3 Cách kiềm chế cơn nóng giận dành cho bà mẹ “siêu nóng tính”

Tôi sinh ra vốn là người nóng nảy. Tôi nghĩ điều này là sự “thừa kế” mang tính di truyền từ gia đình. Bố tôi rất nóng. Ông đã rèn giũa tôi trong môi trường roi vọt, kỷ luật khắt khe. Tôi không ủng hộ cho cách dạy con của bố mình, nếu không muốn nói rằng tôi đã chịu rất nhiều tổn thương từ sự nghiêm khắc đến lạnh lùng của bố. Tuy nhiên, dù gì tôi vẫn là con của bố và dù không muốn thì vẫn buộc phải công nhận rằng tôi giống hệt bố tôi ở sự nỏng nảy, thiếu kiên nhẫn và có phần chua ngoa trong lời lẽ của mình. Biết rõ hạn chế của mình, từ khi sinh con, tôi không cố gắng biến mình thành người khác nhưng vẫn đề ra những nguyên tắc riêng mang tính thực tế nhất để cùng con lớn lên mà không làm con bị tổn thương. Con lớn lên, và tôi cũng trưởng thành!

1. Luôn xác định người có lỗi trong cơn nóng nảy là mình, chứ không phải con (hay chồng)

Trong cơn nóng nảy, tôi ít khi đổ lỗi cho người khác theo kiểu vì người khác sai nên tôi phải nóng. Mà tôi luôn tự nhắc nhở mình rằng, vì tôi thiếu kiềm chế nên gặp chuyện nhỏ tôi cũng “khùng” lên. Trung thực như vậy với mình khiến tôi luôn sẵn sàng “cúi đầu” mỗi khi nhận thấy mình sắp “điên”.

Cách suy nghĩ này khiến tôi hiểu rằng mình có trách nhiệm phải đề phòng những cơn nóng nảy. Chẳng hạn, khi con gái thường “quấy rối” bằng cách chui vào lòng mẹ, giật tóc mẹ… lúc tôi đang làm việc, đọc sách, soạn bài,… mà tôi lại là người tập trung rất mạnh và tư duy logic gần như triệt để, nên khi đang suy nghĩ cho một bài viết mới và bị giật một cái đau điếng trên đỉnh đầu, tôi sẽ phải kiềm chế lắm để không đánh cho con mấy roi. Nhưng thực sự con tôi chưa bị đánh vì việc đó bao giờ, bởi tôi tự cảm thấy rằng mang công việc về nhà, nhất là trong ngày nghỉ, lại không chơi với con trong những lúc con cần vui chơi là lỗi của tôi. Chưa kể tôi lại dễ nóng nảy vì điều đó, nên trừ những khi cấp bách, còn lại tôi cố gắng hết sức không để tái diễn việc gò lưng làm việc ở nhà.

2. Xác định rõ lý do hoặc thời điểm thường khiến mình nóng giận với con, cũng như đề ra phương án giải quyết

Với con gái 3 tuổi của tôi, lý do lớn nhất khiến tôi dễ cáu kỉnh là việc đồ chơi của con bừa bộn. Sẽ thế nào nếu mở cửa ra và mỗi một góc nhà lại trông thấy một thứ đồ chơi vụn vặt của con? Vì vậy tôi để riêng cho con một phòng để thoải mái bày bừa đồ chơi. Nghĩa là con muốn làm gì ở đó thì tùy, xới tung tất cả lên cũng được. Khi rảnh rang tôi sẽ xếp dọn sau, nếu tôi bận quá thì cứ đóng cửa căn phòng bừa bãi ấy lại cho “khuất mắt” rồi nhờ người giúp việc “xử lý”. Miễn sao tôi không phải nhìn thấy đồ chơi của con “giăng” ra đường đi và ngổn ngang trên giường ngủ.

Thêm nữa, thời điểm mà tôi dễ cáu kỉnh nhất là khi buổi chiều trở về nhà, trong lúc cả hai mẹ con tôi đã cảm thấy hơi đói, và tôi thì còn một đống những công việc phải làm: nấu cơm, tắm cho con, dọn dẹp… Biết rõ điều này nên tôi chuẩn bị thật kỹ mọi thứ, từ bếp núc, nồi niêu… ngay cả việc bóc tỏi và hành, để sẵn trong tủ lạnh sao cho bữa tối giản tiện, nhanh chóng nhất và đỡ cho tôi bùng lên cơn bực bội! Con bé cũng có vẻ hơi “xấu tính” vào buổi cuối ngày nên tôi không tìm cách thúc ép con ăn uống, tắm rửa ngay mà để con chơi thoải mái trong căn phòng được phép bày bừa của con. Sau khi việc chuẩn bị bữa tối có vẻ “hòm hòm”, tôi mới xả nước vào chậu của con vào gọi con vào tắm. Nếu cảm thấy vẫn muốn bực bội, tôi sẽ yên lặng gội đầu cho con thật nhanh, hạn chế tối đa việc “gây hấn” rồi để kệ cho con “bơi” một mình trong nước ấm. Thậm chí có hôm tôi không gội đầu mà chỉ cởi quần áo, để con tự nhảy vào bồn nước ấm mà nghịch ngợm. Tôi đứng ngoài bếp, uống nước lọc và thở đều. Khi cảm thấy mình đã bình tĩnh hơn, tôi mới vào gội đầu cho con.

Đã có lần, chồng đi vắng còn tôi lại nhâm nhẩm đau bụng, đang sốt ruột lo tắm nhanh cho con còn nấu cơm, dọn dẹp,… vậy mà con bé nghịch quá, khi tôi tắm cho con, con khua tay đập đúng vào bụng dưới của tôi. Tôi nghiến răng, muốn tát con một cái nhưng kịp dừng lại. Sau đó, để kệ con trong chậu nước, tôi bỏ ra phòng ngủ, nằm đắp chăn, thở đều trở lại và ngủ quên. Khoảng nửa tiếng sau tôi tỉnh dậy, thấy con mình trần truồng, rúc rích trong nách, hỏi tôi líu lo “mẹ trốn cho con đi tìm à? Con đói quá, mẹ lấy cơm đi…”. Tôi thương con quá, khóc nức nở, thật may là mình đã không đánh con. Rồi tôi đưa con đi ăn bánh thay vì nấu cơm, coi như chúc mừng mình đã kiềm chế được. Nói chung, nếu cơn nóng nảy bùng lên, tôi chọn cách im lặng, bỏ ra chỗ khác thay vì mở miệng nói ngay hoặc làm ngay điều mình muốn làm.

3. Sau tất cả vẫn là tình yêu thương

Vẫn không tránh khỏi những khi nóng nảy, tôi có cốc đầu hoặc tát con. Chuyện này là có thật dù nói ra tôi biết sẽ bị nhiều người lên án. Có điều sau mỗi lần như thế tôi đều ôm con vào lòng và nói xin lỗi con một cách rõ ràng. Mỗi lần xin lỗi tôi đều hứa sẽ không tái phạm. Và dần dần tôi vẫn thấy mình nóng nảy nhưng khả năng nhận diện cơn nóng nảy và kiềm chế nó tốt hơn. Tôi không cảm thấy con bị ảnh hưởng bởi sự nóng nảy của tôi mà trở nên cục cằn hay thô lỗ với bạn bè (thật may!). Bởi tôi luôn xin lỗi con với sự thành tâm, và sau mỗi lần nóng giận tôi đều khiến con cảm thấy tình yêu thương mà tôi dành cho con vẫn thật nhiều. Quan trọng nhất là những biểu hiện nóng nảy ấy không còn được bộc lộ ra nhiều. Con tôi, dù chưa đầy 4 tuổi nhưng thậm chí đã “nghiêm khắc” với tôi đến mức, nó “chấn chỉnh” tôi mỗi khi có vẻ tôi nóng giận: “Mẹ cẩn thận đấy nhé, không thì bực lên rồi lại đánh em, rồi lại mất công xin lỗi”. Tôi cười xòa, đồng ý trước sự nhắc nhở của con bởi lẽ, dù con đúng hay sai, thì việc tôi đánh con, nhất là đánh trong cơn nóng giận, hoặc có những lời lẽ chua ngoa, cáu gắt với con, thì tôi vẫn hoàn toàn sai.

Mẹ Chuột Nhắt

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.