40.000 tàu đánh cá sẽ thành… san hô?

Cả nước đang có 92.000 tàu máy kéo phục vụ khai thác thủy sản. Theo chủ trương quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt, thì đến năm 2010, cả nước chỉ giữ lại 50.000 tàu. Như vậy, hơn 40.000 tàu còn lại của ngư dân sẽ đi đâu? PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản (Bộ Thủy sản), có ý kiến: đánh đắm những con tàu này để tạo san hô. Ông nói:

(Ảnh: TTO)

– Ý tưởng của chúng tôi được bắt đầu từ chủ trương giảm thiểu hơn 40.000 tàu cá của Chính phủ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bởi vì hiện nay, nguồn lợi thủy sản biển của chúng ta đang mất cân bằng nghiêm trọng. Nhưng khi đưa ra giải pháp đánh đắm 40.000 tàu để tạo san hô, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu không nghiêm túc thực hiện chủ trương này thì đến năm 2010, chúng ta khó đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

* PV: Vì sao ông lại có ý tưởng dùng các tàu thuyền giảm thiểu này để tạo san hô?

– Ông Nguyễn Chu Hồi: Giá trị của rạn san hô được các nhà khoa học ví như rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển. Nếu giá trị của rừng nơi thượng nguồn quý như thế nào thì rạn san hô dưới đáy biển cũng như vậy.

Và nếu mất rạn san hô thì biển sẽ thành “thủy mạc”- cũng như mất rừng sẽ thành sa mạc. Các rạn san hô được coi là “ngôi nhà” để thu hút các loài cá tìm về sinh trưởng, phát triển. Biển của chúng ta có 2.000 loài cá. Nếu không có rạn san hô thì dù chúng ta không khai thác, cá vẫn bỏ đi. Không chỉ mang lại giá trị về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển, các rạn san hô còn có giá trị cảnh quan rất đẹp, là một điều kiện lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch trong tương lai.

Đầu tư cho các rạn san hô là đầu tư có lãi lớn, bền vững và rất lâu dài. Cách làm này, các nước trên thế giới đã làm nhiều rồi. Ở Malaysia, cứ gặp tàu lưới kéo nào hoạt động trên biển là họ đánh chìm. Ở Israel, người ta còn dùng lốp xe phế thải đưa xuống biển để cấy san hô và hiện nay nước này sở hữu một nguồn san hô khá lớn. Còn ở nước ta, cùng với nhiều giải pháp khác để tạo nguồn sống cho san hô thì đánh đắm các tàu thuyền cần giảm thiểu, theo tôi, là một giải pháp có thể thực thi được.

* Nhưng thưa ông, 40.000 con tàu kéo không phải là nhỏ…

Giải pháp đánh đắm 40.000 tàu để tạo san hô (Ảnh: TTO)

– Chủ trương, quan điểm của tôi là không phải đánh chìm tất cả 40.000 tàu thuyền mà chỉ đánh chìm một phần và theo lộ trình, chỉ tiêu từng năm cho đến năm 2010.

Bởi vậy, bắt đầu từ đầu tháng sau, chúng tôi sẽ bắt tay kiểm kê lại toàn bộ số tàu thuyền của các tỉnh có thủy sản, liên quan đến thủy sản, đặc biệt là các tỉnh ven biển, để nắm cụ thể đến từng chủ hộ, chủ tàu về thực trạng tàu thuyền hiện nay: tàu nào còn đang hoạt động, không hoạt động và tàu nào hoạt động nhưng không có đủ điều kiện hoạt động…

Sau khi phân loại, chúng tôi sẽ chia đều ra các năm với kế hoạch mỗi năm đánh đắm khoảng 1.000 tàu. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ lấy ý kiến của từng địa phương về việc có thể phân bổ chỉ tiêu giảm thiểu tàu thuyền cho từng địa phương hay không?

* Như vậy, những tàu thuyền nào sẽ phải đánh đắm để tạo san hô?

– Những tàu nằm bờ, hư hại, ra khơi nhưng lại không đủ tiêu chuẩn, khai thác có tính chất xâm hại nguồn lợi thủy sản sẽ nằm trong tầm ngắm để đánh đắm. Quan điểm của tôi là tàu chất lượng tốt sẽ được giữ lại, tàu chất lượng kém thì phải giảm thiểu. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phân loại theo cấu trúc vỏ tàu. Những tàu có vỏ làm bằng sắt, vỏ xi măng… sẽ được “ưu tiên” đánh đắm. Tôi cũng xin được nói rõ là không phải đánh đắm toàn bộ con tàu mà chỉ đánh đắm phần xác, thân tàu. Còn máy móc thì chủ tàu có thể thanh lý hoặc chuyển qua tàu vận tải.

* Theo ông, đây là một giải pháp hay. Nhưng liệu khi triển khai, ngư dân có hưởng ứng không khi mà con tàu là tài sản thuộc sở hữu của họ đồng thời cũng là phương tiện làm ăn?

– Bởi thế, nhà nước phải mua lại những tàu thuyền đã được điều tra, phân loại để liệt vào danh sách cần đánh đắm. Nhà nước không thể không có hỗ trợ cho ngư dân và chủ tàu. Và đừng sợ rằng đây là sự “mua đi bán lại” đơn thuần, mà phải hiểu rằng nếu nhà nước bỏ một đồng vốn ra thì sẽ thu được khoản lợi nhuận rất lâu dài, đó là môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản (cá, tôm) và du lịch. Và số tiền cần bỏ ra để mua lại các tàu thuyền, theo tôi, cũng không phải lớn. Mặt khác, nếu nhà nước không chủ động mua thì người dân cũng sẽ biến các tàu thuyền kém hoạt động thành… đồng nát. Đài Loan đã rất thành công trong cách làm như vậy.

* Vậy sau khi bán tàu thuyền cho nhà nước rồi, chủ tàu và các ngư dân sẽ làm gì để lên bờ?

– Khi triển khai Chương trình 131 của Chính phủ, Bộ Thủy sản đã tính toán đến khía cạnh này. Hiện chúng tôi đang khẩn trương triển khai đề án chuyển đổi những hoạt động xâm hại đến nguồn lợi thủy sản sang hoạt động khác bằng cách ưu tiên đào tạo và tạo công ăn việc làm mới cho những ngư dân thuộc diện phải giảm thiểu tàu thuyền. Bởi nếu không làm tốt được việc này thì sẽ phát sinh những “tác động ngược”, hậu quả còn khủng khiếp hơn.

 

Theo Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ