10 vũ khí và chiến thuật đáng sợ trong chiến tranh cổ đại

0
154
10 vũ khí và chiến thuật đáng sợ trong chiến tranh cổ đại

Tâm lý chiến, vũ khí hóa học hay còi tử thần, là những vũ khí và chiến thuật đáng sợ từng được áp dụng trong chiến tranh cổ đại.

Những vũ khí và chiến thuật đáng sợ trong chiến tranh thời cổ đại

Còi tử thần của người Aztec

10 vũ khí và chiến thuật đáng sợ trong chiến tranh cổ đại

Cách đây vài thập kỷ, các nhà khảo cổ học tìm thấy những đồ tùy táng có hình đầu người trông rất kỳ dị trong một ngôi đền của người Aztec ở Mexico. Cho rằng chúng chỉ là đồ chơi hay vật trang trí, họ lên danh sách và cất giữ chúng trong nhà kho. Tuy nhiên, vài năm sau, họ mới phát hiện chúng chính là những chiếc còi tử thần phát ra âm thanh chói tai giống như tiếng thét. Người Aztec cổ đại dùng chúng trong tế lễ hay chiến đấu nhằm uy hiếp quân thù.

Trong các trận chiến, âm thanh đáng sợ của hàng trăm chiếc còi tử thần hợp lại có tác động tâm lý rất lớn, khiến kẻ thù mất phương hướng và nhụt chí. Nó giống như “tiếng người rú lên vì đau đớn, tiếng gió rít hay tiếng gào thét của hàng nghìn thây ma”.

Kỵ binh giáp sắt

10 vũ khí và chiến thuật đáng sợ trong chiến tranh cổ đại

Vào thế kỷ 7-8 trước Công nguyên, chiến xa dần được thay thế bởi các đơn vị kỵ binh ở vùng Cận Đông. Một số đơn vị được trang bị nhẹ và giao nhiệm vụ quấy rối kẻ thù hoặc truy kích quân địch đang trên đường hành quân. Một số khác được trang bị nặng, có nhiệm vụ tập kích nhằm phá vỡ đội hình địch.

Đơn vị kỵ binh được trang bị nặng nhất thời cổ đại là kỵ binh cataphract. Từ “cataphract” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “bọc giáp toàn bộ” hay “kín mọi phía”. Tuy nhiên, cataphract không phải là sản phẩm của người Hy Lạp. Nó được dùng để chỉ quân đội của Đế chế Seleucid vào khoảng thế kỷ 4 trước Công nguyên, sau khi họ mở nhiều chiến dịch quân sự chống lại các nước láng giềng ở phía đông.

Thông thường kỵ binh cataphract được điều động khi cần tấn công ồ ạt vào chiến tuyến kẻ thù. Nhờ bộ giáp nặng mà kỵ binh cataphract có thể giáng cho địch một đòn mạnh mẽ. Nói về sức mạnh của kỵ binh cataphract, sử gia Tacitus viết rằng “khi họ tấn công kẻ thù từ trên lưng ngựa, hầu như chẳng có một chiến tuyến nào có thể cản được họ”.

Sức mạnh vô địch của kỵ binh cataphract cũng có thể có tác động tâm lý lên kẻ thù, sử gia Cassius Dio nói. Miêu tả thất bại của Crassus tại trận chiến Carrhae, Dio viết rằng “nhiều kẻ chết vì khiếp đảm ngay từ đợt tấn công đầu tiên của các kỵ sĩ cầm giáo này”. Tiếng tăm của kỵ binh cataphract càng trở nên lừng lẫy hơn khi Heliodorus và Plutarch tuyên bố rằng họ mạnh đến mức có thể một phát đâm chết hai người.

Chất độc

10 vũ khí và chiến thuật đáng sợ trong chiến tranh cổ đại

Từ lâu con người đã sử dụng chất độc làm vũ khí. Thời cổ đại, người ta tẩm thuốc độc lên vũ khí săn bắn để nhanh chóng giết chết kẻ thù hay con mồi. Khi đã hiểu rõ những điểm mạnh của chất độc, người ta chế tạo ra nhiều công cụ và vũ khí chuyên dùng với chúng. Các nhà nghiên cứu cho rằng các công cụ giết người tinh vi và bí ẩn hơn có lẽ chỉ dành riêng cho những thành viên có địa vị cao trong bộ tộc, khiến cho người ngoài dễ lầm tưởng rằng cái chết của họ do một thế lực thần bí nào đó gây ra.

Những cái chết bất thình lình này thường bí ẩn và khó hiểu đến mức ở một số nền văn hóa, người ta gán các chất độc này với tà ma, quỷ thần và các sinh vật đến từ thế giới bên kia.

Vũ khí tẩm độc xuất hiện đầu tiên trong thần thoại Hy Lạp cổ đại xoay quanh chuyện Hercules tẩm độc mũi tên bằng nọc độc của quái vật Hydra. Sử thi của Homer cũng nhắc đến việc sử dụng vũ khí tẩm độc trong trận chiến thành Trojan.

Người xưa sử dụng vô vàn cách khác nhau để tiêu diệt kẻ thù bằng chất độc. Ví dụ, người Hindu tẩm độc vào thức ăn của kẻ thù, người Trung Quốc đốt cây có chứa độc tố để tạo ra thứ gọi là “sương mù săn đuổi linh hồn”, hay người Hy Lạp thả hoa lê lư có chứa độc tố xuống các cầu dẫn nước quan trọng để đầu độc nguồn nước. Ngay cả Leonardo de Vinci cũng nhắc đến câu chuyện về một con tàu lớn chứa đầy hỗn hợp gồm lưu huỳnh, thạch tín và gỉ đồng để tấn công tàu địch. Khi hít phải hơi từ hỗn hợp này bốc lên, các thủy thủ sẽ bị ngạt thở ngay tức khắc.

Chiến xa

10 vũ khí và chiến thuật đáng sợ trong chiến tranh cổ đại

Chiến xa là thứ vũ khí ưu việt trong giai đoạn Tân Vương Quốc của Ai Cập cổ (thế kỷ 16-11 trước Công nguyên). Trên thực tế, nó được coi là một siêu vũ khí của thế giới cổ đại. Lịch sử của chiến xa bắt đầu từ trước khi nó xuất hiện tại Ai Cập cổ đại hơn một thiên niên kỷ.

Vào năm 1927-1928, khi đang khai quật khu vực Nghĩa trang Hoàng gia Ur thuộc Iraq ngày nay, nhà khảo cổ học người Anh Leonard Woolley đã tìm thấy một cổ vật được gọi là Cờ hiệu Hoàng gia Ur (có niên đại vào thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên). Một mặt của cổ vật này khắc họa cỗ máy chiến tranh vùng Lưỡng Hà có hình thù giống như một chiếc xe kéo bốn bánh được kéo bởi bốn con lừa. Người họa sĩ còn giải thích cách vận hành thứ vũ khí này bằng các hình vẽ mô tả trạng thái chuyển động khác nhau của nó. Những con lừa này đầu tiên là đi, sau đó là chạy nước kiệu và cuối cùng là phi nước đại. Để người xem hiểu rằng đây là một vũ khí chiến đấu, người họa sĩ còn thêm vào bức vẽ hình ảnh một hoặc hai kẻ địch bị chiến xa đè nát.

Người Ai Cập cổ đại sử dụng chiến xa chủ yếu để bảo vệ bộ binh. Vì địa hình của Ai Cập và Canaan không thích hợp để triển khai chiến xa hạng nặng, người Ai Cập dùng chiến xa như những bệ bắn di động thay vì dùng chúng để tấn công trực diện quân thù. Các chiến binh trên chiến xa được trang bị cung, tên và giáo ngắn. Không chỉ sử dụng chiến xa để bắn tên như mưa vào quân địch, người Ai Cập còn dùng cỗ máy chiến tranh này để truy đuổi quân thù đang tháo chạy.

Lửa Hy Lạp

10 vũ khí và chiến thuật đáng sợ trong chiến tranh cổ đại

“Lửa Hy Lạp” hay “Lửa Biển”, là thứ vũ khí xuất hiện đầu tiên tại Đế chế Byzantine vào thế kỷ 7. Theo sử gia Theophanes, nó được phát minh vào thế kỷ 6 bởi kiến trúc sư người Hy Lạp Kallinikos, từng là cư dân thành phố Heliopolis trước khi chuyển đến Baalbeck sinh sống. Điều này hiện vẫn còn gây tranh cãi. Một số sử gia khác cho rằng nó được phát minh ở Constantinople bởi một nhóm các nhà hóa học theo trường phái Alexandria.

Thứ vũ khí này là một loại chất lỏng. Người ta đổ nó vào những cái bình rồi dùng máy bắn đá ném vào tàu địch hoặc dùng vòi để phun. Nó tự bốc cháy. Điều đáng chú ý là lửa vẫn cháy khi ở trong nước và việc đổ nước vào đám cháy chỉ làm cho nó càng lan rộng ra mà thôi. Vì thế, rất khó kiểm soát được lửa. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây thiệt hại và thương vong lớn cho các chiến thuyền của Byzantine.

Loại vũ khí này góp phần quan trọng đem lại thắng lợi cho thành Constantinople trước quân đội Arab và nhiều đội quân xâm lược khác sau đó.

Vũ khí sinh học

10 vũ khí và chiến thuật đáng sợ trong chiến tranh cổ đại

Lịch sử ghi nhận những tác động ghê gớm mà dịch bệnh, ô nhiễm và chất độc có thể gây ra đối với con người. Ngay từ thời tiền sử, con người đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và kiến thức từ những bài học đắt giá đó và vận dụng chúng một cách triệt để vào việc chế tạo ra các loại vũ khí sinh học và không ngừng sử dụng chúng trong cuộc chiến chống lại kẻ thù.

Thời cổ đại, người ta chưa hiểu hết về sự lây lan của dịch bệnh, nhưng họ tin rằng xác người hoặc động vật thối rữa là nguồn bệnh. Từ năm 400 trước Công nguyên, các cung thủ người Scythia đã biết nhúng tên vào xác thối và máu dính phân. Những cung thủ người Anh thường cắm đầu mũi tên xuống đất ngay phía trước mặt mình. Làm như vậy, không những họ có thể rút mũi tên và bắn được nhanh, mà đầu mũi tên sẽ bị bẩn và dễ gây nhiễm trùng cho kẻ trúng tên. Từ năm 300 trước Công nguyên, các chiến binh Hy Lạp, La Mã và Ba Tư đã làm ô nhiễm các giếng nước bằng phân và xác động vật.

Vào thế kỷ 14, Cái chết Đen, một đại dịch được cho là sự bùng phát bệnh dịch hạch lan tràn khắp châu Âu, vùng Cận Đông và Bắc Phi, gây ra thảm họa y tế lớn nhất trong lịch sử nhân loại và cướp đi sinh mạng của 75-200 triệu người. Thật đau đớn khi biết được rằng đại dịch này một phần do chính con người gây ra trong chiến tranh. Xác chết được ném qua bức tường của thành phố đang bị vây hãm nhằm uy hiếp, tạo nên mùi hôi thối không thể chịu được (bản thân thứ mùi này cũng chứa mầm bệnh) và gây bệnh truyền nhiễm cho quân thù.

Chiến thuật ruồi bu của người Scythia

10 vũ khí và chiến thuật đáng sợ trong chiến tranh cổ đại

Người Scythia nổi tiếng với chiến thuật ruồi bu, được thực hiện trước khi tiến hành bất kỳ một chiến thuật nào khác như đánh nghi binh hay phòng thủ.

Khi thực hiện chiến thuật này, nhiều đơn vị sẽ bao vây và tấn công mục tiêu cùng một lúc. Tuy nhiên, các đơn vị sẽ di chuyển cùng mục tiêu nhằm tiêu hao từng phần sinh lực địch và phá vỡ đội hình quân địch ngay từ bên trong. Việc di chuyển chậm chạm cùng với việc liên tục bị bắn tỉa từ xa khiến quân địch khiếp đảm và nhụt chí. Đội quân La Mã phải nếm trải điều này khi họ chỉ có thể di chuyển và chiến đấu trong vòng vây của đối phương chỉ cách đó một mét. Người Scythia đã tận dụng khoảng cách này tại trận chiến Carrhae năm 53 trước Công nguyên.

“Họ (quân La Mã) co cụm lại trong một không gian chật hẹp, bị vướng vào nhau và bị bắn hạ bằng tên”, sử gia người Hy Lạp Plutarch viết.

Hàng rào tên dày đặc khiến quân địch dần dần mất phương hướng, vì thế mà giúp các cung thủ trên mình ngựa có thể tập trung tuyệt đối tiêu diệt quân địch. Có thể nói rằng, chiến thuật mở màn trận đánh này nghĩa là bắn tên như mưa vào quân địch, giữ chặt mục tiêu nhằm làm tiêu hao sinh lực địch, cho phép các cung thủ trên lưng ngựa bắn hú họa rồi nhắm bắn chính xác mục tiêu.

Vũ khí hóa học

10 vũ khí và chiến thuật đáng sợ trong chiến tranh cổ đại

Những bằng chứng khảo cổ đầu tiên của việc sử dụng vũ khí hóa học được tìm thấy ở khu vực Dura-Europos, bên bờ sông Euphrates, Syria. Dura-Europos là thành phố La Mã rơi vào tay người Sassania vào khoảng giữa thế kỷ 3.
Mặc dù không có ghi chép nào về cuộc vây hãm cuối cùng, nhưng các nhà khảo cổ Pháp và Mỹ đã tìm ra manh mối về những gì diễn ra. Nhiều cuộc khai quật thành phố Dura-Europos được tiến hành vào những năm 1920 và 1930. Các nhà khảo cổ tìm thấy một hầm mỏ của người Ba Tư và một hầm mỏ khác của người La Mã. Ngoài ra, họ còn tìm thấy xác của ít nhất 19 lính La Mã và một lính Sassania chất đống trong đường hầm.

Năm 2009, sau khi nghiên cứu các chứng cứ thu thập được, người ta hiểu được những gì đã diễn ra trong cuộc vây hãm. Người Sassania đã sử dụng khí độc để tiêu diệt quân cảnh vệ La Mã. Họ ném lưu huỳnh và nhựa đường vào lửa, tạo thành một loại khí gây ngạt. Khi lính cảnh vệ La Mã hít vào, chất khí này sẽ trở thành axit sunfuric. Chỉ vài phút sau đó, quân La Mã trong đường hầm đều chết hết. Điều này xảy ra khi quân La Mã đột nhập vào hầm mỏ của người Sassania nằm ngay phía dưới hầm mỏ của họ. Người lính Sassania duy nhất bị chết có thể là nạn nhân của chính vũ khí mà anh ta sử dụng và cũng chết vì ngạt khí độc. Sau khi đường hầm đã thông, người Sassania chất xác lính thành một đống ở miệng hầm của người La Mã như bức tường bảo vệ và tiến vào tiêu diệt hầm này.

Tâm lý chiến

10 vũ khí và chiến thuật đáng sợ trong chiến tranh cổ đại

Trận Pelusium là trận chiến quan trọng mang tính lịch sử diễn ra vào thế kỷ 6 trước Công nguyên. Trong trận chiến này, người Ba Tư đánh bại người Ai Cập và trở thành chủ nhân mới của vùng đất này. Trận chiến là một trong những ví dụ đầu tiên của việc sử dụng chiến tranh tâm lý. Biết việc người Ai Cập tôn thờ mèo và coi đó là biểu tượng của nữ thần Bastet, vua Ba Tư Cambyses II hạ lệnh cho binh sĩ vẽ hình thần mèo lên khiên. Người ta kể lại rằng trong suốt trận đấu, quân đội Ba Tư luôn đi sau một bầy mèo rất đông. Người Ai Cập không dám làm hại con vật linh thiêng này nên buộc phải dâng thành cho người Ba Tư.

Vũ khí tia nhiệt của Archimedes

10 vũ khí và chiến thuật đáng sợ trong chiến tranh cổ đại

Người ta nói rằng nhà toán học, kỹ sư, nhà phát minh và nhà thiên văn học người Hy Lạp Archimedes (287-212 trước Công nguyên) đã sáng chế ra loại vũ khí tia nhiệt, còn gọi là “tia chết” để tiêu diệt những tàu chiến tấn công Syracuse, thành phố nổi tiếng trong lịch sử Sicily. Theo tác giả Lucian vào thế kỷ hai và nhiều thế kỷ sau đó, thứ vũ khí này tập trung ánh sáng phản chiếu từ các khiên đồng đánh bóng vào tàu đối phương khiến chúng bốc cháy.
Mặc dù các nhà sử học vẫn đang tranh cãi về vũ khí này, nhưng các thí nghiệm đã chứng minh được sự tồn tại của nó là có thể. Năm 1973, nhà khoa học người Hy Lạp Ioannis Sakkas cho dựng 70 tấm gương phủ đồng chiếu vào một mô hình tàu chiến La Mã làm bằng gỗ dán ở cách đó 50 m. Khi ánh sáng phản chiếu từ các tấm gương hội tụ vào con tàu, nó bốc cháy.

Năm 2005, một nhóm sinh viên từ Viện Công nghệ Massachusettes, Mỹ cũng mô phỏng thành công vũ khí cổ đại này. Họ sử dụng những mảnh gương hình vuông đốt cháy một con thuyền ở cảng San Francisco.

 

Theo VnExpress