Dâu cả, dâu thứ mang qua những xếp vải lụa nào tím nào xanh, sờ vào mát lạnh, thêm xấp tiền cũng toàn tờ xanh, “Tụi chị bận công chuyện không về, gửi thím tư quà 20/10 cho má”. Thư gật đầu, rồi nhân lúc đang cẩn thận cho từng xấp vải vô túi hành lý, hai Quý – chị dâu cả của Thư nói thêm: “Thím có chọn quà, cứ lụa là mà chọn; đừng mua mấy thứ tầm thường nhà quê. Má cả đời sống dưới đó, tằn tiện nuôi con nên cả đời đâu được mặc đồ may bằng lụa. Giờ mình làm dâu, cũng phải đền ơn má, phải chọn quà cáp “đường được” chút. Mấy năm rồi tui với thím ba Thy toàn mua vải lụa, má mừng lắm à nghen!”.
Thư một tay xách túi hành lý, một tay bế thằng Quýt bên sườn bước lên xe đò, ông xã khệ nệ ôm cái bao tải nặng trịch bước ngay sau. Tháng 10 mà nắng vẫn gắt gỏng, chói chang làm mồ hôi rịn trên trán. Đường về quê chồng còn xa lắm, đi nửa ngày, đổi xe 3, 4 bận mới tới nơi. Vùng quê sông nước chẳng mấy tiện cho ô tô đi 1 lèo, nên vợ chồng anh hai, anh ba ít khi về, 1 năm chỉ họa có tết. Vợ chồng Thư thì chẳng có xe hơi, thành ra chăm về hơn bởi tính ra xa thì xa thiệt nhưng cũng chỉ việc trèo lên xe, người ta lái rồi thế nào cũng tới nhà.
Duy có đoạn đường đi bộ từ bến xe về là hơi dài, thành ra chồng Thư càu nhàu vì xách cái bao hơi nặng. Thư thì thảnh thơi hơn, cái không khí của vùng quê may mắn vẫn giữ đậm chất quê này khiến Thư thấy thanh thản. Thằng Quýt đã tụt xuống từ lúc nào, nhảy chân sáo trên đường đất để cỏ may bám thật nhiều vào ống quần: “Lần trước nội bảo con, cỏ may bám càng nhiều thì càng may đó má!”. Chồng Thư cau mày: “Trời, má nói vậy rồi lát về lại khổ công ngồi gỡ cỏ may cho nó cả buổi cho coi!”. Thư cười: “Kệ nó đi anh”. Ông xã vẫn lắc đầu: “Em là con dâu mà sao… lẩn thẩn giống má quá vầy?! Thêm nữa, mang chi cái nồi gang về để anh xách muốn rụng rời chân tay. Không phải lần trước em mua nồi cơm điện về cho má rồi sao?”. Thư chợt bần thần, vân vê cái quai túi nhẹ tênh; trong đó ngoài vài bộ quần áo mỏng để thay, còn lại toàn là mấy xấp vải và tiền các chị dâu gửi má. Quà giá trị vậy mà xách chẳng vất vả, chứ quà của Thư có vài trăm ngàn mà nặng như cái cối đá khiến ông xã nổi cạu vì nặng. Mà quà chi cũng “kì cục”, ai đời quà 20/10 mà đi tặng má… cái nồi gang. Thư cũng chẳng biết nghĩ sao cho đúng. Hôm trước gọi điện về, hỏi má chồng muốn quà gì, má cười sang sảng: “Bây mua cho má cái nồi gang đi, đáy dày chút nghen!”. Chỉ có thế, Thư chẳng biết má đùa hay nói thật nhưng cũng lọ mọ đi tìm mua muốn đứt hơi mới được. Giờ so với quà của các chị dâu, Thư bỗng thấy ái ngại làm sao… Mà có khi má đùa cũng nên, Thư thấy mọi lần các chị mang quà đắt tiền về, má tỏ ra vui lắm, má nâng niu những xấp vải, những món đồ đắt tiền, giọng sang sảng: “Trời đất ơi mấy món này chắc mắc lắm nghen, biểu sao sờ vô nó mát mát quá nè”. Thành ra sau đó, các chị dâu luôn chọn vải lụa đắt tiền cho má.
Quà của Thư thì bao giờ cũng “khiêm tốn” hơn, nhưng má vẫn vui và không phân biệt chi hết. Chắc má thương vợ chồng Thư còn khó khăn. 2 anh chồng của Thư đều làm chức to, có công ty riêng nên kinh tế khá giả. Vợ chồng Thư thì làm công ăn lương, thằng Quýt thì bé tí nên chẳng dư dả bao nhiêu. Lần này, lẽ ra Thư phải cố gắng mà mua quà cho má tươm tất chút, đằng này không hiểu sao lại lẩn thẩn đi mua cái nồi. Càng nghĩ càng thấy băn khoăn…
Má chồng Thư tốt bụng lại xởi lởi, thương con cháu lắm nên dâu rể gì đều quý má như má ruột vậy. Ba chồng mất sớm, mình má gồng gánh nuôi mấy anh em ăn học đàng hoàng chả kém gì ai. Vất vả thế, nhưng lúc nào cũng thấy má cười; mỗi lần con cháu về là nghe giọng má rổn rảng, rồi má chạy qua chạy lại trên nhà dưới bếp nấu nướng bày biện đồ ăn. Có lần anh cả càu nhàu: “Má ơi, tụi con giờ đâu có thiếu sơn hào hải vị đâu mà má làm nhiều cho khổ cực. Mà sao đồ đẹp mua má không mặc, cứ mặc đồ bộ nâu sồng hoài vậy má?!”. Má cười mà buồn buồn: “Tại má sợ tụi con đi đường xa đói bụng nên chuẩn bị sẵn mâm cơm. Má ở quê vô bếp, ra vườn hoài, mặc đồ đẹp nhựa cây dính vô uổng lắm!”. Bữa cơm hôm đó chợt nghe chút trầm lặng hơn…
* * *
Nghĩ ngợi lan man một lúc cũng về tới nơi. Chẳng điện thoại mà đã thấy má ngồi chờ sẵn ngoài cổng, từ xa cũng nghe tiếng má cười: “Trời đất, vài tháng không gặp mà nội nhớ thằng Quýt quá chừng nhớ. Tụi bây rảo rảo chân nhanh vô nhà cho khỏi nắng, tội nghiệp, mặt mày đỏ gay hết trơn”.
Nắng chiều soi vô mắt má – đôi mắt dù nhăn nheo mà lấp lánh vui. “Vợ chồng anh Hảo, anh Hưng đợt này bận việc nên không về được má à” – Thư quay qua phía má. “Ừa, má cũng mong mà biết tụi nó nhiều công chuyện. Thôi, có tụi con về là má vui rồi” – má nói mà thoáng buồn. Thư nhanh nhảu: “Mà các chị có chuẩn bị quà cho má đó, toàn món má thích không hà”. “Ừa vậy hả con, tụi nó chu đáo quá! Mà quên, con có mua cái nồi gang cho má không vậy?”. Thư thở phào, hóa ra má nói thật chứ chẳng đùa. Chồng Thư lúc này cũng mới hết lạu bạu vì xách nặng.
Chiều tối, má đem cái nồi cọ rửa sạch bong, cứ khen Thư khéo chọn cái nồi đáy dày vừa ý má. Xong má vo gạo, nấu cơm. Lúc thắp đèn lên là cơm chín tới, má nói dọn cơm ra ngoài sân cho mát, gió mát lồng lộng chẳng cần quạt máy. Trên mâm chỉ có ngồng cải luộc chấm mắm gừng với đĩa tôm đồng rang mặn mà cả nhà háo hức. Chồng Thư tự dưng hớn hở như đứa trẻ, thò tay giành luôn miếng cháy cơm vàng ươm trên tay thằng Quýt làm nó khóc ré lên. Má cười, gạt cơm lấy cho thằng nhỏ miếng cháy to chà bá khác, miệng cười tươi rói: “Thằng Quýt nó giống hệt ba với các bác nó nè, lúc nào cũng thích ăn cơm cháy”. Rồi má kể, cái nồi điện Thư mua nấu tiện lắm nhưng không có cháy cơm giòn như nồi gang. Hôm trước tự dưng má nhớ mấy đứa, tính nấu cơm bằng củi mà cái nồi gang ở nhà đã mòn vẹt rồi, thành ra má nhờ con mua luôn. “Gì thì gì, ăn cơm cháy tôm rang là ngon nhứt đó. Mà thiệc, cái nồi con mua nó tốt tốt là, cháy cơm giòn sầy sậy” – má cứ ngồi nhìn 2 bố con Quýt tranh giành nhau mà cười, thi thoảng lại gắp cho Thư khúc ngồng cải luộc ngọt lịm. Chưa bao giờ Thư thấy má vui thế, bữa cơm đơn giản mà ngon lành làm sao!
Hóa ra má chẳng cần lụa là, tiền bạc gì hết, má chỉ vui vì thấy con thấy cháu về nhà. Những xấp vải, những đồ đắt tiền các chị dâu mua má còn cất nguyên trong tủ, tiền thì má đem giúp mấy bà con nghèo, mấy đứa nhỏ không được đi học ở quê chứ má đâu có dùng tới. Và khi má chợt ngậm ngùi: “Phải chi có thằng hai, thằng ba và mấy đứa nhỏ nữa thì vui biết mấy… cũng lâu lắm rồi, tụi nó thích cơm cháy lắm hà!” thì Thư biết, thực ra má chỉ cần vui vầy với con cháu mà thôi, đó cũng là món quà lớn nhất mà má luôn muốn nhận.
Nguyệt Hà
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.