12 năm nữa con người sẽ giỏi hơn chứ không phải máy móc

Trái ngược hẳn với những người lo sợ nhân loại bị nô dịch, Ray Kurzweil, Giám đốc Kỹ thuật của Google, cho rằng 12 năm nữa, con người sẽ giỏi hơn nhờ máy móc nâng đỡ.

Ray Kurzweil, Giám đốc Kỹ thuật của Google, là nhà tương lai học nổi tiếng. Trong số 147 dự đoán của ông kể từ những năm 90, tỉ lệ chính xác là 86%.

Đầu tuần này, tại Hội nghị SXSW ở Austin, Texas, Mỹ, Kurzweil đã đưa ra một dự đoán khác: Technological singularity sẽ xảy ra trong 12 năm tới. (Technological singularity hay còn được gọi là “singularity” – điểm kỳ dị công nghệ, là giả thuyết cho rằng việc phát minh ra trí thông minh nhân tạo sẽ kích hoạt sự phát triển công nghệ, tiến tới lúc trí thông minh nhân tạo sẽ vượt qua trí tuệ và khả năng khống chế của con người dẫn đến những thay đổi khó lường đối với nền văn minh nhân loại).

Kurzweil tuyên bố: “Đến năm 2029, máy tính sẽ có trí thông minh ở cấp độ người”. Dự đoán về thời điểm xuất hiện điểm kỳ dị công nghệ của Kurzweil sớm hơn hai thập kỷ so với các dự đoán khác, đặc biệt là của Masayoshi Son, Giám đốc điều hành Softbank, người tiên đoán rằng bình minh của các máy siêu thông minh sẽ xảy ra vào năm 2047.


Dự đoán của Ray Kurzweil về singularity (điểm kỳ dị công nghệ) sớm hơn khoảng 2 thập niên so với nhiều dự đoán khác – (Ảnh: moneyinc).

Đối với Kurzweil, tiến trình đi đến điểm dị thường này đã bắt đầu, và ông cảnh báo “nó sẽ tăng tốc”.

Thật ra, chúng ta đều biết rằng singularity sẽ xảy ra, nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu nhân loại có phải sợ singularity? Thường mọi người cho rằng, khi máy móc trở nên thông minh hơn con người, chúng có xu hướng chiếm cứ thế giới. Nhiều chuyên gia về khoa học và công nghệ bao gồm cả Stephen Hawking, Elon Musk, và Bill Gates đều lên tiếng cảnh báo về tương lai này.

Tuy nhiên, Kurzweil không nghĩ như vậy. Ông cho rằng quan điểm khi kỳ dị công nghệ xuất hiện, trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ nô dịch nhân loại chỉ là hư cấu. “Điều đó không thực tế”, ông nói.

Trên thực tế, Ray Kurzweil chẳng mấy lo lắng về singularity, thậm chí ông dường như đang trông đợi điều đó đến. Đối với Kurzweil, singularity là cơ hội để nhân loại tiến bộ. AI thông minh hơn sẽ làm loài người thông minh lên theo.


Ray Kurzweil tỏ ra lạc quan và mong chờ singularity thay vì lo sợ nó như nhiều nhà khoa học khác – (Ảnh: Sciencealert).

“Chúng ta không có một hoặc hai AI trên thế giới mà là hàng tỉ. Điều thực sự xảy ra là chúng (máy móc) đang cung cấp năng lượng cho tất cả chúng ta. Chúng khiến chúng ta thông minh hơn. Chúng có thể chưa ở trong cơ thể chúng ta, nhưng vào những năm 2030, chúng sẽ kết nối với vỏ não mới (neocortex) của chúng ta, một bộ phận của bộ não nơi chúng ta đưa các suy nghĩ lên dữ liệu đám mây”, ông chia sẻ.

Ý tưởng kết nối máy và người này tương tự như ren dây thần kinh gây tranh cãi của Musk và khái niệm “siêu thông minh” của Peter Diamandis, chủ tịch Quỹ XPRIZE Foundation.

Kurzweil giải thích về cách thức công nghệ có thể cải thiện cuộc sống con người khi đến điểm singularity: “Chúng ta sẽ có thêm vỏ não mới, chúng ta sẽ vui vẻ hơn, chúng ta sẽ trở nên giỏi hơn trong âm nhạc. Chúng ta sẽ trở nên quyến rũ hơn. Chúng ta sẽ nâng và thể hiện tất cả những gì chúng ta đánh giá cao ở con người lên mức độ cao hơn”.

Kurzweil dự đoán trong những năm 2030, một số công nghệ có thể đi vào trong não và giúp tăng khả năng của bộ nhớ người. Vì vậy, Kurzweil nghĩ rằng đó sẽ là một tương lai của sự kết hợp có lợi giữa con người-máy móc.

Kurzweil nói: “Cuối cùng, nó (singularity) sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ. Chúng ta sẽ có thể đáp ứng nhu cầu vật chất cho tất cả con người. Chúng ta sẽ mở rộng tâm trí của mình và thể hiện được tất cả những phẩm chất nghệ thuật mà chúng ta đánh giá cao”.

 

Theo VnExpress