Có rất nhiều cách giúp chị em tính được ngày trứng rụng. Tuy không chính xác 100% nhưng nhờ những bí kíp này, chị em sẽ tính được thời điểm dễ mang thai của mình.
Cách tính ngày rụng trứng theo 3 phương pháp
Phương pháp 1: Tính chu kỳ kinh
+ Bước 1: Theo dõi chu kỳ kinh của bạn. Hãy dùng bút đỏ khoanh tròn ngày bắt đầu của chu kỳ, được hiểu là ngày đầu tiên của kỳ kinh.
+ Bước 2: Để ý xem kỳ kinh đó diễn ra trong bao nhiêu ngày. Đến kỳ kinh tiếp theo thì tính số ngày vòng kinh của bạn.
Ví dụ:
Thời gian bắt đầu kỳ kinh 1 là: 1/1/2014
Thời gian bắt đầu kỳ kinh 2 là: 29/1/2014
Như vậy, vòng kinh của bạn là 28 ngày. Lưu ý: Nếu bạn tính ngày mùng 1 của tháng trước thì không được tính ngày 29 của tháng tiếp theo.
+ Bước 3: Theo dõi chu kỳ kinh của bạn khoảng 6 tháng. Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài khoảng 28 ngày. Tuy nhiên, có nhiều người, con số này lên đến 30, 35…
+ Bước 4: Dùng giấy bút ghi lại số ngày của mỗi chu kỳ kinh nguyệt mà bạn đã theo dõi được. Hãy liệt kê thành 2 cột. Một cột là tên tháng, một cột là số ngày của chu kỳ.
+ Bước 5: Sau khi theo dõi chu kỳ kinh, bạn sẽ dễ dàng tìm ra cách tính ngày trứng rụng để ra được thời gian thụ thai. Quy trình này quay vòng khoảng 28 ngày. Ngày rụng trứng có khả năng đậu thai cao nhất được tính là: chu kỳ kinh 14 ngày.
Như vậy, đối với chu kỳ bình thường diễn ra 28 ngày thì ngày rụng trứng là ngày thứ 14 (28 – 14 =14). Tức là khoảng thời gian từ ngày 12-16 của chu kỳ kinh sẽ là ngày không an toàn và khả năng thụ thai cao.
Tương tự vậy, nếu chu kỳ vòng kinh diễn ra vào khoảng các ngày khác nhau, bạn có thể tham khảo bảng dưới đây để biết thời gian “yêu” không an toàn.
Lưu ý:
+ Cách tránh thai này chỉ nên áp dụng (có hiệu quả cao) với những người có vòng kinh đều và thời gian rụng trứng cố định trong chu kỳ.
+ Phương pháp này không đạt hiệu quả tốt như bao cao su, thuốc tránh thai… vì nó phụ thuộc vào chu kỳ kinh và thời kỳ rụng trứng của người phụ nữ.
Phương pháp 2: Cách tính ngày rụng trứng bằng ĐO NHIỆT ĐỘ CƠ THỂ
Với những chị em không tính được ngày trứng rụng vì kinh nguyệt không đều hoặc chưa có kinh nguyệt trở lại sau thời gian sinh nở, để không có con ngoài ý muốn, có thể áp dụng cách đo nhiệt độ cơ thể. Phương pháp này khá đơn giản và chính xác.
+ Bước 1: Đều đặn đo nhiệt độ cơ thể của bạn vào mỗi sáng sau khi thức dậy và trước khi xuống giường.
+ Bước 2: Sau 6 ngày đo nhiệt độ, hãy tính ra số nhiệt độ trung bình của bạn (cộng tổng rồi chia 6)
+ Bước 3: Nếu nhiệt độ cơ thể đo trong 3 ngày liên tiếp cao hơn nhiệt độ trung bình thì có nghĩa là trứng đang rụng.
+ Bước 4: Để không có con ngoài ý muốn, bạn nên tránh giao hợp vào những ngày trứng rụng và sau ngày rụng trứng 2-3 ngày.
Lưu ý:
+ Chị em nào tránh thai dựa vào cách tính vòng kinh thì không sử dụng phương pháp này.
+ Chỉ sử dụng một nhiệt kế để tránh sai số và lấy ở một nơi nhất định trên cơ thể, như ở hậu môn hoặc âm đạo… nếu lấy ở nách hoặc miệng thì nhiệt độ thấp hơn 0,3 – 0,5 độ C.
+ Với chị em bị bệnh khiến nhiệt độ cơ thể thay đổi bất thường thì phương pháp này vô hiệu.
Phương pháp 3: Căn cứ vào dịch nhầy cổ tử cung
Dịch nhầy cổ tử cung (DNCTC) là một trong những loại dịch tiết từ âm đạo. Do sự thay đổi nồng độ hormone nên màu sắc, số lượng và tính chất của DNCTC cũng sẽ thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Kiểm tra DNCTC và theo dõi những thay đổi này sẽ giúp bạn xác định thời điểm rụng trứng
+ Bước 1: Mỗi sáng, bạn dùng ngón tay để kiểm tra dịch nhầy tiết ra từ âm đạo.
+ Bước 2: Lấy dịch nhầy ở cửa âm hộ dính vào đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ kéo ra.
+ Bước 3: Nếu dịch nhầy ẩm ướt và trơn, giống như lòng trắng trứng thì có nghĩa thời kỳ rụng trứng của bạn đã đến. Trong những ngày này, bạn nên ngừng quan hệ hoặc dùng các cách tránh thai khác nếu không muốn có con.
Lưu ý:
+ Dịch nhầy cổ tử cung càng khô, khả năng thụ thai càng thấp.
+ Dịch nhầy cổ tử cung có thể bị ảnh hường do nấm âm đạo hoặc do kích thích từ các tư thế “yêu”.
Chúc các bạn có được cách tính ngày rụng trứng chuẩn nhất!