20 trận bão từ ảnh hưởng tới Việt Nam trong năm nay

PGS-TS Hà Duyên Châu, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết năm 2008 nằm trong giai đoạn yên tĩnh nhất của hoạt động bão từ. Tuy nhiên sẽ có khoảng 20 trận bão từ xảy ra trong năm nay với cường độ không lớn.

Bùng nổ sắc cầu mặt trời (vòng tròn màu xanh) – nguyên nhân gây ra bão từ.

“Càng đến chu kỳ hoạt động mạnh của nó thì cường độ và số lượng bão từ càng tăng lên. Với chu trình của bão từ là 11 năm, năm có bão từ hoạt động mạnh nhất là năm 2001, thì phải đến năm 2011 – 2012, mới sẽ quay lại giai đoạn hoạt động mạnh. Lúc đó, một năm sẽ có khoảng 40 – 50 trận ảnh hưởng đến nước ta, tính ra một tháng sẽ có khoảng 3 – 4 trận bão từ, trong đó sẽ có những trận cường độ rất mạnh” – Ông Châu cho biết.

Đại diện Viện Vật lý Địa cầu cũng cho biết từ đầu năm đến nay có một số trận bão từ xảy ra nhưng do cường độ nhỏ nên không gây tác động đáng kể.

“Nhìn chung, bão từ dự báo được, nhưng ở Việt Nam chưa quan trắc được. Còn trên thế giới, họ đã quan trắc trên bề mặt mặt trời thấy có những đám lửa rất lớn bùng nổ trong vũ trụ, thì người ta xác định được lượng lửa này bùng nổ bao nhiêu thì dưới đất sẽ tính được cường độ của bão từ. Việt Nam mình chỉ sử dụng số liệu của thế giới và chỉ ghi lại được khi bão từ xảy ra” – Đại diện Viện Vật lý địa cầu cho biết.

Hiện trên thế giới có hai vùng (vùng cực quang và vùng xích đạo) là vùng chịu ảnh hưởng mạnh nhất của bão từ. Khi bão từ xảy ra, cường độ của bão ở hai vùng này có thể lên tới hàng nghìn nT (nano Tesla – đơn vị đo cường độ bão từ).

Ở Việt Nam, trận bão từ mạnh nhất mà từ trước tới nay ghi nhận được là trận bão từ xảy ra năm 1989. Khi đó cường độ bão từ ghi nhận được ở Sapa lên tới 660 nT. Trận bão từ này trùng với một trận bão ở Quebec (Canada) năm đó khiến toàn bộ hệ thống truyền tải điện 550KV của Canada bị sụp đổ, gây thiệt hại hàng tỉ USD.

Còn ở Hà Nội, năm 2001 các nhà nghiên cứu cũng đã ghi lại được một số trận bão từ mạnh tới 550 nT. Cũng theo ông Châu, từ năm ngoái đến nay thì cường độ các trận bão từ ở Việt Nam không đáng kể, chỉ khoảng 100 nT. Dự báo cường độ của các trận bão từ trong năm 2008 dao động ở mức 300- 400 nT.

Cách phòng chống và tác hại

Về cách phòng chống ảnh hưởng do bão từ gây ra, ông Châu cho biết ở Liên Xô (cũ), khi bão từ xảy ra, những người điều trị trong bệnh viện tim mạch và thần kinh được cho vào trong một cái lồng thiết kế đặc biệt có tác dụng ngăn cản biến thiên của từ trường.

Ở Việt Nam hiện chưa có biện pháp nào. Tuy nhiên để hạn chế ảnh hưởng, khi bão từ xảy ra, người dân nên ở trong ôtô hoặc trong nhà xây bê tông sẽ hạn chế được phần nào ảnh hưởng.

Ông Châu cũng cho biết, khi xảy ra, bão từ sẽ có những tác động đối với sức khỏe, mạnh nhất là tim và hệ thần kinh, làm cho con người mệt mỏi. Tuy nhiên, bão từ chỉ tác động mạnh tới những người mẫn cảm, còn phần đông lại không cảm nhận được những biến đổi từ trường.

Chỉ những cơn bão từ có cường độ 200 nT trở lên là ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tại Liên Xô, thống kê của các nhà khoa học cho thấy khi bão từ xảy ra thì số người chết vì bệnh tim mạch tăng đến 30%.

Cùng với ảnh hưởng tới sức khỏe con người, bão từ còn ảnh hưởng tới các đường dây cao thế, và cũng ảnh hưởng tới ống dẫn dầu khí, gây ra ăn mòn đường ống.

Đối với các vệ tinh viễn thông, trong đó có vệ tinh Vinasat 1 mới phóng của Việt Nam, bão từ sẽ ảnh hưởng đến khả năng truyền thông tin liên lạc, làm mất tín hiệu đường truyền. Trên thế giới cũng từng ghi nhận vụ tai nạn máy bay do bão từ gây ra.

Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu trên các đài địa từ Việt Nam, năm 1989 là năm xảy ra nhiều trận bão từ nhất với 44 trận. Năm 2000 có 40 trận bão từ, năm 2004 có 27 trận, năm 2006 có khoảng 15 trận. Bão từ ít xuất hiện nhất là năm 1986 với 17 trận.

 

Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong Online)