4 trận đánh diễn ra trong thời tiết khắc nghiệt nhất lịch sử

4 trận đánh diễn ra trong thời tiết khắc nghiệt nhất lịch sử

Có những trận đánh đã diễn ra trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt, làm thay đổi kết quả một cách rõ rệt, theo War History.

Trận chiến trên sông Trebia năm 218 trước Công nguyên

Người La Mã và cư dân thành Carthage đã đối đầu trong trận giao tranh quy mô lớn thời Chiến tranh Punic lần hai. Hannibal, vị tướng và chiến lược gia người Carthage, đã ở Italy nhiều tháng và khiến miền trung Italy đang bị đe dọa. Đối thủ của Hannibal là lãnh sự Tiberius Sempronius Longus, người rất tự tin vào quân đội của mình, nhưng lại chọn phương án khó thành công nhất để tiến hành trận đánh.

Vào ngày đông chí cuối tháng 12, Hannibal điều các cánh quân nhỏ băng qua sông Trebia để tấn công doanh trại quân La Mã, trong khi số quân còn lại quây quần ăn sáng trước bình minh. Quân La Mã bị bất ngờ, Sempronius Longus lập tức cho quân xông ra đánh sống mái nhằm đẩy lùi quân Hannibal.

Phía La Mã buộc phải băng qua sông Trebia lạnh giá dưới trời mưa tuyết. Các cánh quân nhỏ của Hannibal cưỡi ngựa, trong khi lính bộ binh La Mã phải lội nước ngang tới ngực, khiến họ không thể cầm vũ khí do tay lạnh buốt. Khi cuộc giao tranh diễn ra, Hannibal điều kỵ binh bí mật tấn công vào phía sau đội hình La Mã khi họ vừa lên khỏi dòng sông lạnh. Nhờ đó, quân Carthage dễ dàng giành chiến thắng gây chấn động khắp La Mã.

Cuộc chiến Mùa đông năm 1812

4 trận đánh diễn ra trong thời tiết khắc nghiệt nhất lịch sử
Đội quân của Napoleon co ro trong giá lạnh mùa đông nước Nga. (Ảnh: War History).

Khi xâm lược Nga, Napoleon tự tin rằng đội quân lớn của mình sẽ thẳng tiến đến chiếm Moscow, buộc người Nga phải đầu hàng trước mùa đông.

Người Nga biết rõ sức mạnh của đội quân Napoleon và quyết định tiến hành chiến lược vườn không nhà trống. Họ giao tranh nhiều trận với quân Pháp nhưng liên tục rút lui, ngay cả khi giành chiến thắng. Trước khi rút, quân Nga mang theo mọi lương thực khiến lính Pháp gặp khó khăn về nguồn tiếp tế. Sau trận đánh lớn ở Borodino, ngoại thành Moscow, Napoleon dễ dàng chiếm được thành phố lớn này nhưng người Nga vẫn không hề đầu hàng.

Do cạn nguồn lương thực, quân Napoleon buộc phải rút lui. Trong quá trình lui binh, mùa đông khắc nghiệt ở Nga khiến quân Pháp bị tổn thất nặng nề. Ngoài ra, cuộc tấn công chớp nhoáng của Nga ở trận Vyazma cũng cản trở đà lui binh của Napoleon khi vừa mới bắt đầu.

Vào giữa tháng 10, nhiệt độ dưới 0 độ C giúp người Nga tận dụng lợi thế trong trận Krasnoi. Dù quân Napoleon trốn thoát với lực lượng còn nguyên vẹn, những người lính lạnh cóng và đói khát luôn lo sợ về cuộc tấn công tiếp theo của quân Nga.

Cuối cùng, Napoleon cũng đến được sông Berezina. Người Pháp chỉ cần băng qua sông băng để thoát thân, nhưng lớp băng vừa mới nứt đã gây khó khăn cho họ. Một số lính công binh dũng cảm đã lội xuống dòng nước băng giá để xây cầu thô sơ, trong khi quân Nga liên tục tấn công ác liệt vào đội hình quân Pháp đã mệt mỏi.

Lính Pháp hoảng loạn tràn lên các cây cầu, rất nhiều người rơi xuống sông khiến hàng nghìn quân bị hạ thân nhiệt và tê cóng. Quân Napoleon cuối cùng cũng qua được sông nhưng bị tổn thất tới hàng chục nghìn người. Thảm bại của chiến dịch này đã khiến quân đội Pháp suy yếu đáng kể, đồng thời gây ảnh hưởng đến danh tiếng của họ ở nước ngoài. Các đồng minh của Pháp chuyển phe khi Chiến tranh Liên minh thứ 6 nổ ra, khiến Napoleon phải sống lưu vong ở Elba.

Chiến tranh công sự ở dãy Alps trong Thế chiến I

4 trận đánh diễn ra trong thời tiết khắc nghiệt nhất lịch sử
Một trong các đường hầm trên dãy Alps. (Ảnh: War History).

Trong Thế chiến I, Italy cùng phe với Đức, Áo, Hungary ở giai đoạn đầu chiến tranh, sau đó chuyển sang phe Anh và Pháp với hi vọng giành thêm lãnh thổ quanh dãy Alps và Dalmatia. Chiến dịch quân sự của nước này sa lầy ở rặng núi Dolomite thuộc dẫy Alps, nơi tồi tệ nhất trong Thế chiến I.

Các công sự chiến đấu được hình thành ở những nơi gây khó khăn cho các chuyên gia leo núi hiện nay. Những trận tuyết lở và đá sập không phải là hiếm gặp, trong khi lượng lớn thuốc nổ được sử dụng khiến các vụ sạt lở diễn ra nhiều hơn.

Italy cố gắng tiến lên phía trước nhưng viện binh Đức đẩy lùi họ đến mức gần như phải bỏ phòng tuyến. Đến khi ở thế giằng co, cả hai bên đều đào các đường hầm đáng kinh ngạc xuyên qua núi, thường chỉ cách đỉnh núi khoảng 30 m.

Trong trận đánh này, các ngọn núi dựng đứng với địa hình hiểm trở đã gây khó khăn cho cả hai phía. Tuy nhiên, thời tiết lạnh giá, băng tuyết rơi thường xuyên cùng không khí loãng cũng có ảnh hưởng sâu sắc. Cuối cùng, Italy tung đòn tấn công quyết định để chọc thủng tuyến phòng thủ nơi đây vào năm 1918 và tiến sâu vào lãnh thổ đế chế Áo – Hung.

Chiến dịch Neptune trong Thế chiến II

Trận đổ bộ Normandy là bước ngoặt ở chiến trường châu Âu trong Thế chiến II. Thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch này. Eo biển Manche thường có các cơn bão quét qua, thời tiết mưa gió, biển động mạnh ảnh hưởng đến mọi hoạt động từ oanh tạc trên không cho đến đổ bộ bằng lính dù và xuồng.

4 trận đánh diễn ra trong thời tiết khắc nghiệt nhất lịch sử
Xe tăng 29 DD được quây vải ngăn sóng đánh chìm trong trận Normandy. (Ảnh: War History).

Do tầm quan trọng của thời tiết, đội ngũ nhà khí tượng học tốt nhất thế giới của quân Đồng minh đã làm công tác dự báo, nhưng kết quả không thực sự chính xác trước thềm cuộc đổ bộ ngày 5/6/1944. Tối 4/6, người đứng đầu nhóm khí tượng cho rằng thời tiết rất xấu trong ngày 5/6. Đây là dự báo liều lĩnh bởi thời tiết khi đó khá yên ả và dễ chịu, tuy nhiên đã có các cơn bão trong ngày hôm đó, dự báo thời tiết xấu sẽ kéo dài trong gần hai tuần.

Dự báo cho biết trong thời gian này có lúc thời tiết tốt nên quân Đồng minh có thể đổ bộ sáng ngày 6/6. Đây lại là một dự báo rất mạo hiểm bởi thời tiết khi đó rất xấu. Dù chỉ huy Đồng minh Eisenhower có thể trì hoãn đợt tấn công, việc chờ đợi hơn một tuần sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực, buộc ông phải tái di chuyển lượng lớn binh sĩ và tàu thuyền.

Eisenhower quyết định tận dụng ngay dự báo này, thay vì chờ đến gần ngày 19/6. Cuộc đổ bộ đã thành công vào ngày 6/6, dù phải chịu nhiều thương vong. Thời tiết không hẳn là tốt, nhưng vẫn có thể triển khai chiến dịch. Trên thực thế, vào ngày 19/6 còn xuất hiện một cơn bão tồi tệ hơn quét qua eo biển Manche.

Ngược lại, công tác dự báo thời tiết của Đức không tốt. Họ không thể kiểm soát biển phía bắc và phía tây, đồng thời cho rằng các cơn bão sẽ hoành hành liên tục nên chắc chắn không thể diễn ra một cuộc đổ bộ. Nhiều chỉ huy Đức đã rời căn cứ, trong khi lượng lớn binh sĩ được cho nghỉ phép. Điều này đã gây ảnh hưởng tới sức chiến đấu của Đức khi cuộc đổ bộ diễn ra tại Normandy.

 

Theo VnExpress