Có lẽ đối với những người thuộc thế hệ trẻ, sự hiện diện của điện thoại di động đã quá quen thuộc. Nhưng ít người biết rằng nó chỉ mới ra đời cách đây 40 năm.
Đối với một ngành công nghệ đã trải qua nhiều thăng trầm và thay đổi như điện thoại di động (ĐTDĐ), chẳng mấy ai nghĩ rằng nó vẫn là một ngành còn non trẻ.
Từ khi ĐTDĐ đầu tiên ra đời năm 1973 cho đến thời kỳ bùng nổ công nghệ điện thoại thông minh (smartphone), sản phẩm này đã dần dần chuyển từ vai trò của một thiết bị liên lạc sang một máy tính cá nhân bỏ túi. Tiềm năng của thiết bị công nghệ này lớn đến nỗi người ta xem nó như một hướng đi mới của ngành máy tính cá nhân tương lai.
Liên tục được cải tiến
ĐTDĐ là sản phẩm kết tinh của hàng loạt những công nghệ then chốt nhất trong lịch sử hiện đại. Đầu tiên quan trọng nhất là sự ra đời của công nghệ truyền thông tin giọng nói, là phát kiến về điện thoại. Công nghệ này được thử nghiệm và phát triển bởi hàng loạt các nhà phát minh vào thế kỷ XIX, trong đó có Alexander Graham Bell và Thomas Edison (Bell được chính thức cấp bằng sáng chế năm 1876).
Điện thoại lúc bấy giờ vốn chỉ có thể kết nối thông qua dây truyền tín hiệu nhưng việc có thể liên lạc bằng giọng nói vào thời điểm đó được xem là một điều kỳ diệu. Sau đó là sự ra đời của công nghệ truyền tín hiệu điện thoại qua sóng vô tuyến Radio Frequency. Quân đội các nước tiên tiến từ những năm 1938 đã bắt đầu sử dụng các máy điện đàm từ xa nhưng chúng nặng đến hơn 11kg và chỉ có tầm liên lạc chừng 8km.
Martin “Marty” Cooper với chiếc ĐTDĐ đầu tiên – Motorola DynaTAC. (Ảnh: INTERNET)
Đến năm 1947, AT&T – một công ty viễn thông Mỹ đứng đằng sau viện nghiên cứu Bell Labs của Alexander Graham Bell giới thiệu điện thoại dân dụng không dây đầu tiên, sử dụng dịch vụ MTS (Mobile Telephone Service) hay còn được gọi là thế hệ 0G (Zero Generation) của sóng dịch vụ di động. Các thiết bị điện thoại không dây này của AT&T nặng đến 36kg và chỉ được lắp đặt bên trong xe hơi.
Chật vật cạnh tranh với Tập đoàn AT&T, nhiều công ty công nghệ và viễn thông thời bấy giờ đã phải bỏ cuộc. Như một giải pháp cuối cùng, Công ty Motorola đặt cược hết mọi hy vọng của họ lên một dự án ĐTDĐ để cầm trên tay. Chủ trì dự án này là kỹ sư điều hành Martin “Marty” Cooper. Năm 1973, Marty thực hiện cuộc điện thoại đầu tiên trong lịch sử ĐTDĐ. Người mà ông gọi là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Marty: Joel Engel – kỹ sư trưởng của viện nghiên cứu Bell Labs thuộc AT&T.
“Joel, Martin đây! Tôi đang gọi cho anh từ một ĐTDĐ cầm tay”. Martin kể lại rằng đầu dây bên kia chỉ có sự im lặng. Joel Engel hiểu rõ rằng đó là lời tuyên bố chiến thắng của Martin trong cuộc chiến công nghệ viễn thông. Mặc dù vậy, đến tận 10 năm sau, 1983, mẫu ĐTDĐ của Motorola mới ra mắt thị trường với tên gọi DynaTAC, sử dụng công nghệ truyền tín hiệu viễn thông tự động đầu tiên trên thế giới.
1G DynaTAC chỉ có thể cho phép người dùng hội thoại trong vòng 60 phút và có giá cao đến 4.000 USD. Trải qua một thời gian từ năm 1984 đến 1997, ĐTDĐ liên tục được cải tiến với vóc dáng nhỏ gọn hơn, thời lượng hội thoại được tăng cao hơn, giá rẻ hơn rất nhiều…
Thời của smartphone
Khái niệm smartphone gần như không có, mãi cho đến khi Nokia cho ra Nokia 9000 Communicator, với khả năng kết nối mạng và bàn phím Qwerty. Nokia cũng là hãng đầu tiên cho ra đời điện thoại không có ăng-ten ngoài. Năm 1992, mạng 2G ra đời và cho phép người sử dụng điện thoại gửi tin nhắn.
Tính năng này trở nên phổ biến nhất đến nay. Năm 1999, Nokia cho ra mẫu 7110, điện thoại đầu tiên sử dụng mạng WAP, cho phép truy cập một phiên bản đơn giản hóa của các trang web, được xem như là một bước tiến khổng lồ của ngành smartphone. Việc tích hợp camera vào điện thoại cũng bắt đầu được thử nghiệm, với câu chuyện của kỹ sư Philippe Kahn gắn máy ảnh vào điện thoại để có thể gửi đi những hình ảnh đầu tiên của đứa con vừa chào đời của ông. Nhưng đến năm 2000, Sharp lại là công ty đầu tiên đưa thị trường ĐTDĐ có tích hợp máy ảnh, dù chỉ có 0.1 megapixel.
Trong những năm 2000, giới công nghệ chứng kiến một sự trỗi dậy của các điện thoại smartphone. Nổi trội nhất là Palm, một sản phẩm máy tính cầm tay nhỏ gọn, cho phép người dùng sử dụng một số phần mềm của Microsoft. Motorola cho ra mắt dòng RAZR, một loại điện thoại nắp gập với thiết kế rất trang nhã. Dòng RAZR khởi đầu cho một cuộc đua về thiết kế ĐTDĐ ngày càng mang tính thời trang hơn. Trong khi đó, bắt nguồn từ một loại máy nhắn tin, Blackberry nhen nhóm trở thành một thương hiệu đứng đầu thị trường smartphone.
Nhưng bước nhảy vọt vĩ đại nhất của smartphone là khi Steve Jobs – cố CEO của Apple – tung ra siêu phẩm iPhone. Sản phẩm này đi trước các đối thủ của mình từ tính năng đến thiết kế. iPhone không những đặt ra chuẩn mực về chất lượng mà còn là các khái niệm về các tính năng cần thiết của một smartphone, như hệ thống phân phối nội dung và tiện ích. Dưới áp lực của “quái vật” Apple, Google tung ra Android, một hệ điều hành smartphone mã nguồn mở để cân bằng thế trận. Và thế là một kỷ nguyên mới của ĐTDĐ được bắt đầu.
Một phần của văn minh nhân loại
Ngày nay, ĐTDĐ trở thành một vật dụng không thể thiếu cho bất kỳ ai, một máy tính cá nhân thực sự. Thậm chí, sự phổ biến của ĐTDĐ còn làm lu mờ cả “vị tiền bối” của nó là điện thoại cố định. ĐTDĐ đã trở thành dấu ấn, một phần trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại.