Nhà máy xử lý rác thải có công suất 2.000 tấn/ngày – đêm với số tiền đầu tư 140 triệu USD, được khởi công hôm 18/9, tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Hà Nội.
Đây là dự án tiên phong, quy mô lớn trong lĩnh vực xử lý môi trường của thành phố Hà Nội và của cả nước. Nhà máy được xây dựng trên diện tích khoảng 155 ha. Nhà máy sử dụng hệ thống công nghệ tích hợp, bao gồm: Hệ thống phân loại, hệ thống ép – đóng gói, hệ thống compost và hệ thống xử lý nước rác, vật liệu có thể tái chế sử dụng cho việc san lấp, kè bờ.
Một người nhặt rác làm việc tại bãi rác Nam Sơn, Hà Nội, lúc sáng sớm.
(Ảnh: Minh Trí).
Dự kiến, cuối năm 2011, nhà máy sẽ đi vào vận hành và sau 25 năm kể từ thời điểm vận hành, công ty sẽ chuyển giao nhà máy cho thành phố quản lý.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo hy vọng, khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực, đồng thời kéo dài thời gian hoạt động của Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội.
Hiện nay tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Hà Nội ước khoảng 5.000 tấn/ngày-đêm, trong đó có khoảng 3.500 tấn là chất thải sinh hoạt đô thị và số còn lại là chất thải sinh hoạt nông thôn. Tuy nhiên, có tới 85-90% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Theo dự tính, nếu cứ tiếp nhận lượng rác thải nhiều như hiện nay, đến năm 2015, Hà Nội sẽ không còn chỗ chôn rác.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng năm 2009, hiện tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh trên toàn quốc ước tính khoảng 21.500 tấn/ngày. Dự báo của Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT cho biết, đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các đô thị ước tính khoảng 37 nghìn tấn/ngày và năm 2020 là 59 nghìn tấn/ngày cao gấp 2 – 3 lần hiện nay.
Theo Vnexpress