Nghiên cứu này, do trung tâm nghiên cứu về khai khoáng thuộc Đại học Tasmania thực hiện, được công bố trên tạp chí EPSL hồi đầu tháng, cho biết có thời điểm lượng vàng trong đại dương nhiều gấp 2.000 lần dự trữ trong kho Fort Knox. Đây là kho lưu trữ vàng lớn nhất thế giới với 4.577 tấn vàng thỏi loại 12,4 kg/thỏi, nằm cạnh căn cứ quân sự Fort Knox, bang Kentucky, Mỹ.
Hàm lượng vàng trong đại dương nhiều gấp 2.000 lần số vàng lưu trữ trong kho Fort Knox. (Ảnh: Reuters)
“Đấy là thời điểm mỏ vàng lớn nhất thế giới hiện nay ở Witwatersand Basin, Nam Phi được hình thành,“giáo sư Ross Large của CODES lý giải.
“Hơn 400 triệu năm sau, lượng vàng trong đại dương vẫn còn cao và cùng với đó nhiều mỏ quan trọng khác hình thành, trong đó có Golden Mile ở Tây Úc. Điều này có nghĩa là thời điểm cực đỉnh của trữ lượng vàng trong đại dương tương ứng với thời điểm tốt nhất để hình thành quặng vàng trong lịch sử Trái Đất.”
“Trước tiên, thời điểm đó núi lửa hoạt động rất nhiều và vàng được đẩy từ sâu trong lòng đất lên bề mặt Trái Đất dưới dạng hạt vi mô trong dung nham và khí ga núi lửa. Sau đó, do tác động của sự xói mòn, vàng cùng các nguyên tố như asen, niken, antimon, telua và thuỷ ngân trôi xuống đại dương. Vì thế, đại dương cổ đại hàm lượng vàng rất phong phú nhưng cũng vô cùng độc hại.”
Trong thời kỳ Liên đại nguyên sinh – thời kỳ trước khi sự sống phức tạp trên Trái Đất mở rộng, lượng vàng xuống thấp kỷ lục. Tuy nhiên, sự sống trên Trái Đất dần phong phú hóa, khiến lượng vàng bắt đầu tăng trở lại khoảng 550 triệu năm trước. Nguyên nhân là độ hoà tan vàng trong đại dương bị ảnh hưởng nặng nề do lượng khí oxy trong nước biển, theo IB Times.
“Khi hàm lượng oxy tăng trong quá trình bùng nổ sự sống dưới đại dương thời kỷ Cambri, hàm lượng vàng cũng dần tăng lên và cuối cùng đạt đến cực đỉnh 525 triệu năm trước,” giáo sư Large kết luận.