Mùng 8/3 từ lâu đã được biết đến là ngày Quốc tế Phụ nữ. Tuy vậy, nguồn gốc của ngày lễ này hay những điều độc đáo xung quanh nó thì không phải ai cũng nằm lòng.
Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu tháng 3 thì mọi người lại nhộn nhịp, háo hức chờ cái ngày lễ mùng 8/3. Chị em thì tíu tít xem năm nay sẽ được tặng quà gì, người yêu người đương ra sao, các chàng trai thì cũng bận rộn lo tìm món đồ ưng ý cho bạn gái, em gái rồi cả mẹ…
Nói chung là, cứ như ngày lễ Quốc dân vậy.
Nhưng mà, mùng 8/3 đâu chỉ có hoa với quà hay những lời yêu thương ngọt ngào? Còn 1001 điều khác về ngày mùng 8/3 mà chắc chắn bạn chưa nghe tới bao giờ đâu.
1. Ngày lễ để “tăng lương, giảm giờ làm”
Nhiều người nghĩ rằng mùng 8/3 chắc xuất phát từ câu chuyện nhằm tôn vinh người phụ nữ nào đó. Tuy nhiên, nó lại có khởi điểm là một cuộc tuần hành biểu tình. Ngày 8/3/1908, 15,000 phụ nữ đã xuống đường tại thành phố New York và đòi tăng lương, giảm giờ làm cũng như có quyền bầu cử.
Tuy nhiên, phải mãi cho tới năm 1911, ngày Quốc tế phụ nữ đầu tiên mới được kỷ niệm và chỉ tại 4 quốc gia: Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sỹ. Liên Hiệp Quốc cũng không công nhận đó là ngày lễ quốc tế mãi cho tới năm 1975.
2. Mỗi năm một chủ đề
Ngày 8/3 mỗi năm đều có một chủ đề riêng, được khởi xướng bởi Liên Hiệp Quốc từ năm 1996. Các chủ đề của ngày 8/3 thường liên quan tới các vấn đề của phụ nữ trên toàn thế giới: phụ nữ lãnh đạo, xóa đói giảm nghèo, quyền bình đẳng cho phụ nữ…
Năm 2017, chủ đề của ngày mùng 8/3 là “Women in the Changing World of Work: Planet 50-50 by 2030” (tạm dịch: phụ nữ trong thời đại thay đổi công việc: Hành tinh 50-50 trước năm 2030).
3. Không phải ngày lễ của tất cả quốc gia
Điều ngạc nhiên là mùng 8/3 không phải ngày lễ được ăn mừng trên khắp hành tinh. Nó là ngày lễ chính thức tại 28 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy ở một số nước, nó cũng chỉ là ngày lễ chính thức cho nữ giới chứ không phải toàn dân (Trung Quốc, Nepal…).
Màu đỏ là các nước coi 8/3 là ngày lễ chính thức, màu nâu là các quốc gia với mùng 8/3 là ngày lễ dành cho phụ nữ còn màu vàng là các quốc gia không coi mùng 8/3 là ngày lễ chính thức.
4. Hoa Mimosa vàng là biểu tượng 8/3 tại nhiều nước
Tại Ý, để kỷ niệm ngày này, nam giới thường tặng hoa mimosa vàng cho phụ nữ. Teresa Mattei, một nữ chính trị gia người Mỹ đã chọn hoa mimosa vàng là biểu tượng cho ngày quốc tế phụ nữ vì bà cho rằng, hoa violet hay hoa ly khá hiếm và đắt đỏ để có thể mua tại Italy.
Ngoài ra, tại Nga và Albania, nhiều người cũng dùng hoa mimosa vàng làm quà tặng mùng 8/3.
5. Ngoài ngày quốc tế 8/3, còn có tháng và năm tri ân phụ nữ
Năm 2011, Tổng thống Barack Obama đã ra tuyên bố toàn bộ tháng ba sẽ là “tháng lịch sử của phụ nữ” tại Mỹ.
Còn năm 1975 được coi là năm quốc tế phụ nữ do Liên Hiệp Quốc công nhận. Đây cũng là năm Liên Hiệp Quốc công nhận 8/3 là ngày quốc tế phụ nữ.
6. Quốc tế phụ nữ – ngày lễ của những vòng eo
Nhiều người tại Đài Loan thường đùa rằng ngày 8/3 là ngày của những vòng eo khi đúng vào ngày này mỗi năm, chính phủ sẽ đưa ra bản khảo sát về kích cỡ vòng eo phụ nữ, đi kèm với những lời cảnh báo về việc tăng cân có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
7. Không phải mùng 8/3 nào cũng là ngày vui
Đây là một sự thật đáng buồn khi tại nhiều quốc gia, ngày mùng 8/3 cũng là thời điểm diễn ra nhiều cuộc đàn áp, tấn công phụ nữ. Tại Ai Cập, vào năm 2011, hàng trăm người đàn ông đã xuống quảng trường Tahrir tại thủ đô Cairo để đàn áp phụ nữ biểu tình.
“Nhiều người phụ nữ đã tuần hành xuống quảng trường trung tâm Cairo, Ai Cập trong ngày mùng 8/3. Tuy nhiên, đám đông nam giới đã xuất hiện, áp đảo và đánh đập họ”, một phóng viên AP từng viết.
8. Clara Zetkin
Nếu bạn từng biết ơn vì có một ngày dành cho phụ nữ, hãy gửi lời biết ơn tới người phụ nữ tên Clara Zetkin. Bà Clara sinh năm 1857 tại Đức. Năm 1910, trong một cuộc họp tại Copenhagen, Đan Mạch bà là người đã đề xuất ý tưởng về một ngày lễ dành cho phụ nữ và năm 1911, bà Clara Zetkin đã tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên.
9. Quốc tế phụ nữ không phải lúc nào cũng là mùng 8/3
Trước khi mùng 8/3 chính thức trở thành ngày Quốc tế phụ nữ, nó từng rơi vào ngày 28/2/1909 tại Mỹ và năm 1911, nó lại được kỷ niệm vào ngày 19/3 tại 4 nước đầu tiên là Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sỹ.
Phải sau năm 1913, ngày quốc tế phụ nữ mới chính thức được chuyển về ngày 8/3, dù tại một vài nước, họ vẫn tổ chức vào những ngày khác.
10. Được Google hưởng ứng
Trong những năm qua, vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Google thường thay đổi logo trên trang tìm kiếm của mình thành những nội dung thú vị, mang đến nhiều thông tin bổ ích về ngày này.