1. Tắm hàng ngày
Sự thực là trẻ không bài tiết nhiều mồ hôi qua da nhiều như người lớn, vậy nên các ông bố bà mẹ không nhất thiết phải tắm cho trẻ sơ sinh hàng ngày. Cũng tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe của trẻ mà các mẹ nên linh hoạt trong việc vệ sinh da cho con. Trung bình, một tuần trẻ chỉ cần tắm từ 2 đến 3 lần. Tuy nhiên, việc vệ sinh các vùng kín cần thiết phải làm hàng ngày, bao gồm khu vực cổ, nách và khu vực đeo bỉm.
2. Ngủ trong phòng tối và yên tĩnh
Khác với người lớn, trẻ sơ sinh có thể ngủ trong điều kiện có ánh sáng và tiếng ồn tốt. Vậy nên, các mẹ không cần quá lo lắng khi để trẻ ngủ mà không tắt đèn hay đang bật TV và nói chuyện cùng ai đó.
3. Đặt trẻ ngồi hay đứng trên đùi dẫn đến tình trạng chân vòng kiềng
Đã từng có suy nghĩ rằng, những người chân vòng kiềng là do lúc còn nhỏ hay ngồi hoặc đứng trên đùi bố mẹ. Quan niệm này là hoàn toàn sai lầm bởi nguyên nhân chính khiến chân trẻ bị vòng kiềng là do trẻ bị còi xương (do thiếu vitamin D) và trẻ tập đi quá sớm. Ngoài ra, việc trẻ bị thừa cân làm cho chân chịu áp lực lớn cũng góp phần làm cho trẻ có chân vòng kiềng.
4. Cho trẻ nghe nhạc cổ điển để tăng trí thông minh
Các nghiên cứu khoa học cho biết âm nhạc có thể tác động đến não bộ và thay đổi cảm xúc của con người, nhưng không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng trẻ sơ sinh nghe nhạc cổ điển có chỉ số IQ cao hơn những đứa trẻ khác.
5. Nếu bé làm ướt bỉm vào ban đêm, phải thay bỉm cho bé ngay
Sự thật là nước tiểu vô trùng và tã, bỉm là vật thấm ướt vô cùng hiệu quả. Nếu bạn nhất thiết phải thức giấc giữa đêm để kiểm tra tã bỉm và thay chúng, cách đó chỉ làm con bạn tỉnh giấc giữa đêm và khóc thét lên thôi. Bạn không nên quá lo lắng về việc vệ sinh này. Trừ khi bé nhà bạn tỉnh giấc vì cảm thấy khó chịu với sự ẩm ướt giữa đêm, lúc đó bạn có thể thay tã, bỉm cho bé ngay.
6. Tiêm vắc-xin khi trẻ bị cúm hay sốt rất nguy hiểm
Các mẹ cứ yên tâm khi cho trẻ đi tiêm phòng nếu trẻ chỉ bị ốm, sốt nhẹ. Không có bằng chứng hay khuyến cáo uy tín nào cảnh báo sự nguy hiểm của tiêm phòng đối với trẻ bị cúm hay ốm sốt cả. Đó chỉ là những câu nói truyền miệng của những bà mẹ quá lo lắng đến sức khỏe của con mình. Nếu bạn không yên tâm, bạn có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ trước khi đưa trẻ đi tiêm phòng.
7. Không bôi kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi
Nguy cơ bị ung thư có thể xảy ra với mọi đối tượng, đặc biệt là đối với người có da nhạy cảm và trẻ nhỏ. Thực tế cho thấy, ung thư da hình thành trong quá trình kéo dài từ khi bạn còn nhỏ đến tận lúc về già. Trẻ nhỏ, do đó cũng cần có biện pháp để bảo vệ da. Kem chống nắng vẫn được coi là cách bảo vệ da đơn giản và hiệu quả nhất hiện nay. Đối với đối tượng là trẻ sơ sinh, bao gồm cả trẻ dưới 6 tháng tuổi, kem chống nắng SPF 15 là hoàn toàn an toàn để sử dụng. Tuy nhiên Viện nghiên cứu sức khỏe nhi khoa Mỹ khuyến cáo chỉ nên bôi một lượng nhỏ kem chống nắng lên da trẻ sơ sinh và bôi ở những vùng nhỏ nhất định như mặt và mu bàn tay.
8. Không nên rửa bình sữa và núm bình sữa trong tháng đầu tiên của trẻ sơ sinh
Quan niệm này là sai lầm bởi vi khuẩn sẽ sinh sôi và bám ở núm bình sữa nơi miệng của bé ngậm để bú. Qua hàng ngày, hàng giờ, lượng vi khuẩn đó phát triển và lây lan đến miệng và đường ruột của trẻ, dẫn đến các trường hợp viêm nhiễm miệng, lưỡi và đi ngoài ở trẻ.
Để đảm bảo vệ sinh ăn uống cho trẻ sơ sinh, các mẹ cần vệ sinh bình sữa hàng ngày, vệ sinh các dụng cụ ăn khác của trẻ (thìa, bát, khăn lau), miệng trẻ, và cả núm vú của mình trước và sau khi cho trẻ bú.
9. Không cần bắt trẻ theo một chế độ ăn khắt khe
Quan niệm khi nào con đói mẹ mới nên cho bú là không khoa học. Tốt nhất bạn nên rèn cho trẻ có một chế độ ăn và giờ ăn nhất định. Điều đó giúp trẻ đảm bảo được chế độ dinh dưỡng và theo dõi sự phát triển thể chất hàng ngày của trẻ tốt hơn.
10. Trẻ cần đi giày đế cứng để bảo vệ chân
Có thể các bà mẹ đã làm quan trọng vấn đề lên khi lúc nào cũng cho con đi giày đế dày và cứng để bảo vệ đôi chân nhỏ của con mình. Thực tế cho thấy, những chiếc giày chỉ làm trẻ khó chịu và thậm chí là làm trẻ dễ vấp ngã. Nếu trẻ ở trong nhà, mẹ có thể cho con đi chân trần trên nền nhà sạch và khô ráo để chân trẻ bám chắc vào nền nhà.
Nguyễn Mai – Nguồn: Parents
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.