3 giai đoạn sinh nở và những điều bố có thể phụ giúp mẹ bầu

Giai đoạn thứ 2 và giai đoạn 3 trong quá trình sinh nở của mẹ

>> Giai đoạn 1: Chuyển dạ

Giai đoạn 2 – giai đoạn rặn đẻ

Ở giai đoạn rặn đẻ, tử cung của mẹ đã mở hết 10 phân, nhiệm vụ của mẹ lúc này chỉ đơn giản là rặn đúng cách kết hợp hít thở sâu để đẩy em bé ra ngoài. Đa phần các bà mẹ ở giai đoạn 2 đều đã thấm mệt, nhưng với sự hỗ trợ của các y bác sỹ, cùng khát khao mong được gặp con sẽ tiếp thêm sức mạnh, giúp quá trình vượt cạn thành công. Thời khắc mẹ con được gặp nhau đang đến gần, hãy chuẩn bị tốt cả tâm lý lẫn kiến thức cho giờ phút thiêng liêng chào đón con yêu nhé.

Giai đoạn rặn đẻ có điểm gì đáng lưu ý?

– Tùy từng mẹ, giai đoan rặn đẻ sẽ kéo dài 20 phút – 2 giờ đồng hồ.

– Xuất hiện các cơn co thắt kéo dài khoảng 45-90 giây, cứ 3-5 phút lặp lại một lần.

– Cảm thấy một lực mạnh đè nén ở trực tràng.

– Mẹ có thể tè hay thậm chí là… “ị” ngay trên bàn đẻ, điều này là hoàn toàn bình thường.

– Đầu em bé chui ra trước tiên. Lúc này mẹ sẽ có cảm giác hơi nóng, như ong chích vậy.

– Giai đoạn này bạn sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn từ các y tá, hộ sinh.

Giai đoạn thứ 2 và giai đoạn 3 trong quá trình sinh nở của mẹ

Khi rặn đẻ cần phải làm gì?

– Lựa chọn tư thế thuận lợi cho việc rặn em bé ra dễ dàng. Mẹ có thể tì cằm xuống phía ngực để dồn không khí xuống phía dưới, giúp đẩy bé ra ngoài nhanh hơn.

– Rặn khi bạn rất muốn và có lực thôi thúc bạn làm như vậy.

– Thư giãn vùng xương chậu và vùng hậu môn (có thể tập các bài tập Kegel).

– Nghỉ ngơi giữa các cơn co để hồi sức.

– Nếu có gương hãy nhìn vào gương theo dõi sự cố gắng của mình.

– Dùng hết sức để đẩy em bé ra ngoài.

– Đừng nản lòng nếu đầu em bé xuất hiện và sau đó lại thụt vào trong.

Bố có thể giúp gì mẹ?

– Giúp cô ấy thư giãn và thoải mái, dễ chịu nhất có thể bằng cách mát-xa, chườm khăn mát,…

– Khuyến khích, động viên vợ.

– Hướng dẫn cô ấy thở khi xuất hiện cơn co.

– Không ngạc nhiên khi cô ấy tức giận hoặc khóc bù lu bù loa.

“Trọng trách” của em bé vào giai đoạn này

Mẹ đừng nghĩ là em bé đang bị động, chỉ chờ được mẹ đẩy ra khỏi tử cung đâu nhé. Bé cũng có những nhiệm vụ của riêng mình trên con đường chào đón thế giới đầy màu sắc này.

– Bé chuẩn bị tư thế để chui ra khỏi bụng mẹ dễ dàng và thành công, đầu em bé nghiêng một bên, cằm tựa vào ngực.

– Khi tử cung của mẹ mở hoàn toàn, đầu và thân trên của bé úp xuống khi đi qua cửa âm đạo.

– Đầu em bé chui ra khỏi đường âm đạo.

– Khi đầu đã chui ra được, bé sẽ nghiêng người để dễ dàng chui ra hơn.

Đặc điểm của bé sau khi lọt lòng mẹ

Mẹ cũng nên nhớ bé sống trong môi trường nước ối trong suốt 9 tháng 10 ngày, vì vậy mẹ cũng đừng ngạc nhiên khi nhìn thấy bộ dạng không xinh xắn lắm của bé nhé.

Thông thường bé sơ sinh sẽ có những đặc điểm như:

– Đầu hình nón, thuôn dài do quá trình ra khỏi bụng mẹ.

– Mắt sưng húp.

– Người phủ đầy lông tơ.

– Bộ phận sinh dục to.

Giai đoạn 3 – giai đoạn sổ nhau

Giai đoạn 3 cũng là giai đoạn cuối cùng trong quá trình sinh nở của mẹ. Giai đoạn này tính từ khi em bé sinh ra đến khi nhau thai và màng nhầy được đẩy ra. Tùy cơ địa từng mẹ, mà giai đoạn sổ nhau sẽ kéo dài nhanh hay chậm, thông thường từ 5-30 phút.

Sau khi em bé ra đời, tử cung tiếp tục co bóp theo từng cơn (nhẹ hơn so với những giai đoạn trước) để đẩy nhau ra. Bạn có thể cảm thấy hơi run khi nhau được đẩy ra ngoài. Triệu chứng này khá phổ biến và hoàn toàn không có gì bất thường.

Việt HàDịch từ AP

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.