Thịt lợn đen
Lợn đen được bà con người dân tộc tại các xã trên địa bàn huyện Na Hang, chăn thả tự nhiên, không sử dụng tăng trọng, lợn có trọng lượng từ 40 – 55kg .
Lạp xưởng Suối Khoáng
Lạp xưởng thực chất là thịt lợn đen nhồi vào lòng của thịt lợn đen rồi phơi ra nắng và treo lên gác bếp. Nhờ đó lạp xường có thể bảo quản được quanh năm. Đây là phương thức độc đáo của lạp xưởng độc đáo của đồng bào dân tộc vùng cao giúp có thực phẩm dự trữ lâu dài trong nhà đồng thời tạo ra một món đặc sản ngon với hương vị rất đặc biệt.
Ngô nếp Soi Lâm
Ngô nếp Soi Lâm bắp nhỏ, bẹ mỏng, lõi nhỏ đặc, ngô luộc lên hạt trong và bóng, ăn rất dẻo mang vị ngọt thanh không khác gì thứ ngô nếp nương của đồng bào vùng cao. Ngô nếp Soi Lâm là ngô nếp ta, ngô giống do bà con tự bảo quản. Tương truyền rằng, ngô nếp được trồng ở Soi Lâm từng được chọn làm quà tiến vua. Bây giờ ngô nếp Soi Lâm vẫn nức lòng thực khách.
Bánh nếp nhân trứng kiến
Đến với những ngôi nhà sàn người Tày thuộc Tuyên Quang để thưởng thức những món ngon dân dã và độc đáo trong đó có món bánh nếp nhân trứng kiến.Người ăn nếm từng miếng nhỏ để cảm nhận mùi vị thơm ngon của nếp, vị ngậy béo của nhân trứng kiến quyện lẫn hành và thì là. Tuy nhiên cũng có người vì nhạy cảm, thì có thể bị dị ứng khi ăn món bánh này giống như người bị dị ứng khi uống rượu ong.
Bánh cuốn
Nếu như ở Cao Bằng có bánh cuốn thịt vịt, ở Hà Nội có bánh cuốn Thanh Trì và bánh cuốn trứng cà cuống phố cổ, ở TP Hồ Chí Minh có bánh cuốn “Hạt gạo làng ta”… thì ở Tuyên Quang lại có món bánh cuốn chả viên rất riêng biệt.
Chả được làm từ thịt lợn địa phương, giống lợn thơm ngon và chắc thịt, sau khi băm nhỏ thịt sẽ được trộn với nấm hương và mộc nhĩ vùng cao, tiếp đến được nắm thành viên nhỏ, chả được rán chín trước khi ăn kèm với bánh cuốn.
Điểm khác biệt của bánh cuốn Tuyên Quang chính là ở nước chấm. Nếu ai đó đã có dịp thử các món bánh cuốn ở những vùng miền khác nhau sẽ thấy được sự khác biệt trong nước chấm của bánh cuốn Tuyên Quang.
Rượu ngô Na Hang
Rượu ngô Na Hang không chỉ dễ “say như điếu” bởi chất ngô ngọt lử mà còn bởi công thức gây men đặc biệt từ lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 20 loại thảo dược quý có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp, thấp khớp… Chỉ cần một nhấp rượu ngô Na Hang, bạn có thể cảm nhận được hương thơm vị mát lan tỏa khắp cơ thể.
Cam sành Hàm Yên
Cam sành đã được trồng từ rất lâu đời trên đất Hàm Yên và đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của huyện. Cam được trồng trên núi cao, khí hậu mát mẻ, cho vị ngọt mát. Đây là loại cam có giá trị dinh dưỡng cao: hàm lượng đường trên 10%; hàm lượng vitamin C từ 40 – 90 mg/100g cam tươi. Ngoài ra, cam sành Hàm Yên còn có thành phần axit hữu cơ, axit có hoạt tính sinh học cao, các chất khoáng và dầu thơm tốt cho sức khỏe con người.
Gỏi cá bỗng sông Lô
Cá bỗng để chế biến món gỏi phải là cá nuôi được 1,5-2 năm, trọng lượng đạt 2,5-3kg, thịt chắc. Gỏi cá Tuyên Quang không dùng thính gạo mà dùng chính xương cá băm nhỏ rang vàng, cán mịn rồi trộn đều với lạc rang giã rối, ăn cùng những lát cá thái mỏng kèm theo gia vị, rau thơm và các loại lá rừng nước sốt gia vị sánh ngọt hấp dẫn, thích thú vô cùng.
Cơm lam Phú Lâm
Cơm lam đất Tuyên Quang không có nhiều khác biệt với các miền vùng cao khác nhưng rất phổ biến và cũng là một nét ẩm thực khó quên của mảnh đất này. Ai đã từng thưởng thức cơm lam nơi đây sẽ không bao giờ quên được hương vị dẻo thơm của nếp. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của nước ống tre, vị thanh thanh lá chuối, mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ. Cơm lam có thể ăn ngay hoặc để cả tuần mà vẫn mềm, ngon mà không bị hỏng, và có thể ăn cùng với nhiều thức ăn khác.
Thịt trâu gác bếp
Một đặc sản lừng danh Tuyên Quang khác là thịt trâu gác bếp. Thịt trâu ở vùng núi Tuyên Quang nổi tiếng là sạch và ngọt thịt. Khi trâu được mổ, lấy nguyên thịt nạc, dần cho mềm và ướp với tỏi, ớt, gừng, sả và những gia vị khác, sấy trên than củi hoặc hun khói trên gác bếp. Khi ăn, có thể cuốn thịt trâu khô với lá rau cải, chấm thêm với ma-gi, mù tạt, uống với bia.
Mắm cá ruộng Chiêm Hóa
Đây vừa là món ăn truyền thống, cũng vừa là một vị thuốc độc đáo của đồng bào dân tộc Tày từ bao đời nay. Để có hũ mắm cá thơm ngon tuyệt hảo, bà con dân tộc Tày nơi đây đã phải mất đúng 13 tháng trời: Nuôi cá ở ruộng 3 tháng, ủ men làm mắm 10 tháng. Hương vị đặc trưng của thứ đặc sản này khiến cho ai đã từng một lần thưởng thức sẽ khó quên.
Bánh gai Chiêm Hóa
Ngoài mắm cá, bánh gai Chiêm Hoá cũng đóng góp hương vị đặc sắc vào văn hoá ẩm thực đất Tuyên Quang.Bánh gai được làm từ lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tơi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối, mỡ lợn. Muốn có chiếc bánh thơm ngon, phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước và xay thành bột. Lá gai phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ, đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn, trộn với bột và mật mía làm vỏ bánh. Hương vị của lá gai quyện vào mùi thơm của gạo nếp với lá chuối khô, tạo nên hương vị rất đặc trưng.
Măng khô
Măng là món quà hương rừng tinh tuý của mảnh đất miền núi. Từ măng nứa, măng tre, măng mai… có thể chế biến thành nhiều món như măng xào, măng cuốn, măng nhồi thịt, măng đắng luộc chấm mẻ… Món nào cũng có hương vị riêng, đậm đà, khó quên. Măng còn để ngâm chua, xào cùng thịt trâu, một món ăn rất đặc biệt của đồng bào dân tộc vùng núi cao.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc (5 màu, gồm trắng, xanh, đen, đỏ, vàng) được làm để dâng tế thần linh. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tày, đây là biểu tượng của “ngũ hành”, tượng trưng cho kim, mộc, thủy, hỏa, thổ – 5 yếu tố vật chất tạo ra sự sống. Thưởng thức món xôi ngũ sắc, du khách không chỉ cảm nhận được hương vị thơm ngon mà còn được chiêm nghiệm những triết lý sâu xa về thuyết ngũ hành trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày.
Bánh khảo
Là món bánh truyền thống của đồng bào Tày trong dịp Tết Nguyên đán. Bánh khảo làm rất công phu, nên trước Tết khoảng nửa tháng, chị em trong các gia đình người Tày lại cùng nhau làm bánh.
Nguồn: Theo GĐ&XH
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.