp 3 lần Macau. Những tấm pin này sẽ được sử dụng để làm nóng một tháp trung tâm, tạo ra hơi nước vận hành tuabin phát điện. Điện sẽ chạy qua đường cáp ngầm dài 450 km đến trạm trung chuyển ở Italy và vào châu Âu.
5. Núi nhân tạo cao hơn 2.000 mét (Hà Lan)
Thijs Zonneveld, một phóng viên Hà Lan, đã khởi xướng ý tưởng xây một ngọn núi nhân tạo tại quốc gia chỉ cao 323 mét phía trên mực nước biển. Nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia và tổ chức, công ty kiến trúc Hoffers & Kruger đã bắt tay vào thiết kế ngọn núi cao hơn 2.000 mét và tập hợp một nhóm kỹ sư nhằm đánh giá tính khả thi. Mang tên “Die Berg Komt Er” (“The Mountain Comes”), công trình này sẽ kéo dài trong 30 năm và tiêu tốn từ 60 đến 420 tỷ đô la Mỹ. Sau khi hoàn thành, ngọn núi sẽ bao gồm các bể bơi, rạp chiếu phim, tổ hợp thể thao và có nguồn cung cấp nước riêng.
6. Khách sạn chọc trời ở Mecca (Saudi Arabia)
Trong vài năm qua, Saudi Arabia luôn tập trung xây dựng thành phố cổ đại Mecca thành Las Vegas của Trung Đông, mà tâm điểm của quá trình thay đổi này chính là công trình Abraj Kudai sắp khánh thành. Là một khách sạn 5 sao siêu sang nhìn bao quát toàn bộ thành phố, Abraj Kudai có 45 tầng. Tầng trên cùng gồm một mái vòm kiểu Hồi giáo thuộc hàng lớn nhất thế giới, bao quanh là 4 bãi đáp trực thăng. 5 tầng khác được dành riêng cho mục đích sử dụng của gia đình hoàng tộc Al-Soud. Phần còn lại của tòa nhà chứa 10.000 phòng ngủ và hơn 70 nhà hàng cao cấp. Tầng cuối cùng là khu trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị và phòng khiêu vũ. Với chi phí 2,3 tỷ bảng Anh (đổi USD), Abraj Kudai sẽ trở thành khách sạn lớn nhất thế giới khi hoàn thành vào năm 2017.
7. Thành phố trên không (Trung Quốc)
Công tác chuẩn bị đang được tiến hành để xây dựng một siêu đô thị ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Mang tên Cloud Citizen, công trình bao gồm ba tòa tháp nối liền với nhau trên 2 km2, xấp xỉ diện tích của vương quốc Monaco. Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất về công trình này là Cloud Citizen được thiết kế để hoạt động như một “thành phố trong thành phố.” Bên cạnh khu vực văn phòng và nhà ở, công trình còn có các trang trại, đất trồng cây, trung tâm sản xuất thực phẩm và các phương tiện để thu thập nước mưa. Nó cũng tự sản xuất điện kết hợp các nguồn năng lượng tự nhiên như sức gió, mặt trời và tảo, giúp Cloud Citizen tồn tại độc lập trong lòng Thâm Quyến.
8. Thành phố thông minh (Ấn Độ)
Dholera là một trong những dự án cơ sở hạ tầng mới lớn nhất của chính phủ Ấn Độ và có thể sẵn sàng đi vào hoạt động trong vòng một thập kỷ. Là một phần trong kế hoạch xây dựng Hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai trị giá 90 tỷ đô la Mỹ, Dholera được xây trên đất cải tạo và hướng đến tạo ra môi trường không tắc nghẽn giao thông, không ô nhiễm, không rác thải thông qua vận hành bằng kỹ thuật số. Mỗi gia đình ở đây đều được nối mạng Internet. Nhằm giúp giải quyết tình trạng quá tải dân số của Ấn Độ, Dholera sẽ có kích thước gấp hai lần Mumbai.
9. Quần đảo nhân tạo (Azerbaijan)
Nằm ở trên biển Caspian, ở ngoài khơi thủ đô Baku của Azerbaijan, Khazar Islands là dự án xây dựng một quần đảo nhân tạo bao gồm 55 hòn đảo độc lập với sân bay riêng, câu lạc bộ du thuyền, đường đua Công thức 1 và hàng ngàn chung cư dành cho 800.000 người. Hòn đảo lớn nhất cũng là nơi đặt Tháp Azerbaijan, dự kiến sẽ là tòa nhà cao nhất trên Trái Đất. Công trình có chi phí ước tính 100 tỷ đô la Mỹ vào năm 2013 và xuất phát từ ý tưởng của tỷ phú Ibrahim Ibrahimov trên một chuyến bay. Khazar Islands hiện đang được tiến hành xây dựng và một ngọn núi đã được san bằng để lấy đá làm nền móng cho công trình.
10. Con đường tơ lụa mới (Trung Quốc)
Chính phủ Trung Quốc đang dự kiến khôi phục Con đường tơ lụa nổi tiếng thông qua kế hoạch “One Belt, One Road,” kết hợp một tuyến giao thương trên đất liền với một khu vực thông thương mới trên biển thông qua đường bộ, đường sắt và đường ống. Khi hoàn thành, con đường dài hơn 10.000 km này sẽ mang lại cho Trung Quốc tầm ảnh hưởng kéo dài từ thành phố Tây An đến Moscow (Nga) và Rotterdam (Hà Lan), lớn hơn khoảng cách giữa New York và Buenos Aires. Không chỉ kết hợp ba nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nga trên hành lang kinh tế quan trọng nhất hành tinh, kế hoạch này cũng nối liền Trung Quốc với phần còn lại của châu Á và Đông Phi thông qua các dự án xây dựng cảng ven biển. Đường nét đứt màu xanh đậm thể hiện vành đai kinh tế của con đường tơ lụa mới trong khi đường màu nhạt chỉ tuyến đường trên biển.