200 giống cây trồng nhân tạo ‘made in Vietnam’

Với 50 phòng thí nghiệm của nhà nước, tư nhân và cả những xí nghiệp sản xuất cây giống hàng đầu châu Á (Nhật Bản, Đài Loan), Đà Lạt đi đầu cả nước trong việc sản xuất giống bằng công nghệ cấy mô. Những cây giống này còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hà Lan…

Không chỉ các nhà khoa học, mà chính người nông dân ở thành phố hoa Đà Lạt giờ đây đều đã quen với những khái niệm khoa học về nuôi cấy mô, nhân bản vô tính hoa để tạo được những giống quý.

Nuôi cấy mô tạo giống cây mới tại Viện Công nghệ sinh học. (Ảnh: LĐCT)

Ở miền Bắc, nhân bản vô tính trên thực vật lại ứng dụng phần lớn ở các nông lâm sản, bảo tồn thành công nguồn gene của các loại gỗ quý như vù hương (loại gỗ chiết tinh dầu dùng trong dược, mỹ phẩm), cây đăng lấy gỗ, chè vàng – loại chè rất khó trồng. Kỹ thuật này cũng giúp lai tạo thành công giống lúa DR1 chịu hạn, nhân bản nhiều loại khoai tây, mía.

Với lưng vốn là hàng chục giống cây được nhân bản, lưu giữ, Viện Công nghệ sinh học (Trung tâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đang tiếp tục nghiên cứu việc tách chiết hoạt chất thứ cấp để sản xuất thuốc trị tiêu chảy berberin từ cây hoàng liên – dược liệu chỉ mọc ở dãy núi Hoàng Liên Sơn…

Đây chính là những ứng dụng mới tạo giống bằng công nghệ gene bằng nuôi cấy mô của Viện Công nghệ sinh học – một trong những đơn vị hàng đầu nghiên cứu nhân bản vô tính ở Việt Nam.

Cuối tháng 10 vừa qua, Viện Di truyền nông nghiệp cũng đã công bố nhân giống công nghiệp và bán công nghiệp thành công đối với một số loài hoa và cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao; tuyển chọn được 18 giống hoa lyly, 10 giống hồng môn với những sắc màu, kiểu dáng đa dạng có giá trị kinh tế cao và trên 15 vạn cây giống sa nhân, tếch, trầm hương…

Quy trình công nghệ nhân nhanh giống cây hương liệu và dược liệu, cây gỗ tếch (một loại vật liệu đóng tàu có giá trị cao) và sa nhân tím (một loài quý hiếm) đã được các nhà nghiên cứu hoàn thiện đưa vào sản xuất.

Ông Đỗ Năng Vịnh – Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp – cho biết: “Tạo phôi vô tính, hạt nhân tạo là công nghệ tiên tiến trên thế giới, lần đầu được nghiên cứu ở nước ta. Phát hiện này đã được nhiều công ty giống tiếp nhận để phổ biến trong hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”.

Phôi vô tính có thể bảo quản lâu dài và cho nảy mầm vào thời vụ thích hợp. Theo các nhà khoa học Việt Nam, đến nay, đã có trên 200 loài cây trồng đã được nhân giống bằng công nghệ phôi vô tính. Nhân bản vô tính có thể tạo hạt nhân tạo, đây là yếu tố thuận lợi cho cơ giới hoá và tự động hoá nhân giống công nghiệp. Ví dụ, với cây cà phê, từ 1 gam sinh khối, trong vài tháng người ta có thể tạo được 60 vạn phôi vô tính có tỉ lệ tái sinh đến 47%.

 

Theo Lao Động, Vnexpress