17 triệu người Việt Nam mất chỗ ở nếu biển dâng cao

0
101

Ông Mark Lowcock, quan chức của Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID), hi vọng các khoản hỗ trợ sắp tới của Chính phủ Anh lên tới 500 triệu USD sẽ giúp VN thiết kế các chính sách ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Mark Lowcock đang ở Hà Nội tham dự Hội nghị bàn tròn quốc tế về quản lý hướng tới kết quả phát triển. Hôm qua, ông đã thuyết trình về báo cáo “Stern” – một báo cáo mới công bố của Chính phủ Anh về vấn đề biến đổi khí hậu.

Báo cáo này cho biết nếu không có hành động nào được triển khai để giảm khí thải, sự tập trung khí thải trong bầu khí quyển vào năm 2035 có thể làm cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên trên 2OC. Về dài hạn, có hơn 50% khả năng nhiệt độ sẽ tăng thêm 5OC, tương đương sự thay đổi nhiệt độ trung bình từ thời kỳ băng hà cho tới nay.

Bác Nguyễn Trọng Yến (thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận) trên con tàu bị bão Durian (tháng 12-2006) đánh tan (Ảnh: T.T.D)

Ông Lowcock nói rằng VN, một nước đang phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, nằm trong nhóm những nước dễ bị tổn thương bởi các vấn đề môi trường do biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt, hạn hán, bão. Ông dẫn chứng năm 2006 bão làm VN thiệt hại hơn 1,2 tỉ USD. Bên cạnh đó, với bờ biển dài, vấn đề mực nước biển tăng có thể làm mất 12,2% diện tích đất của VN và đe dọa tới chỗ sinh sống của khoảng 17 triệu người.

Có mặt tại buổi thuyết trình, phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Tài nguyên – môi trường Nguyễn Khắc Hiếu cũng cho biết các biểu hiện của biến đổi khí hậu là khá rõ rệt ở VN. Nhiệt độ trung bình ở VN tăng hằng năm 0,1OC trong một thập kỷ, riêng nhiệt độ vào mùa hè tăng 0,1- 0,3OC.

Theo ông Lowcock, Chính phủ Anh hiểu được tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của các quốc gia đang phát triển như VN. Một mặt, VN phải phấn đấu tăng trưởng cao và nhanh để giảm nghèo. Mặt khác, tăng trưởng thiếu bền vững dẫn tới các thảm họa môi trường khiến thế hệ con cháu phải gánh chịu.

Ông Lowcock cho biết Chính phủ Anh sẽ viện trợ không hoàn lại cho VN ít nhất 500 triệu USD trong năm năm tới và một phần khoản tiền trong đó sẽ giúp VN thích nghi với biến đổi khí hậu. Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, một trong những ưu tiên trong hành động của Chính phủ sẽ là thiết lập các khuôn khổ pháp lý nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án nhằm giúp VN đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.

CẨM HÀ

Trung Quốc phải xây “Vạn lý trường thành” dọc biển

Nếu Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Nhật, Mỹ vào năm 2008 theo dự báo của Ngân hàng Thế giới thì cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng do thời tiết thay đổi. Hiện cả hai nước đang lên kế hoạch đối phó.

Bộ Môi trường Nhật cho biết sẽ cần hơn 64,5 tỉ USD để đối phó với mực nước biển dâng cao do băng ở hai cực tan. Phía Nhật ước tính nếu mực nước biển tăng thêm 1m, 90% số bãi biển của nước này sẽ bị “nuốt chửng”.

Khí hậu thay đổi còn thể hiện ở lượng mưa ngày càng ít. Bộ Nông nghiệp Nhật dự báo sản lượng lúa sẽ giảm 10% trong 50 năm tới và chất lượng hạt lúa cũng kém hơn. Nhiệt độ tăng sẽ làm các nguồn hải sản di cư xa hơn lên phía bắc nhưng sẽ là điều kiện để dịch bệnh tăng.

Còn Trung Quốc sẽ phải xây đê bảo vệ dọc bờ biển, một kế hoạch mà cựu giám đốc nghiên cứu năng lượng của Ủy ban đổi mới – phát triển quốc gia Trung Quốc Chu Đại Địa gọi là “một Vạn lý trường thành mới”. Theo dự kiến, Trung Quốc sẽ công bố kế hoạch cụ thể vào cuối năm nay.

Theo chuyên gia Alan Dupont của Đại học Sydney (Úc), kế hoạch này làm Trung Quốc gặp khó khăn vì các chính sách đưa ra vừa phải giảm mức sử dụng xăng dầu nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế từ 8-9%/năm. Những thay đổi vừa kể làm Trung Quốc hằng năm mất khoảng 2% GDP tiềm năng.

 MINH HUY (Theo Yomiuri, Reuters)

 

Theo Tuổi trẻ