2010 là năm bản lề của ngành nghiên cứu hạt nhân

Năm 2010 được giới chuyên gia đánh giá là năm có ý nghĩa quan trọng đối với ngành vật lý hạt nhân thế giới.

Bởi trong năm này, Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), có trụ sở đặt tại Geneva, Thụy Sĩ, đã thực hiện thành công các thí nghiệm quan trọng cùng với máy Gia tốc Hạt lớn có công suất lớn nhất thế giới (LHC), cho phép giải mã những bí ẩn về quá trình hình thành vũ trụ và vật chất.

LHC được đưa vào hoạt động lần đầu tiên vào mùa Thu năm 2008, tuy nhiên, nó đã gặp phải sai sót lớn về kỹ thuật khiến các nhà nghiên cứu phải mất tới hơn một năm trời để sửa chữa. LHC cuối cùng cũng đã được hoạt động trở lại vào tháng 11/2009.

Tháng Ba năm nay, các nhà khoa học của CERN lần đầu tiến hành thành công thí nghiệm trong LHC về các vụ va chạm giữa các Proton tạo ra năng lượng cực lớn. Sự kiện này đã làm chấn động giới khoa học thế giới.

Cùng với máy Gia tốc Hạt lớn có tốc độ lên tới 7 TeV (Teraelectron volt), các nhà vật lý của CERN đã tiến tới những lĩnh vực chưa bao giờ được khám phá. Nếu so với máy gia tốc hạt khác có thể cạnh tranh với LHC, chỉ có máy gia tốc Fermilab tại Chicago, nhưng nó mới chỉ có công suất cao nhất là 2TeV.

Sau thí nghiệm với các Proton, các nhà khoa học của CERN đã tiến hành thí nghiệm về sự va chạm giữa các ion chì trong LHC được đặt ngầm dưới lòng đất trong đường hầm hình tròn với chu vi xấp xỉ 27km nằm giữa đường biên giới Pháp và Thụy Sĩ. Mục tiêu của thí nghiệm này là nhằm tái tạo lại vật chất tương tự đã từng tồn tại trong thời gian đầu hình thành vũ trụ.

Tháng 11/2010, CERN đã thành công trong việc tạo ra dạng vật chất của giai đoạn đầu hình thành vũ trụ. Các vụ va chạm giữa các ion chì đã tạo ra nhiệt độ cao hơn 100.000 so với nhiệt độ nằm trong tâm của Mặt Trời, làm nóng chảy vật chất.

Theo CERN, những dữ liệu thu được sau thành công của thí nghiệm nêu trên sẽ được phân tích và kết quả này có thể cho phép giải mã những bí ẩn về vật chất và vũ trụ.

LHC đã tạm ngừng hoạt động vào mùa Đông 2010. Sau hai tháng nghỉ Đông, bộ máy huyền thoại này sẽ vận hành trở lại. Trong những năm tới, LHC sẽ được từng bước nâng cấp để đạt công suất tối đa là 14 TeV

 

Theo Vietnam+