Ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nhận định năm 2011 là năm của những kỷ lục về lạnh.
Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Hải nói: “Từ năm 1971 đến nay, nhiệt độ trung bình ngày (giữa tháng 3) tại Hà Nội chưa bao giờ xuống dưới 13°C, nhưng ngày 17.3.2011 nhiệt độ ở Hà Nội giảm chỉ còn 10,5°C. Ðây có thể coi là đợt rét hại kỷ lục nhiều năm qua“.
Theo thống kê cho thấy từ đầu vụ đông xuân đến nửa đầu tháng 3.2011, miền Bắc hứng chịu 20 đợt không khí lạnh tăng cường, trong đó có bốn đợt rét đậm – rét hại.
Ðáng chú ý là đầu tháng 1.2011, không khí lạnh tăng cường liên tục tạo ra đợt rét đậm – rét hại kéo dài đến 31 ngày (từ ngày 3.1 đến 3.2).
Tuyết rơi bất thường vào giữa tháng 3 tại Sapa
Nếu như năm 2008, đợt lạnh kéo dài đến 38 ngày nhưng chủ yếu là rét đậm thì đợt lạnh đầu tháng 1 thiên về rét hại nhiều hơn. Chính vì những đợt không khí lạnh tăng cường liên tục làm nền nhiệt độ tại Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ thấp hơn 2,5-3,5°C so với nhiệt độ trung bình hằng năm, có nơi thấp hơn đến 4°C.
Trong tháng 4.2011, dự báo có tiếp 3-4 đợt không khí lạnh tăng cường về nước ta.
Những diễn biến thời tiết khác thường trên do đâu, thưa ông?
Như đã từng nói, năm nay là năm hoạt động của hiện tượng La Nina. Xu thế của hiện tượng này làm thời tiết lạnh hơn, mưa trái mùa nhiều hơn. Nguyên nhân thứ hai do sự tác động của biến đổi khí hậu. Mọi người thường nghĩ biến đổi khí hậu làm Trái đất nóng lên, nước biển dâng… Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu làm cho quy luật khí hậu giãn ra ở cả hai phía. Có nghĩa là nóng thì nóng quá, lạnh thì lạnh quá.
Ví dụ như những tháng đầu năm do ảnh hưởng không khí lạnh nên nền nhiệt độ Bắc bộ giảm. Tuy nhiên, nhiệt độ giảm ở thời điểm tháng giêng hằng năm để xuất hiện tuyết ở các khu vực miền núi phía Bắc như Sa Pa là đã hiếm. Ðến thời điểm giữa tháng 3, tuyết lại xuất hiện dày đặc hơn là một biểu hiện của biến đổi khí hậu.
Còn tình hình mưa thì sao thưa ông, đặc biệt tại Nam bộ những ngày vừa qua liên tục xảy ra mưa trái mùa trên diện rộng?
Không khí lạnh tăng cường cũng là một tác nhân gây ra mưa ở Bắc – Trung và cả Nam bộ. Tổng lượng mưa ba tháng đầu năm 2011 trên phạm vi toàn quốc xấp xỉ với trung bình nhiều năm.
Ở Nam bộ, không khí lạnh còn kết hợp với các nhiễu động trường gió đông trên cao gây ra mưa trái mùa. Theo ghi nhận tại Nam bộ đã có hai đợt mưa trái mùa trên diện rộng từ ngày 5 đến 8-3 và đợt thứ hai diễn ra từ ngày 21.3 đến nay.
Ðã có địa phương xảy ra mưa trái mùa với lưu lượng lớn hơn 100mm như ở Bạc Liêu ngày 22.3. Những đợt mưa này có diễn biến khác thường ngoài lượng mưa lớn và kéo dài khiến nhiều nơi ở Nam bộ giống như đã vào mùa mưa. Tuy nhiên, đợt mưa trái mùa này sẽ hết khi đợt không khí lạnh tăng cường kết thúc.
Mưa trái mùa nhiều như vậy có phải báo hiệu mùa mưa tại Nam bộ năm nay sẽ đến sớm hơn?
Ở Nam bộ mùa mưa chỉ thật sự bắt đầu khi có gió tây nam phát triển (hiện mưa trái mùa chủ yếu ảnh hưởng gió mùa đông bắc). Mùa mưa ở Nam bộ năm nay có nhiều khả năng đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Dự kiến 10 ngày đầu tháng 5, Tây nguyên và Nam bộ bắt đầu vào mùa mưa. Mưa nhiều tập trung vào nửa đầu mùa mưa. Riêng ở Bắc bộ, Trung bộ, các đợt mưa lớn tập trung vào thời điểm tháng 5 đến tháng 7.
Theo Tuổi trẻ