Hiểu biết của chúng ta về thế giới xung quanh thực sự vẫn còn quá khiêm tốn, cho dù chỉ với những thứ gần gũi nhất.
Nhờ sự tiến bộ không ngừng của khoa học kĩ thuật, con người ngày càng nghiên cứu được sâu hơn về mọi thứ quanh mình. Và đôi lúc không ít người cảm thấy rằng dường như trên thế giới này chẳng còn bao nhiêu bí mật cần “bật mí” nữa.
Tuy nhiên, kiến thức luôn vô hạn, chỉ có con người là hữu hạn. Càng học hỏi nhiều, bạn sẽ thấy ngay cả những điều tưởng chừng luôn luôn đúng mà chúng ta từng tâm niệm, hóa ra vẫn “sai lè”.
1. Các hành tinh trong Hệ Mặt trời quay quanh trung tâm là Mặt trời
Ngày nay, khi nhìn lại quá khứ chúng ta có thể thấy buồn cười với những ai tin vào “thuyết địa tâm” cho rằng Trái đất là trung tâm vũ trụ, còn mọi thiên thể kể cả Mặt trời đều xoay quanh Trái đất.
Nhờ nỗ lực chứng minh của các nhà khoa học, trong đó nổi bật là Copernicus và Galileo vào thế kỷ 16-17, thì giờ có vẻ như chỉ còn một số cực nhỏ vẫn còn nghĩ Trái đất là nhất vũ trụ thôi. Còn sự thật, Mặt trời mới là trung tâm, và 7 hành tinh đều xoay quanh nó.
Mô hình Hệ Mặt trời phổ biến mà chúng ta biết.
Tuy vậy, kết luận này nói cho cùng vẫn sai bởi Mặt trời không phải là một khối cầu khổng lồ nằm yên giữa trung tâm hệ. Trái lại, bản thân Mặt trời cũng quay – dù rất chậm, và tất cả đều quay quanh các “barycenter” (trọng tâm) giữa Mặt trời với mỗi hành tinh.
Bạn hãy tưởng tượng vũ điệu giữa Mặt trời và hành tinh giống như chuyển động trong môn ném tạ. Khi vận động viên xoay quả tạ, không phải quả tạ quay quanh vận động viên mà là cả hai đều quay quanh một trọng tâm nằm ở giữa, và vì khối lượng cơ thể người lớn hơn quả tạ nhiều lần nên trọng tâm sẽ nằm gần hơn về phía vận động viên.
Còn đây mới là “điệu múa” thật giữa Mặt trời và các hành tinh.
Vì khối lượng của Mặt trời rất lớn so với Trái đất nên có thể “tạm” công nhận Trái đất xoay quanh nó. Nhưng thực ra, trọng tâm quay cũng không nằm ở giữa Mặt trời. Ngoài ra, khi Trái đất quay thì Mặt trời chỉ lắc lư đôi chút.
Tuy nhiên, với các hành tinh khổng lồ như Thổ tinh hay Mộc tinh thì sự quay của Mặt trời quanh trọng tâm khi đó sẽ rõ hơn nhiều.
2. Trọng lực bằng 0 khi chúng ta ra ngoài không gian
Hình thường thấy trong các bộ phim viễn tưởng về không gian là các phi hành gia trôi lơ lửng vì môi trường vô trọng lực.
Trọng lực luôn tồn tại ở mọi nơi trong vũ trụ.
Hình ảnh cũng không sai. Có điều, gọi đây là môi trường “vô trọng lực” thì sai. Bởi vì, trọng lực luôn tồn tại ở mọi nơi trong vũ trụ. Tức là nói đúng ra, đó phải gọi là môi trường “vi trọng lực”.
Nếu không có trọng lực thì Trái đất đã không thể giữ Mặt trăng yên trên quỹ đạo, hay thiên thể xa xôi như Diêm vương tinh đã bay khỏi Hệ Mặt trời từ lâu.
Cảm giác “vô trọng lực” mà các phi hành gia trải qua có thể ví với trường hợp người nhảy dù tự do khi lao khỏi máy bay. Dù tác động của trọng lực lên người nhảy không hề giảm đi, nhưng khoảng thời gian rơi tự do trước khi bung dù thì tác động đó đã bị bù đắp bởi sự rơi, khiến tổng lực bằng 0. Và việc phi hành gia quay theo quỹ đạo quanh Trái đất chính là một quá trình rơi tự do không bao giờ kết thúc.
Nếu không có trọng lực thì Trái đất đã không thể giữ Mặt trăng yên trên quỹ đạo.
3. Định nghĩa về sự sống
Hiện tại, các bộ não “khủng” nhất của nhân loại đang tích cực tìm kiếm dấu hiệu sự sống ngoài Trái đất bằng mọi phương tiện, từ việc dùng kính viễn vọng khổng lồ sục sạo vũ trụ tới việc phóng robot thăm dò hành tinh khác.
Truy tìm hăng say là thế, nhưng có một nghịch lí là con người đang mải miết tìm thứ mà chính mình còn chưa hiểu rõ: “Sự sống” là gì?
Sự sống à? Có ăn được không?
Cứ nghĩ đơn giản rằng con mèo, cái cây, đứa bạn mà bạn vừa mới gặp là “sống”. Còn cục đá, chiếc ghế bạn ngồi thì “không sống”.
Nhưng mọi thứ không hề đơn giản vậy, càng tìm hiểu thì các nhà khoa học càng thấy ranh giới giữa vật “sống” và “không sống” chẳng hề rõ ràng, nhiều lúc đan xen nhau.
Chẳng hạn, virus là các thực thể không ăn uống hít thở, không cấu trúc tế bào, chỉ có acid nucleic bọc trong vỏ protein. Theo định nghĩa sinh học thì chúng không sống, nhưng khi xâm nhập vào một tế bào sống thì chúng lại có thể tự nhân bản, đồng thời còn biết tiến hóa để chống lại sự đề kháng của vật chủ.
Virus gây tranh cãi kịch liệt trong giới khoa học về tính “sống” của chúng.
Thậm chí, đơn giản hơn cả virus là viroid – chỉ gồm một sợi RNA, hay prion – một phân tử protein. Thế mà, chúng vẫn “tác oai tác quái” trong cơ thể các sinh vật bậc cao hơn nhiều như viroid gây bệnh củ hình thoi ở khoai tây, và prion gây bệnh bò điên.
Ở phía ngược lại, với các thực thể rõ ràng được xem là “sống” như đàn trâu, đàn kiến hay thậm chí một đoàn người thì sự vận động lại giống một dòng nước chảy vô tri vô giác hoàn toàn có thể dự đoán.
Thực thể rõ ràng được xem là “sống” như đàn kiến thì sự vận động lại giống như một dòng nước chảy vô tri giác hoàn toàn có thể dự đoán.
Vậy phải chăng điểm khác của bạn với một cục đá là bạn đang sống… Nhưng rốt cuộc “sống” là gì?