Trúc là một loài cây rất thân quen trong đời sống người Việt và mang tính biểu tượng cao. Nhiều đồ vật có niên đại hàng trăm năm được mô phỏng từ hình tượng cây trúc hoá long. Ở Việt Nam có một số loài trúc quý trong sách đỏ cần được bảo vệ khẩn cấp.
3 loài trúc quý ở Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng
Trúc đen – Phyllostachys nigra
Trúc đen là một loài thực vật trong chi Trúc, phân họ Tre, họ Hoà thảo. Thân ngầm mọc tản, đường kính bình quân 1,5cm; thân khí sinh rỗng, hình trụ thẳng, mọc tán, đường kính 2-4cm cao 6-7m, màu tím lục hoặc tím đen bóng. Cây non thân khí sinh có màu tím đen hoặc vàng nâu, xanh lục nhạt; cây trưởng thành toàn bộ thân khí sinh có màu tím đến tím đen, bóng. Vòng mo thân là một đường gờ mảnh, màu vàng đốm nâu nhạt, đáy rộng 9 – 10cm, tai hình sợi.
Cây trúc đen.
Lá trúc đen hình trái xoan dài 8–12cm, rộng 1-1,2cm, đầu lá nhọn, đuôi thuôn. Cây sinh sản bằng thân rễ. Mùa măng vào mùa xuân khoảng tháng 2-5. Trúc đen mọc ở các vùng núi cao trên 1.300m, gần khe suối, nơi có độ ẩm cao.
Cây trúc đen được sử dụng làm cây cảnh, hàng rào nhà phố, nơi chật hẹp, quán cà phê, trang trí điểm nhấn sân vườn. Thân cây trúc đen khi già khô vẫn giữ màu đen bóng, rất được ưa chuộng làm bàn ghế.
Cây trúc đen mọc ở các vùng núi cao trên 1.300m, gần khe suối, nơi có độ ẩm cao. Ở Việt Nam trúc đen có nhiều ở vùng bản Khoang (Sapa, Lào Cai) người dân dùng lá làm thuốc chữa cảm cúm, thân làm cần câu, măng ăn được; lấy thân, lá trúc đen này về kết hợp với một số loại cây rừng khác làm thuốc chữa bệnh phong thấp và bệnh hậu sản.
Cây trúc đen hiện nay đang có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn vì bị khai thác quá mức.
Trúc hóa long – Phyllostachys aurea
Trúc hoá long là một loài cây thuộc phân họ Tre (Bambusoideae) trong trong họ Hòa thảo (Poaceae). Loài trúc này thân cao 5–12m, đường kính 2–5cm, khoảng cách các đốt 15–30cm. Các đốt ở phía gốc bị co ngắn lại và phồng lên, đan chéo nhau tạo cho cây một dáng vẻ hấp dẫn tuyệt vời, nhìn tựa con rồng đang bay lên, màu sắc vỏ cũng rất đẹp.
Cây trúc hóa long.
Trúc hoá long ở Việt Nam phân bố rất hẹp, chủ yếu ở một vài vùng ở miền núi phía Bắc, đang có nguy cơ bị tuyệt chủng và rất cần được bảo tồn nguồn gene.
Trúc hoá long chỉ còn tìm thấy duy nhất tại xã Vân Tùng (Ngân Sơn, Bắc Cạn) trên độ cao 620m. Diện tích hiện chỉ còn 1 ha với khoảng 20% số thân cây hoá long, còn lại là thân bình thường.
Chân nến cổ mô phỏng từ hình tượng cây trúc hoá long.
Trúc hoá long có thân độc đáo nên có thể trồng làm cảnh và làm hàng mỹ nghệ. Dùng làm cần câu, cán ô, gậy ba-toong, ống điếu và trang trí. Từ xa xưa người Việt ta đã mô phỏng hình tượng cây trúc hoá long để làm lư đồng, bình vôi, chân nến, câu đối… mang tính nghệ thuật cao.
Trúc vuông – Chimonobambusa quadrangularis
Trúc vuông thuộc tông Bambuseae, họ Hoà thảo (Poaceae). Đây là loài trúc có thân nhỏ vuông hoặc gần vuông, những đốt phía dưới thường có rễ biến thành gai ngắn.
Cây trúc vuông.
Ở Việt Nam thì trúc vuông chỉ thấy ở đèo Gió, Ngân Sơn, Cao Bằng hoặc Bạch Thông, Bắc Kạn. Đây là loài duy nhất có thân vuông ở Việt Nam và là loài trúc đặc biệt quý hiếm, có phạm vi phân bố quá hẹp, chưa được gây trồng, lại bị khai thác thường xuyên. Do vậy, loài này cần có chính sách bảo vệ và nghiên cứu gây trồng nếu không có thể nó sẽ biến mất ở Việt Nam.
Theo Infonet